Đột phá thể chế thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế

Theo nhandan.com.vn

(Tài chính) Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn "ngổn ngang", "bộn bề" trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm cho đến sự "lúng túng" trong các giải pháp thực hiện. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là tất cả các giải pháp tái cơ cấu kinh tế đều bị bế tắc và không triển khai được.

 Đột phá thể chế thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế
Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã xác định năm nội dung chủ yếu. Nguồn: internet

Phân bổ lại nguồn lực

Nhận định nêu trên được TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại Diễn đàn "Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức" do CIEM vừa tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội. Mặc dù có sự đồng thuận xã hội về sự cần thiết và tính tất yếu của tái cơ cấu kinh tế tại thời điểm hiện nay nhưng nhận thức, quan điểm và quan niệm về bản chất, nội dung của tái cơ cấu kinh tế là chưa giống nhau.

Có quan niệm cho rằng, tái cơ cấu kinh tế chỉ là điều chỉnh, khắc phục một số sai lầm, yếu kém nhất thời của giai đoạn vừa qua và như vậy nền kinh tế sẽ từng bước phục hồi, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như trước đây.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, tái cơ cấu kinh tế phải được hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường, qua đó nguồn lực xã hội sẽ được phân bổ lại hợp lý hơn, được sử dụng có hiệu quả hơn. Sự thay đổi về phân bổ nguồn lực sẽ từng bước làm thay đổi cách thức tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và dần nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế...

Với những nội hàm, nội dung này của tái cơ cấu kinh tế, có thể thấy hành động và kết quả tái cơ cấu kinh tế cho đến nay là chậm so với yêu cầu phục hồi tăng trưởng kinh tế: chưa có những thay đổi đột phá tạo lập môi trường vi mô năng động thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả; chưa có thay đổi đáng kể về cách thức tăng trưởng; chưa phục hồi được tốc độ tăng trưởng kinh tế như kế hoạch đề ra...

Lấy dẫn chứng về tái cơ cấu đầu tư công, một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét: Kết quả đạt được khá rõ nét trong hai năm qua là tỷ trọng đầu tư/GDP đã giảm đáng kể, từ mức bình quân 39% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn hơn 33% năm 2011, 30,5% năm 2012, đồng thời, cơ chế quản lý vốn đầu tư nhà nước bước đầu được đổi mới, nhờ đó khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả đã tồn tại từ nhiều năm.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đầu tư công trong mấy năm qua về cơ bản chủ yếu xử lý tình trạng quyết định đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ (đã tồn tại nhiều năm) hơn là thiết lập một thể chế mới để quản lý vốn đầu tư nhà nước và một hệ thống động lực mới thúc đẩy các bộ, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước.

Cùng chung quan điểm này, TS. Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương) chia sẻ, việc triển khai tái cơ cấu đầu tư công gặp nhiều rào cản, trong đó có rào cản về thể chế. Những rào cản đó đã được chỉ ra tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 7/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Song, quan trọng nhất là cần có sự quyết tâm phối hợp hành động để tháo gỡ những rào cản này.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì thể chế là quan trọng nhất bởi thể chế phù hợp không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế mà cả phát triển hạ tầng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cùng ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Đột phá về thể chế phải là những cải cách mở rộng dư địa hoạt động và nâng cấp mức độ phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khống chế, hạn chế và dần triệt tiêu cơ chế "xin - cho", "ban - phát"; khuyến khích và không ngừng mở rộng khu vực kinh tế tạo lợi nhuận, tạo giá trị gia tăng thông qua đổi mới quản lý, đổi mới phương thức sản xuất và chuyển giao công nghệ, cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường hiện đại...

Kết nối, đồng bộ các chính sách, giải pháp

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã xác định năm nội dung chủ yếu bao gồm: tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu ngành kinh tế kỹ thuật và dịch vụ; tái cơ cấu kinh tế vùng.

Tuy nhiên, đến nay, việc đánh giá và bàn thảo nói chung chủ yếu tập trung vào ba nội dung đầu (ba nhiệm vụ trọng tâm). Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thực tế, ngay trong "ba nhiệm vụ trọng tâm", các nội dung và giải pháp cũng chưa được ban hành đầy đủ, chưa thể hiện sự gắn kết với nhau.

Còn hai nội dung còn lại của tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu ngành kinh tế kỹ thuật và dịch vụ và tái cơ cấu kinh tế vùng) thì chưa thấy có đề án nào được đưa ra bàn thảo. Các nội dung của tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền và kết nối với nhau, tác động qua lại lẫn nhau thành một hệ thống. Vì vậy, cần sớm có đề án và triển khai tái cơ cấu hai lĩnh vực còn lại đang bị "bỏ quên". Hai lĩnh vực này liên quan tới tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu đầu tư công cũng như định hướng tái phân bổ các nguồn lực theo tiêu chí hiệu quả. Sớm có định hướng đúng đắn, cụ thể và triển khai tái cơ cấu hai lĩnh vực này sẽ giảm bớt sự lãng phí và dàn trải kéo dài trong đầu tư công cũng như giúp DNNN, khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài có hướng đầu tư tốt hơn.

Sự không đồng bộ về cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn đến nay, các đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, DNNN đã được phê duyệt. Về cơ bản, những hợp phần này đã được coi là có một chương trình tái cơ cấu tổng thể, một lộ trình tổng thể.

Trong khi đó, tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa có một đề án tổng thể, mới chỉ có các văn bản pháp quy quan trọng nhằm thực hiện tái cơ cấu đầu tư công như Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương...

Không chỉ vậy, một số văn bản quan trọng liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công vẫn chậm được ban hành như Luật Đầu tư công; Luật Quản lý vốn đầu tư kinh doanh của Nhà nước tại các DN; Luật Quy hoạch; Nghị định về quản lý đầu tư trung hạn... Nhanh chóng ban hành các văn bản này là cơ sở pháp lý vững chắc cho quản lý đầu tư công cũng như thúc đẩy tiến độ tái cơ cấu trong lĩnh vực này.