Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực

Theo Báo Đầu tư

Trao đổi với phóng viên bên thềm năm mới 2013, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, với rất nhiều giải pháp cụ thể, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm thực hiện từ trên xuống dưới, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực.

Thưa Thứ trưởng, nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm khó khăn, nhưng nhìn lại, cũng không phải là không có những điểm sáng. Đâu là nguyên nhân của những thành quả này?

Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực - Ảnh 1
Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh
Năm 2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,03%. Đây đúng là mức tăng trưởng còn thấp so với kế hoạch đề ra và thấp hơn nhiều so với các năm trước, nhưng tôi cho rằng, đó là con số hợp lý trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, chúng ta phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Và nhất quán điều hành nền kinh tế theo hướng này, với quyết tâm và nỗ lực lớn, năm 2012, lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81%, thị trường trong nước cơ bản ổn định. Phải nói rằng, đây là kết quả rất đáng khích lệ, nhất là khi nhìn vào mức lạm phát 18,58% của năm 2011.

Còn nhớ, năm 2011, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) diễn biến phức tạp, rất nhiều quan điểm bày tỏ lo ngại rằng, lạm phát năm 2012 sẽ ở mức cao. Nhưng Chính phủ, ngay từ cuối tháng 12/2011, đã quyết liệt điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm triển khai một loạt giải pháp, như kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công… để thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Tất nhiên, việc lạm phát ở mức 6,81% còn do yếu tố sức mua thấp, song có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và sau này là Nghị quyết số 13/NQ-CP chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế đạt được những thành quả quan trọng trong năm 2012.

Đó cụ thể là những gì, thưa Thứ trưởng?

Điều quan trọng nhất mà chúng ta đạt được trong năm 2012 chính là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Còn về những chỉ tiêu cụ thể, có thể tự hào với mức tăng trưởng xuất khẩu 18,3%, hay cán cân thanh toán tổng thể dự báo thặng dư 8 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 3,1 tỷ USD của năm 2010 và cao hơn nhiều so với mức thặng dư 2,65 tỷ USD của năm 2011. Dự trữ ngoại hối cũng tăng nhanh, từ 10 tỷ USD lên 23 - 24 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dù còn nhiều khó khăn, nhưng cũng đã từng bước hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, một trong những mục tiêu quan trọng khác của nền kinh tế, là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cũng đã bắt đầu được thực hiện. Điều rõ thấy nhất là việc một số ngân hàng được sáp nhập, tái cơ cấu. Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành...

Đặc biệt, việc tái cơ cấu đầu tư công, lĩnh vực mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thực hiện, đã đạt được những kết quả rất tích cực và được đánh giá cao. Năm 2012, chúng tôi đã quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường quản lý đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, cắt giảm đầu tư công, loại bỏ những rào cản nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, qua đó kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỷ trọng đầu tư công trong vốn đầu tư toàn xã hội. Chỉ thị 1792/CT-TTg chính là một bước tiến vô cùng quan trọng để lập lại trật tự, kỷ cương đối với đầu tư công.

Thêm vào đó, với đầu tư công, đã chuyển từ phân giao vốn, kế hoạch theo từng năm sang trung và dài hạn, khoảng 3 - 5 năm. Điều này tạo sự chủ động cho địa phương trong việc chọn dự án thiết thực để triển khai, dựa trên tổng nguồn vốn được phân bổ trong từng giai đoạn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún như trước kia. Địa phương chủ động quyết định dự án, nhưng Trung ương chịu trách nhiệm thẩm định, giám sát chặt chẽ việc đầu tư này.

Thực tế, từ khi thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg, đã có một bước tiến lớn đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư công. Năm 2013, kết quả sẽ càng rõ nét hơn nữa. Vừa rồi, qua kiểm tra, chúng tôi thấy, có tới 96,5% số vốn ngân sách trung ương phân bổ cho bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg. Nhờ phân bổ vốn tập trung, theo hướng ưu tiên cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm, trả nợ vốn ứng trước và vốn đối ứng cho các dự án ODA, còn lại mới bố trí vốn cho những dự án mới, cấp thiết, năm 2013, tổng số công trình hoàn thành sẽ tăng lên, hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn. Cứ đà này, đến năm 2015, tình hình sẽ được cải thiện đáng kể.

Nhưng thưa Thứ trưởng, vẫn có ý kiến cho rằng, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn khá chậm…?

Điều này là đúng, Chính phủ cũng đã nhận thấy. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, với 3 mũi nhọn là đầu tư công, hệ thống tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, dù kinh tế năm 2012 đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thực tế, một số chỉ tiêu quan trọng trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 không đạt được. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo phục hồi chậm; tồn kho vẫn ở mức khá cao. Hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, ngừng hoạt động, giải thể còn cao, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được xử lý và có nguy cơ tăng. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút, trầm lắng... Đây cũng là những vấn đề cần được tập trung xử lý trong năm 2013.

Trước thềm năm mới, Thứ trưởng dự cảm thế nào về khả năng hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013?

Vào những ngày cuối cùng của năm 2012, Chính phủ đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn về các biện pháp triển khai kế hoạch năm 2013. Sẽ có hai nghị quyết được Chính phủ ban hành, một về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và một về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phá băng bất động sản. Các vấn đề về giải quyết nợ xấu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã được Chính phủ tập trung thảo luận. Rất nhiều biện pháp cụ thể sẽ sớm được ban hành.

Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa khẳng định rằng, năm 2013, sẽ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, còn lạm phát sẽ thấp hơn năm 2012. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, điều hành ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm để thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Tôi cho rằng, với rất nhiều giải pháp cụ thể, cộng thêm sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm thực hiện từ trên xuống dưới, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực và tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng.