Tình hình triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và những khó khăn vướng mắc

Trần Văn Hiền - Cục Tài chính doanh nghiệp

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ III Ban chấp hành Trung ương khoá 11; Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là QĐ 929/QĐ-TTg); Bộ Tài chính đã có công văn số 10800/BTC-TCDN ngày 10/8/2012 hướng dẫn triển khai thực hiện một số công việc theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 3/10/2012, Bộ Tài chính có công văn số 13345/BTC-TCDN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng, phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo báo cáo của các Bộ ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, đến nay đã có hơn 70 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước xây dựng đề án trình Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có hơn 40 đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhìn chung trong quá trình triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã theo các nội dung quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg. Tuy nhiên, đối với phần đánh giá thực trạng, một số các đề án chưa đánh giá hết  các tồn tại trong quản lý điều hành, quản lý tài chính cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các Tập đoàn, Tổng công ty như: Cơ cấu tổ chức bộ của một số Tập đoàn, Tổng công ty có nhiều đơn vị thành viên, nhiều phòng ban chức năng, hiệu quả hoạt động chưa cao; Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp năm sau thấp hơn năm trước; Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp trong một số Tập đoàn, Tổng công ty còn vượt mức cho phép theo quy định, dẫn đến khả năng mất an toàn về tài chính là rất cao; Việc đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, bất động sản không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty.

Đối với phần đổi mới tái cơ cấu Tập đoàn, Tổng công ty: Đề án tái cơ cấu của các Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng đều gắn với mục tiêu chiến lược phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên, trong đề án của một số Tập đoàn, Tổng công ty còn nhiều hạn chế trong việc sắp xếp thu gọn đầu mối doanh nghiệp trực thuộc, chưa nêu được các giải pháp đổi mới thiết bị công nghệ để tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, tạo điều kiện tăng năng suất lao động,sản phẩm sản xuất ra có chất lượng phù hợp với thị hiếu của thị trường, thân thiện với môi trường, đổi mới quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu lại tình hình tài chính, vay nợ, đào tạo đổi mới lao động.

Những hạn chế và khó khăn và các giải pháp trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp

Theo Quyết định 929/QĐ-TTg thì đa phần các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện cổ phần hoá, nên khi thực hiện cổ phần hoá theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã gặp một số vướng mắc về mặt cơ chế dẫn đến việc chuyển đổi, cổ phần hoá bị kéo dài, không đảm bảo thời gian quy định, cụ thể như:

- Việc tổ chức Kiểm toán Nhà nước xác định lại giá trị doanh nghiệp: Qua thực tế thực hiện thì có một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đề nghị nâng mức quy định về quy mô vốn nhà nước đối với doanh nghiệp phải được kiểm toán nhà nước kiểm toán lại việc xác định giá trị doanh nghiệp từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vì thực tế số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng là khá nhiều, trường hợp các doanh nghiệp này cùng thực hiện cổ phần hóa thì việc kiểm toán sẽ không đảm bảo theo đúng thời hạn quy định, dẫn tới kéo dài thời gian.

- Xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp: Về cơ bản, vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 Bộ Tài chính đã khắc phục được những vướng mắc của Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ trước đây.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương có ý kiến về quy định thời hạn 30 ngày làm việc là ngắn, khó thực hiện khi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của địa phương chưa được phê duyệt; có ý kiến đề xuất xem xét, có nội dung quy định đối với việc đánh giá lại tài sản cố định là Hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp doanh nghiệp đã cho thuê, đã thu tiền thuê ngay một lần cho toàn bộ thời gian của dự án khi cổ phần hoá. Mặt khác, có ý kiến đề xuất xem xét đưa ra quy định chỉ áp dụng hình thức thuê đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, bất động sản vì quyền của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Đất đai là có thể quyết định giao hoặc cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân.

- Quy định đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp: Theo phản ánh của một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì việc đối chiếu toàn bộ công nợ theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP là khó khăn, các doanh nghiệp hiện nay chỉ đối chiếu được 60 - 70%, do vậy quy định đối chiếu toàn bộ công nợ sẽ làm chậm tiến độ cổ phần hóa của doanh nghiệp.

- Việc quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá: Theo phản ánh của một số Bộ, ngành và doanh nghiệp thì việc tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá cũng là một nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp. Phần lớn các hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp có giá trị không lớn (dưới 100 triệu đồng) nhưng phải tổ chức đấu thầu theo đúng quy định cũng làm hạn chế quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị bỏ quy định tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá.

- Một số Tập đoàn, Tổng công ty trong diện phải cổ phần hoá có các đơn vị sự nghiệp, khi xây dựng phương án cổ phần hoá còn chưa xác định được, có nên đánh giá lại giá trị của các đơn vị này không, có đưa giá trị doanh nghiệp của các đơn vị sự nghiệp này vào giá trị của tập đoàn tổng công ty khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá vì các đơn vị sự nghiệp không sinh lời trong quá trình hoạt động nên không có nguồn để trả cổ tức, còn nếu loại ra thì các đơn vị sự nghiệp này do ai quản lý, ai là người quyết định tổ chức, nhân sự, cơ chế hỗ trợ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp này khi công ty mẹ cổ phần hoá...

- Các Tập đoàn, Tổng công ty có số dư vay ngoại tệ tại thời điểm định giá và thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là rất lớn, khi còn là công ty nhà nước việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ để lấy nguồn trả nợ cho các năm sau. nếu hạch toán toàn bộ chênh lệch tỷ giá làm cho doanh nghiệp lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau; còn đối với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần nếu hạch toán chênh lệch tỷ giá mà làm cho doanh nghiệp lỗ thì phải trừ vào vốn Nhà nước, điều này làm cho Nhà nước mất vốn ngược lại doanh nghiệp sau cổ phần hoá nếu có lãi thì được phân phối đồng nghĩa với việc lấy vốn của Nhà nước được trừ khi cổ phần hoá để phân phối.

- Khi thực hiện Đề án tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty thì có việc sáp nhập, chia tách các doanh nghiệp vì vậy phải chuyển đổi chủ nợ đối với các khoản vay như chuyển chủ nợ của công ty con về công ty mẹ trường hợp công ty con hạch toán độc lập chuyển về trực thuộc công ty mẹ và ngược lại chuyển nợ từ công ty mẹ sang công ty con đối với trường hợp chia tách, việc này là rất khó khăn cho doanh nghiệp vì các chủ nợ không muốn và không đồng ý, nhất là các chủ nợ nước ngoài và càng khó khăn hơn đối với việc chuyển chủ nợ, có tình hình tài chính tốt đảm bảo khả năng thanh toán nợ, sang chủ nợ có tình hình tài chính khó khăn, việc này cũng gây không ít khó khăn khi doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ.

- Việc đổi mới tài sản, công nghệ ở doanh nghiệp là một phần không thể thiếu khi tái cơ cấu doanh nghiệp, nhưng trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho lớn, khó cân đối đủ nguồn để trả nợ cũ, nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng thì nhiều, cân đối ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy việc thu xếp vốn để đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đổi mới công nghệ là điều hết sức khó khăn đối với doanh nghiệp, đây cũng là 1 trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp mong muốn nhà nước có giải pháp để tháo gỡ.

- Theo Quyết định 929/QĐ-TTg các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thì Nhà nước giữ trên 75% vốn điều lệ, điều này có nghĩa là các đơn vị khai thác khoáng sản đã cổ phần hoá trước đây mà nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ thì nay doanh nghiệp phải bỏ tiền ra đầu tư cho đạt tỷ lệ 75%, việc này là tất khó khăn cho doanh nghệp vì nếu doanh nghiệp đầu tư thêm vào công ty cổ phần cũng đồng nghĩa với việc đầu tư chứng khoán nhưng lĩnh vực này lại phải thoái vốn chậm nhất là đến năm 2015.  

- Việc thoái vốn đầu tư đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh rất khó khăn và khó bảo toàn vốn nếu thực hiện thoái vốn trong tình hình suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đang suy giảm.

Các giải pháp để đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp tạo bước đột phá, biến đổi về chất, mang lại hiệu quả cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước cần có những giải pháp sau đây:

+ Sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh việc cổ phần hoá với nội dung cần bổ sung sửa đổi là:

- Đối tượng áp dụng phải kiểm toán: Xem xét điều chỉnh chỉ áp dụng 03 nhóm đối tượng gồm: Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác); các công ty mẹ thuộc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có quy mô vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên; và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo tiến độ và thời gian thực hiện Kiểm toán Nhà nước theo quy định, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước sớm công bố công khai danh sách các doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa theo từng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 trên cơ sở phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Kiểm toán Nhà nước chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

- Xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp: Để khắc phục triệt để những vướng mắc khi xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp thì cơ chế quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá nên điều chỉnh theo hướng quy định về nguyên tắc, tất cả diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hoá đang quản lý và sử dụng phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền, trừ những trường hợp đặc biệt thì có cơ chế xử lý cụ thể. Quy định này nhằm: khắc phục bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất tại các doanh nghiệp trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước triển khai thực hiện các quy hoạch, sử dụng quỹ đất có hiệu quả, tránh thất thoát; khắc phục bất cập trong quá trình xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá. Tuy nhiên, sửa đổi nội dung này phải phù hợp với quy định của Luật sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời phải có cơ chế để xử lý tiền giao đất mà doanh nghiệp đã nộp để có quyền sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp theo các chế độ trước đây.

- Việc đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp: đối chiếu công nợ là việc làm thường xuyên của doanh nghiệp, tuy nhiên theo quy định thì tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp các doanh nghiệp phải đối chiếu xong toàn bộ các khoản nợ phải thu, nợ phải trả là rất khó cho doanh nghiệp vì khối lượng công việc này là rất lớn, có doanh nghiệp có đến hàng nghìn món nợ, nên có thể quy định cho giãn thời gian yêu cầu doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển sang công ty cổ phần ( thời điểm lập báo cáo quyết toán để chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần) phải đối chiếu xong công nợ. Đến thời điểm này mà doanh nghiệp chưa đối chiếu xác định xong công nợ thì đối với các khoản nợ phải trả nếu chưa đối chiếu và  xác định không có đối tượng trả thì ghi tăng vốn Nhà nước tương ứng; đối với nợ phải thu chưa có đối chiếu, thì xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến khoản nợ, phần còn lại (sau khi bù trừ khoản bồi thường của các cá nhân, tập thể) cho phép tính vào chi phí làm cơ sở xác định lại giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm bàn giao, đồng thời giao trách nhiệm cho doanh nghiệp cổ phần tiếp tục theo dõi khoản công nợ phải thu đã xử lý này, khi thu hồi được sẽ phải nộp trả cho Nhà nước.

- Việc quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá: để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, đề nghị sửa đổi việc quy định tổ chức đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu cụ thể như sau:

Đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 3 tỷ đồng và không có từ 02 tổ chức tư vấn định giá đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá trở lên thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định chỉ định thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá. Trường hợp gói thầu có giá trị không quá 3 tỷ đồng nhưng xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đối với các gói thầu có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức đấu thầu theo quy định. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trên cơ sở kết quả đấu thầu.

- Các Tập đoàn, Tổng công ty có các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị này được nhà nước, doanh nghiệp đầu tư một lượng vốn lớn để mua sắm máy móc thiết bị, đào tạo đội ngũ y, bác sỹ, giáo viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, làm công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, khám chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ công nhân viên, lực lượng này không thể thiếu trong các tập đoàn, tổng công ty, tuy nhiên trong quá trình hoạt động thì các đơn vị này không những không sinh lời mà các Tập đoàn, Tổng công ty lại phải bù thêm kinh phí cho nó hoạt động. Khi cổ phần hoá doanh nghiệp với sức ép của chỉ tiêu cổ tức, sắp xếp lại lao động, các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ muốn để lại 1 số các đơn vị sự nghiệp thật sự cần thiết cho mình sau này. Để giải quyết vấn đề này nhà nước cần có cơ chế cho phép các Tập đoàn, Tổng công ty được lựa chọn các đơn vị sự nghiệp cần cho Tập đoàn, Tổng công ty cổ phần sau này, để cổ phần hoá. Các đơn vị sự nghiệp còn lại được bàn giao về cho Bộ quản lý ngành để sắp xếp lại theo quy định hiện hành như chuyển các viện nghiên cứu thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các viện, trường thành các đơn vị sự nghệp có thu, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí.

- Đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá thì chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ tại thời điểm chuyển đổi không được trừ vào phần vốn nhà nước hay hạch toán vào kết quả kinh doanh, mà được chuyển sang công ty cổ phần để xử lý dần vào chi phí khi có phát sinh các khoản nợ phải trả.

+ Tạo cơ chế hợp lý để doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước, báo cáo chính phủ cho phép sử dụng Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để hỗ trợ cho các dự án đầu tư mới, thay thế, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho các ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trong nước, có chương trình hành động thiết thực để “người Việt thích dùng hàng Việt”, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ được sản phẩm, thúc đẩy sản xuất.

+ Có cơ chế tạo điều kiện cho các Tập đoàn, Tổng công ty được chuyển chủ nợ khi thực hiện sáp nhập, chia tách doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; các Tập đoàn, Tổng công ty được đầu tư tăng tỷ lệ vốn góp vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính, để đạt tỷ lệ vốn nắm giữ ở công ty cổ phần theo quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg

Tóm lại, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, bản thân các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải chủ động, triển khai thực hịên Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tận dụng mọi điều kiện, nguồn lực, để đầu tư nâng cấp, mở rộng, đổi mới máy móc, thiết bị khoa học, công nghệ; Sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; đào tạo, đào tạo lại, thay thế, đổi mới nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu chú ý đến đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân có tay nghề cao, có thể sử dụng, vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị, khoa học công nghệ tiên tiến; Xây dựng, ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, thực hiện chế độ khoán, quản chi phí, tiêu thụ sản phẩm  trong doanh nghiệp, quan tâm đến người lao động, để người lao động yên tâm làm việc lâu dài, có chế độ lương thưởng hợp lý để kích thích người lao động có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí để tăng năng suất lao động; Đối với Nhà nước thì cần hoàn chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp với trình độ quản lý, thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thường xuyên đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp để có những điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với từng thời kỳ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của mình theo kết luận của Hội nghị trung ương lần thứ 6 khoá 11 và mục tiêu Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.