IMF: Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững

PV. (Tổng hợp)

Ngày 05/7/2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa có công bố báo cáo tham vấn về tình hình kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, IMF nhận định, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng trưởng vững chắc, chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu công nghiệp tăng cao, các biện pháp cải cách được tăng cường trên mọi lĩnh vực, nhất là cải cách tài khóa, làm cơ sở cần thiết để chuyển sang mô hình phát triển bền vững trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng.

Báo cáo của IMF nêu rõ, Việt Nam là nền kinh tế năng động và đang trên đà phát triển, nhờ nền tảng kinh tế vững chắc. GDP năm 2016 tăng 6,2%, tài khoản vãng lai thặng dư trở lại và đạt khoảng 4,1% GDP, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể.

Năm 2017, mặc dù hoạt động dầu khí vẫn gặp khó khăn trong những tháng đầu năm, nhưng động lực tăng trưởng tiếp tục vững chắc nhờ công nghiệp chế tạo và đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tăng cao, nhu cầu trong nước bền vững, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Đầu năm 2017, lạm phát tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước do Chính phủ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và chi phí giáo dục.

Theo IMF, Chính phủ Việt Nam đang triển khai rộng rãi các chương trình cải cách và ý thức được những hạn chế về tài khóa, đây là yếu tố cần thiết để cải thiện mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro quốc tế ngày càng tăng.

Đồng thời, Chính phủ đã đưa ra kế hoạch củng cố tài khóa, bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2017. Đáng chú ý là, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, tỷ giá hối đoái giảm nhẹ sau khi giảm mạnh vào năm 2016. Chính phủ cũng từng bước thắt chặt các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, trong khi tín dụng tiếp tục tăng cao.

IMF đánh giá cao những tiến triển về cải cách tích cực trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong việc xử lý tình trạng mất cân đối về tài sản và nâng cao các tỷ lệ phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tốc độ và quy mô cải cách, bao gồm việc triển khai khung khổ pháp lý để xử lý những vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, tăng cường vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và thực hiện những biện pháp cải cách khác nhằm xử lý nợ xấu và tăng cường kỷ luật thị trường.

Chính phủ đã đưa ra kế hoạch giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế và giảm dần mức độ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích kinh tế tư nhân, đây là tiền đề cần thiết để duy trì xu hướng tăng trưởng bền vững. Đáng chú ý là, khung khổ cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được đề xuất và có nhiều tiến bộ.

Ngoài ra, IMF cũng đánh giá cao những nỗ lực cải cách tài khóa và các biện pháp của Chính phủ về đảm bảo và tăng cường phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, nhất trí với nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm dần mức độ thâm hụt tài khóa xuống 3½% GDP vào năm 2020 và duy trì tỷ lệ nợ công dưới ngưỡng an toàn 65% GDP.

Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp cải tiến nguồn thu ngân sách, như thống nhất các mức thuế giá trị gia tăng, tiến hành tăng các mức thuế đánh vào tài sản và nhà đất, thuế tiêu thụ nội địa và thuế bảo vệ môi trường.

Tại Báo cáo, IMF đã nhấn mạnh yêu cầu phải cắt giảm mạnh các biện pháp miễn trừ và ưu tiên đối với khu vực kinh tế nhà nước, tăng cường quản lý thuế. Nỗ lực cải cách theo hướng tăng dần chi phí dịch vụ công là biện pháp đáng khích lệ, nhưng cần đảm bảo tính công bằng, bảo vệ người nghèo và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cần đẩy mạnh cải cách dịch vụ dân sự theo hướng giảm lương và thu nhập đối với lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, góp phần tăng thêm nguồn tài chính cho các lĩnh vực ưu tiên như phát triển hạ tầng và chi tiêu xã hội.

IMF đã đưa ra dự báo, năm 2017, GDP sẽ tăng 6,3%, lạm phát cơ bản ổn định quanh tỷ lệ 5% do Chỉnh phủ tiếp tục tăng thuế và điều chỉnh tăng giá cả nhiều loại hình dịch vụ. Do nhập khẩu tăng cao, thặng dư cán cân vãng lai có thể giảm nhẹ so với năm 2016.

Việc thực hiện thành công các chương trình cải cách của Chính phủ có thể sẽ hỗ trợ tiềm năng tăng trưởng và nâng cao khả năng đối phó với những biến động từ bên ngoài.

Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như với những đối tác thương mại khác có thể sẽ có tác dụng hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.