Lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng

Lê Thanh

Lâm Đồng hiện có 34 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư với nhiều lợi thế thiên nhiên ban tặng và sức sáng tạo của con người cùng văn hóa bản địa đặc sắc Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Lê Thanh
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Lê Thanh

Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.765 km2, là tỉnh có ngành du lịch – dịch vụ phát triển với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú.

TP. Đà Lạt - thủ phủ Lâm Đồng nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, là thành phố được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi có khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 180C đến 250C.

Với nhiều lợi thế thiên nhiên ban tặng và sức sáng tạo của con người cùng văn hóa bản địa đặc sắc Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Phương tiện giao thông đến Đà Lạt – Lâm Đồng thuận tiện. Hàng ngày du khách có thể đến với Đà Lạt bằng các chuyến bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific nối Đà Lạt với thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ và Huế.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 2.715.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 134.000 lượt khách. Lâm Đồng hiện có 1.007 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 16.355 phòng, có 335 khách sạn từ 1-5 sao với 9.117 phòng bao gồm 27 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.644 phòng, 42 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có 16 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế.

Lâm Đồng hiện có 34 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí, phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí tạo nên sự đa dạng, phong phú đối với các tour, tuyến du lịch.

Một số điểm du lịch tiêu biểu ở Lâm Đồng có thể kể đến như: Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở, Hồ Đankia – Suối Vàng, Thác Cam Ly, Thác Đatanla, Thác Prenn, Thác Voi, Thác Pongour, Thác Đamb’ri, Thung lũng Tình yêu, Núi Langbiang, Làng Du lịch Rừng Mađagui, KDL Sinh thái Núi Voi, Vườn hoa thành phố, Sân Golf Đà Lạt, KDL Trúc Lâm Viên, Khu du lịch làng Cù Lần, Sao Đà Lạt, Dinh I, III ....

Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi có một trong 8 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam. Vườn Quốc gia BiDoup – Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các vườn quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một trong 221 khu xem chim của thế giới, được các nhà khoa học đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. LangBiang đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.

Nhiều sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái... là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng miền núi được xem là sản phẩm du lịch đặc thù và có sức hấp dẫn đặc biệt, các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với thiên nhiên: Tham quan hệ thống các hồ, thác, sông, suối... tham gia các hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm: Leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, chơi golf; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái rừng nguyên sinh... Với tính đa dạng sinh học, Đà Lạt trở thành “một thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”.

Là một vùng đất với trên 42 cộng đồng dân tộc sinh sống như: Kinh, K’ho, Mạ, Lạch, Nùng, Tày, Churu, Mnông... Lâm Đồng có sự đa dạng màu sắc của văn hóa. Di sản văn hóa của các dân tộc bản địa như K’Ho, Mạ, Churu... đang được bảo tồn và là sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Du khách được trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân trồng rau, hoa, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, canh tác và tham gia cùng gia đình người dân các hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra khách du lịch còn được khám phá đời sống văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa.