Kinh nghiệm huy động vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ở một số quốc gia

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự thu hút mạnh mẽ đầu tư từ khu vực tư nhân. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, vốn ODA giảm mạnh, Việt Nam cần phải có những giải pháp nhằm đa dạng hóa hình thức huy động vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp.

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự thu hút mạnh mẽ đầu tư từ khu vực tư nhân. Nguồn: internet
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự thu hút mạnh mẽ đầu tư từ khu vực tư nhân. Nguồn: internet

 Từ kinh nghiệm huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, tác giả rút ra một số bài học cho Việt Nam.

Kinh nghiệm huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở một số quốc gia

Huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp là tổng thể các chính sách mà Nhà nước đưa ra nhằm làm tăng tính hấp dẫn khuyến khích các các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm huy động vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc cho thấy, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể như: Chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi về đất đai, chính sách ưu đãi về tín dụng, chính sách hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… nhằm tăng tính hấp dẫn của lĩnh vực nông nghiệp đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể:                 

Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia có diện tích đất nông nghiệp ít, độ phì nhiêu của đất thấp nhưng là quốc gia có nền nông nghiệp rất hiện đại. Thành quả này đạt được là do những cơ chế, chính sách tài chính của Nhật Bản đã khuyến khích huy động, phân bổ một cách hiệu quả các nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ đã sử dụng công cụ ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện các chiến lược chính sách nhằm khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp như:

- Áp dụng mức thuế suất thấp để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp: Tỷ lệ thuế trong GDP giai đoạn 1967 – 1969 là 24,3% thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển khác (Pháp 36,2%, Anh 34,1%, Italia 30,2%); đồng thời, không đánh thuế thu nhập có tính lũy tiến cao mà chỉ giữ mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp.

Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách bảo hộ cho nông nghiệp với mức độ cao nhất thế giới. Cụ thể như: Năm 1999, 65% doanh thu của nông dân Nhật Bản là do Chính phủ mang lại với hơn 80% hỗ trợ cho nông dân được thực hiện thông qua hình thức trợ giá thị trường và hạn chế nhập khẩu. Để phục vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, Nhật Bản đã tổ chức một mạng lưới hợp tác xã cung cấp vật tư, thiết bị nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến tận làng xã.

- Sử dụng công cụ chi NSNN nhằm tăng tính hấp dẫn đối với các yếu tố tác động đến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp: Chính phủ Nhật Bản đã tập trung toàn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, hệ thống tưới tiêu, điện, đến từng nhà dân. Giai đoạn 1973 – 1981, tổng chi NSNN cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Nhật Bản chiếm 23% tổng chi NSNN, cao hơn các quốc gia phát triển khoảng 6 – 9%.

Nhật Bản hết sức chú trọng đến đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhật Bản đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư công nghệ tiết kiệm đất như: Tăng cường sử dụng phân hóa học; hoàn thiện công tác quản lý và kỹ thuật tưới tiêu nước cho ruộng lúa; lai tạo và đưa vào sử dụng đại trà những giống kháng bệnh, sâu rầy và chịu rét; nhanh chóng đưa sản xuất nông nghiệp sang kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất... Những ứng dụng này là một thành công quan trọng về định hướng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp

Thái Lan

Thái Lan là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như: Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nông nghiệp lúa nước truyền thống. Từ một quốc gia có nền kinh tế thiếu nguồn vốn, yếu về kinh nghiệm tổ chức quản lý, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ… nhưng chỉ sau vài thập niên Thái Lan đã có những đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Với sự ưu tiên đặc biệt cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ Thái Lan thực hiện đối mới chính sách, áp dụng khoa học công nghệ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể:

- Mở các khóa học tại chỗ về kỹ thuật canh tác, chuyển giao công nghệ nhằm thu hút và nâng cao trình độ nguồn nhân lực nông nghiệp. Đầu tư thiết bị thí nghiệm và mời chuyên gia từ những nước đi đầu trong nghiên cứu nông nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học nghiên cứu những cây trồng siêu năng suất, cải thiện chất lượng, nâng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

- Chính phủ hỗ trợ sản phẩm đầu vào tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển nông nghiệp (miễn tiền dịch vụ nước cho sản xuất nông nghiệp, không phải đóng các loại thuế liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp). Đồng thời, có chính sách ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm nông nghiệp cho người nông dân.

- Chính phủ thực hiện hỗ trợ các chương trình tiếp thị, tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm sau thu hoạch và sơ chế, nhằm tạo điều kiện tốt nhất tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Chính phủ đồng bộ hóa chính sách nhằm thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm cùng với một hành lang pháp lý đảm bảo rủi ro cho người nông dân.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân được quyền sở hữu ruộng đất một cách tương đối, thông qua biện pháp chia đất công, bán rẻ trả dần, khoang đất hoang mới. Nông dân Thái Lan có quyền mua bán và luân chuyển ruộng đất theo nhu cầu cuộc sống và sản xuất. Do đó, đất sản xuất được hình thành giá cả rõ ràng, tạo điều kiện để người dân sử dụng ruộng đất hiệu quả và hướng đến đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững.

Trung Quốc

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, không những đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng và chế biến của thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước. Có được kết quả này là do Chính phủ Trung Quốc đã có cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Cụ thể, nếu năm 2006, tổng chi NSNN cho phát triển nông nghiệp là 216,14 tỷ Nhân dân tệ (NDT) (ngân sách Trung ương là 19,44 tỷ NDT, ngân sách địa phương là 196,7 tỷ NDT) thì đến năm 2017, ngân sách đã là 1.908,9 tỷ NDT (Trung ương là 70,87 tỷ NDT, địa phương là 1.838,03 tỷ NDT).

Ngoài hỗ trợ vốn NSNN cho nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào nghiên cứu khoa học, công nghệ để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị; bảo đảm an toàn vệ sinh của sản phẩm sau thu hoạch. Ở Trung Quốc, các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghiệp là các doanh nghiệp và tổ chức thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Số lượng nghiên cứu viên hiện nay duy trì ở mức ổn định với 720.000 người. Việc đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học góp phần hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp thu hút hơn nữa các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

- Giảm thuế để thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Hiện nay, ở Trung Quốc, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 1994 đến nay, Chính phủ Trung Quốc thực hiện cải cách chính sách thuế nhằm xây dựng một hệ thống thuế đơn giản phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đối với một số sắc thuế cơ bản như: Thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc thực hiện bãi bỏ thuế nông nghiệp đã tồn tại cách đây 2.600 năm. Chính sách này đã giảm đáng kể gánh nặng thuế giúp nông dân tăng thu nhập, có thêm vốn tái đầu tư sản xuất và làm tăng sức cạnh tranh cho nông sản; giảm khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị.

- Chính sách ưu đãi về đất đai: Nông dân được trao đổi, sang nhượng không hạn chế quyền sử dụng đất nông nghiệp miễn là không chuyển đổi mục đích sử dụng. Nông dân cũng sẽ được thế chấp, cầm cố quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn vào công ty nông nghiệp. Những quy định đó đã tạo điều kiện cho việc hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn canh tác công nghệ cao.

Kinh nghiệm đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự thu hút đầu tư nhiều từ khu vực tư nhân. Trong bối cảnh nguồn vốn NSNN ngày càng hạn chế, ODA giảm mạnh đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp nhằm đa dạng hóa hình thức huy động vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Từ kinh nghiệm huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới, tác giả rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên tạo quỹ đất cho các dự án, tạo điều kiện thuận lợi, cho phép các nhà đầu tư tích tụ tập trung, mở rộng diện tích đất để thực hiện mở rộng các dự án nông nghiệp; nên nới rộng hạn điền và thời gian giao quyền sử dụng đất, chẳng hạn từ 50 - 100 năm, để người dân yên tâm đầu tư lâu dài. Trong trường hợp người dân chuyển sang các ngành nghề khác thì Nhà nước mua và cho thuê nhằm bảo đảm diện tích đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ ruộng đất ở nông thôn. Thực hiện nhất quán các chính sách giao đất, giao rừng, mặt nước cho các nhà đầu tư theo hướng vừa quản lý vừa khuyến khích, hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện công tác giải tỏa, đền bù, sớm đưa đất vào góp vốn để tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách giúp người nông dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh mô hình liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản. Khó khăn chung trong đầu tư trong nông nghiệp là tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản, các nhà đầu tư thường xuyên gặp phải tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá mất mùa” việc đảm bảo ổn định thị trường đầu ra sẽ khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng hạ tầng cơ sở tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị cho nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vừa đảm bảo chất lượng hàng nông sản

Thứ tư, thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và đảm bảo mức bồi thường hợp lý để bù đắp được tổn thất và không ảnh hưởng lớn đến yếu tố sản xuất của nhà đầu tư sau khi bị thiệt hại.   

Tài liệu tham khảo:

  1. Đức Phường, Nông nghiệp Thái Lan – Lời giải từ công nghệ và đổi mới chính sách;
  2. Trần Hữu Cường, “Môi trường đầu tư vào nông nghiệp Hà Nội”, NXB Lao động – xã hội, Hà Nội 2010;
  3. Lê Xuân Cử, “Một số chính sách của Trung Quốc đối với nông dân và tham chiếu kinh nghiệm cho Việt Nam”;
  4. AJRC. Improving Japanese Agricultural Trade Policies: Issues, options and strategies. Pacific Economic Papers 300 (fothcoming), Canberra: Australia-Japan Research Centre, 2000;
  5. http://www.ipcs.vn/vn/hut-von-dau-tu-vao-nong-nghiep-kinh-nghiem-tu-nhat-ban-W1836.htm.