Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm

Trang Trần

(Taichinh) - Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2015 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực hướng tới thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong tình hình mới thì một trong những giải pháp không thể thiếu được Bộ Tài chính xác định là hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này.

Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2015 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Nguồn: internet
Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2015 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Nguồn: internet

Những tín hiệu tích cực

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam; 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2011-2014, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng bình quân đạt mức 12,7%/năm. Tổng doanh thu của thị trường năm 2014 là 67.169 tỷ đồng, chiếm 2,44% GDP. Trên nền tảng phát triển những năm qua, 6 tháng đầu năm 2015 cũng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực của thị trường bảo hiểm.

Theo đó, quy mô thị trường ngày càng tăng với tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 29.831 tỷ đồng, tăng 16,7 % so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 14.120 tỷ đồng (tăng 5 %) và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 15.711 tỷ đồng (tăng 29,75%).

Tổng số tiền thực bồi thường và trả quyền lợi bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2015 ước là 11.434 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước là 5.083 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước là 6.351 tỷ đồng.

Tổng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm trở lại nền kinh tế tăng đáng kể trong nửa đẩu năm 2015 với ước đạt tỷ 141.532 đồng, tăng 16,5 % so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 30.100 tỷ đồng (tăng 16%); các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 111.432 tỷ đồng (tăng 16,63 %).

Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh

Thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2020, một trong các giải pháp được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện là “Giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm”.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này. Tổ chức các cuộc Hội thảo, trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp bảo hiểm về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp theo từng khối: nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, nhằm kịp thời thảo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khối doanh nghiệp, để các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ bảo hiểm mới như triển khai chính sách bảo hiểm giúp ngư dân vươn khơi bám biển; bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; bảo hiểm nông nghiệp; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách bảo hiểm khác như: bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử, chính sách thuế...

Đồng thời, thực hiện nghiêm quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh (củng cố, sắp xếp lại bộ máy, mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...). Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm (phát triển sản phẩm, kênh phân phối...), tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp (thoái vốn, tăng cường quản lý, giám sát, điều hành...).

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được nghiêm túc thực hiện theo hướng kết hợp giữa giám sát từ xa và tăng cường đối thoại, trao đổi, hướng dẫn và hỗ trợ với doanh nghiệp bảo hiểm dưới nhiều hình thức. Tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra dưới cả hai hình thức toàn diện và theo chuyên đề. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao nhận thức của các cơ quan công chúng về ý nghĩa và sự cần thiết của bảo hiểm trong đời sống kinh tế xã hội cũng được Bộ Tài chính thực hiện kịp thời, đa dạng dưới nhiều hình thức và cho nhiều đối tượng khác nhau (thông tin cho Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, cho các doanh nghiệp bảo hiểm và cho người dân).