Hoàn thiện thể chế kinh tế tạo bứt phá mới cho các thành phần kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Vì vậy, chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Một trong các yếu tố tạo nên động lực đó là đổi mới thể chế. Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Đức Kiên đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.


Hoàn thiện thể chế kinh tế tạo bứt phá mới cho các thành phần kinh tế - Ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Kiên
P
hóng viên: Thưa Ông, Ông có thể khái quát những thành tựu căn bản mà nước ta đã đạt được trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa, tập trung sang phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, nói về nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ đi vào hai phần: thứ nhất là thể chế, thứ hai là thực tế trong cuộc sống. Về thể chế thì trong vòng 30 năm đổi mới chúng ta đã 2 lần  sửa đổi hiến pháp, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã cho chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định rằng, nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế nhiều thành phần bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Chúng ta đã tiến hành sửa nhiều luật và ban hành nhiều luật mới để phù hợp với quá trình vận hành của một nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Ở đây phải lưu ý là chúng ta ban hành pháp luật để phù hợp với quá trình chuyển đổi và luật pháp đi trước vừa bảo đảm tính khả thi, vừa có tính định hướng, hướng tới kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Một thể hiện nữa trong thực tế là chúng ta đã xóa bỏ hoàn toàn bao cấp trong rất nhiều ngành và lĩnh vực. Đến nay, chỉ còn lại 1, 2 ngành, lĩnh vực như xăng, dầu và điện còn có sự điều hành về kinh tế của nhà nước, vì những ngành này ảnh hưởng quá nhiều đến người dân. Những lĩnh vực khác chúng ta đã xử lý hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Thưa Ông, một trong những nội dung trọng tâm của kinh tế thị trường là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên dư luận xã hội vẫn còn e ngại về sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Theo Ông, tại sao vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế cho đến nay?

Đến nay chúng ta chỉ còn hai ngành là phân phối điện và nhập khẩu xăng dầu là còn hình bóng kinh tế kế hoạch hóa, kinh tế nhà nước, các mặt hàng khác đều thực hiện theo quy luật của kinh tế thị trường. Chúng tôi phải nói lại một lần nữa là trong nhiều ngành và nhiều lĩnh vực chúng ta đã giảm dần ảnh hưởng cũng như quy mô của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Ngay trong những lĩnh vực mà trước kia chúng ta gọi là cấm kỵ như vận tải hàng không thì chúng ta đã mở cửa. Chúng ta đã có Indo airline, Air Mekong, Vietjetair… và rất nhiều các doanh nghiệp khác. Những lĩnh vực liên quan nhiều đến quốc phòng, an ninh chúng ta cũng đã mở cửa. Tôi thấy rằng, những ý kiến phê bình đối với doanh nghiệp nhà nước cách đây 5-7 năm thì hoàn toàn chính xác, đến nay đã có nhiều thay đổi, đúng ở một số ngành hàng nhưng cũng chưa đúng ở một số ngành hàng khác.

Vậy trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, những bất cập này sẽ được khắc phục như thế nào?

Thứ nhất là chúng ta sẽ ban hành những thể chế, luật, quy định để hướng dẫn nguồn lực của đất nước phân chia một cách hiệu quả hơn. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 chúng ta cũng nói việc tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là đã hướng tới phân bổ lại nguồn lực của đất nước cho các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế để họ sử dụng nguồn vốn của xã hội hiệu quả hơn. Nhưng với hình thức đầu tư công, chúng ta chưa làm được triệt để mà vẫn phát hành trái phiếu để nâng mức đầu tư công lên như hiện nay là một cách gián tiếp tác động đến tài chính tiền tệ và làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn.

Kinh tế tư nhân được coi là một trong các động lực chính của tăng trưởng. Theo Ông, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có tạo được sức bật mới cho khu vực này không?

Khối doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% GDP của cả nước thì dù chúng ta có công nhận bằng giấy hay không công nhận bằng giấy thì những doanh nghiệp này cũng là một thực thể tồn tại của nước ta, là kết quả của 30 năm đổi mới. Cho nên, nếu bộ máy quản lý nhà nước mà không chuyển đổi để phục vụ cho số đông như vậy thì nền kinh tế sẽ không có sức bật. Cho nên, vấn đề cần hướng tới trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, sản xuất kinh doanh là phải tách bạch nó ra khỏi nhiệm vụ của Chính phủ, như vậy mới tạo cho các công chức, bộ máy của chúng ta cái nhìn toàn diện hơn, nếu không sẽ có cái nhìn không toàn diện.

Một vấn đề cơ bản khác của kinh tế thị trường được bàn thảo rất nhiều trong thời gian qua, đó là cơ chế quản lý giá theo thị trường. Nhưng thực tế dường như đang có sự hiểu sai về giá thị trường, coi giá thị trường là ngang bằng giá bán lẻ thế giới hoặc phải tính đủ các chi phí thiếu kiểm soát của doanh nghiệp, như trong việc tính giá xăng dầu, giá điện, cước viễn thông... Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

Thứ nhất là nền kinh tế của chúng ta không xấu đến mức độ bất cứ việc gì cũng không kiểm soát được giá. Nhận xét như thế sẽ làm cho tất cả những mặt thành tựu của chúng ta làm trong 30 năm đổi mới vừa qua không có ý nghĩa nhiều đến ngày hôm nay. Phải nói rằng, chúng ta yêu cầu công khai minh bạch giá ở mức độ như thế nào? Có ai mua một cái ti vi hay một cái ô tô ở nước ngoài mà yêu cầu phải biết giá thành từng bộ phận để tính ra một cái ô tô hay một cái ti vi không? Các nước khác người ta có yêu cầu như thế không? Chúng ta yêu cầu như vậy bởi vì chúng ta thấy ngành điện còn là doanh nghiệp nhà nước, chứ cải cách tất cả những vấn đề khác, như giá điện thì mặt bằng giá sẽ nâng lên. Lúc ấy chính sách an sinh xã hội sẽ tác động đến 70% nông dân đang có thu nhập khó khăn thì chúng ta có thực hiện được chính sách an sinh xã hội không? Thế nên phải rạch ròi từng lĩnh vực.

Thưa Ông, lấy ví dụ mặt hàng xăng dầu, khi giá thế giới giảm thì trong nước không giảm ngay, nhưng khi giá thế giới tăng thì lập tức giá trong nước tăng theo, phải chăng cách điều hành này khiến cho người tiêu dùng cảm thấy bị thiệt thòi?

Về vấn đề này, chúng ta chỉ có một cách giải quyết duy nhất là bỏ quỹ bình ổn giá đi và thực hiện theo kinh tế thị trường là họ nhập khẩu theo giá nào vào thì họ bán bằng giá đấy. Còn giá thế giới lên theo độ trễ thế nào thì còn phải xem lại, và phải biết là giá trên thế giới mà chúng ta hay trích dẫn có phải là giá xăng không, hay là dầu thô; cái đã qua chế biến thì giá giao ở Singapore hay London, đã cộng cước vận tải chưa? Phụ thuộc vào giao tiền  trước hay giao tiền sau? Khi nhận định chúng ta phải lường trước được tất cả những vấn đề này. Nhưng cơ quan quản lý là Bộ Tài chính quyết định giá xăng dầu bán ra theo Nghị định 84 mà không giải thích thỏa đáng cho người dân thì rõ ràng quan hệ công chúng của các cơ quan quản lý nhà nước đang có vấn đề.

Trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, theo Ông, cách điều hành giá theo thị trường cần được giải quyết theo hướng nào?

Theo tôi thì chúng ta sẽ điều hành quản lý theo hướng tiếp cận dần đến những quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng chúng ta phải làm và lắng nghe phản ứng của dư luận xã hội, tác động đến đời sống của người có thu nhập thấp thế nào, điển hình là đối với nông dân hiện nay, chúng ta tính thế nào? Chúng ta có bỏ quỹ bình ổn xăng dầu được hay không và điều hành thế nào để hỗ trợ được cho những người có thu nhập thấp, người yếu thế? Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý cơ quan nhà nước phải có những biện pháp rõ ràng.

Xin cám ơn Ông!