Nửa đầu tháng 6/2016: Giá cả có xu hướng ổn định và giảm nhẹ

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Nửa đầu tháng 6/2016, giá một số mặt hàng thiết yếu tại thị trường trong nước chủ yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm. Trong đó, thực phẩm tươi sống, đường, xi măng ổn định còn phân bón, thép và LPG lại có xu hướng giảm giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong 15 ngày đầu tháng 6/2016 so với cùng kỳ tháng 5/2016, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tăng/giảm như sau: giá chào bán gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng trong khi đó của Việt Nam giảm, giá LPG và giá phân bón Ure giảm; giá xăng dầu, giá đường và giá thép tăng.

Tại Thái Lan, loại gạo 5% tấm giá khoảng 416 USD/tấn, tăng 16-18 USD/tấn; loại 25% tấm giá ở mức khoảng 395 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn. Tại Việt Nam, loại 5% tấm dao động ở mức 370-380 USD/tấn, tăng 2,5 USD/tấn, loại 25% tấm dao động ở mức 355-368 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn.

Giá phân bón Ure (giá FOB) tại một số thị trường chính như Yuzhny, Baltic, Trung Đông, Trung Quốc giảm từ 2-15 USD/tấn. Giá đường thô tại New York giao tháng 7/2016 khoảng 17,41-19,74 Uscent/Lb, tăng khoảng 2,06 -2,67 Uscent/Lb; tại Luân Đôn, giá đường trắng giao tháng 8/2016 khoảng 481,6-528,7 USD/tấn, tăng khoảng 41,4 – 47,5 USD/tấn.

Giá chào phôi thép dao động ở mức khoảng 420-445 USD/tấn CFR Đông Nam Á, tăng khoảng 10-15 USD/tấn so với tháng trước. Giá LPG do Công ty Aramco của Ả Rập công bố bình quân tháng 6/2016 là 347,5 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn.

Giá xăng dầu bình quân 15 ngày đầu tháng 6/2016 tăng từ 6,74% đến 11,88% so với cùng kỳ tháng 5/2016 (tùy chủng loại).

Thị trường trong nước: Trong nửa đầu tháng 6/2016, giá một số mặt hàng thiết yếu tại thị trường trong nước chủ yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm.

Mặt hàng có xu hướng ổn định như: thực phẩm tươi sống (riêng một số mặt hàng thủy, hải sản giá giảm nhẹ), đường, xi măng, thóc gạo tại miền Bắc.

Các mặt hàng có xu hướng giảm giá như: lúa gạo tại miền Nam, phân bón, thép và LPG.

Trong đó, tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.500-7.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.500-14.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu hiện khoảng 7.600 – 7.700 đồng/kg, giảm 150-325 đồng/kg, gạo 25% tấm khoảng 7.300 – 7.400 đ/kg, giảm 200-375 đồng/kg.

Giá các loại thực phẩm tươi sống tương đối ổn định, riêng giá một số mặt hàng thủy, hải sản giảm nhẹ: Thịt lợn hơi ổn định: miền Bắc, giá phổ biến khoảng 46.000-51.000 đồng/kg; miền Nam, giá phổ biến khoảng 43.000 - 48.000 đồng/kg. Thịt bò thăn ổn định: Giá phổ biến khoảng 260.000 - 270.000 đồng/kg.

Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Giá phổ biến ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá hầu hết các loại rau, củ, quả ổn định so với cùng kỳ tháng trước. Bắp cải phổ biến 13.000 - 15.000 đồng/kg; khoai tây phổ biến 17.000 - 18.000 đồng/kg; cà chua phổ biến 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Giá một số mặt hàng thủy, hải sản giảm nhẹ: Cá chép phổ biến 65.000 -80.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; tôm sú phổ biến 185.000 - 187.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; cá quả phổ biến 117.000 - 125.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg.

Giá phân bón tại miền Bắc phổ biến khoảng 7.500-7.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; tại miền Nam phổ biến khoảng 7.500-7.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá bán lẻ đường trên thị trường vẫn ổn định ở mức khoảng 17.000 - 19.000 đồng/kg.

Giá xi măng tại các nhà máy cơ bản ổn định. Giá LPG giảm khoảng 1.500-2.000 đồng/bình 12kg. Giá xăng dầu trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng phù hợp với quy định tại Công văn số 4951/BCT-TTTN ngày 04/6/2016 của Bộ Công Thương.

Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (đầu tháng) dao động lần lượt ở mức 3,345-3,343 triệu đồng/chỉ, đến giữa tháng, giá vàng tăng nhẹ và dao động phổ biến ở mức 3,415-3,417 triệu đồng/chỉ, với mức tăng nhẹ lần lượt là 70.000-74.000 đồng/chỉ.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá Đôla Mỹ đầu tháng được niêm yết ở mức mua vào/ bán ra là: 22.410-22.480 đồng/USD, đến giữa tháng tỷ giá giảm và được niêm yết ở mức 22.275-22.345 đồng/USD, với cùng mức giảm ở hai chiều mua vào/bán ra là 135 đồng/USD.