Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi:

Phương án kéo dài tuổi nghỉ hưu chưa được đồng thuận

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Chiều ngày 16/6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, trong đó đa số các đại biểu tán thành mục tiêu sửa đổi luật theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhằm thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo cân đối quỹ. Tuy nhiên, nội dung kéo dài tuổi nghị hưu đã không nhận được sự động thuận từ nhiều ý kiến.

Quỹ hưu trí và tử tuất đang có xu hướng mất cân đối. Nguồn: internet
Quỹ hưu trí và tử tuất đang có xu hướng mất cân đối. Nguồn: internet
Theo quy định tại khoản 1, Điều 187 Bộ Luật lao động năm 2012 thì tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nam là 60, nữ 55 tuổi, trong khi dự thảo Luật BHXH lại đưa ra mốc thời gian từ năm 2016, để được hưởng lương hưu với đối tượng là cán bộ công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đến khi nữ đủ 60 và nam đủ 62 tuổi; đồng thời từ năm 2020 các đối tượng lao động khác cũng sẽ thực hiện quy định này. Các đại biểu cho rằng, quy định này đang có độ vênh với bộ luật gốc, vì vậy không có tính khả thi.
 
Theo dự thảo luật thì một trong những lý do nâng tuổi nghỉ hưu là để kéo dài thời gian đóng BHXH, giảm thời gian hưởng lương hưu, tránh vỡ quỹ. Thực tế này được minh chứng bởi con số quỹ hưu trí và tử tuất đang có xu hướng mất cân đối. Nếu thực hiện các quy định như hiện nay thì đến năm 2021 quỹ hưu trí sẽ có số thu bằng số chi, đến năm 2034 số thu BHXH trong năm và số dư tồn tích quỹ sẽ không đảm bảo chi trả, mà nguyên nhân chủ yếu là do mất cân đối trong việc đóng – hưởng BHXH, bởi mức đóng thấp, mức hưởng cao, thời gian đóng ngắn, thời gian hưởng dài.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) phân tích, nguyên nhân của tình trạng mất cân đối quỹ hưu trí là do: diện bao phủ đối tượng đóng BHXH thấp, mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động, trong khi tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH đang gia tăng. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách BHXH để trục lợi, làm sai lệch mục tiêu của BHXH. Mặt khác, công tác quản lý, sử dụng quỹ còn nhiều hạn chế, nhất là công tác đầu tư, tăng trưởng quỹ BHXH chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, việc sửa đổi phải đáp ứng được các mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH để đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý, nhằm điều chỉnh cách tính lượng hưu theo nguyên tắc “Đóng – Hưởng”.

Theo đó, các đại biểu đề nghị dự thảo luật phải đưa ra chế tài đủ mạnh để buộc các đối tượng thuộc diện tham gia phải đóng BHXH, tránh tình trạng dây dưa, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm; đồng thời phải thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng bảo hiểm với thu nhập thực tế của người lao động; bổ sung thêm đối tượng cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc.
 
Đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Định) thẳng thắn đặt vấn đề, “các yếu tố, nguyên nhân, lý do mà ban soạn thảo đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu là chưa thuyết phục”, bởi ngoài các lý do, bất cập như các đại biểu đã nêu thì hiện nay còn có tới trên 5 triệu  người lao động phải đóng BHXH trong diện bắt buộc nhưng chưa đóng, vì vậy nghề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có chế tài để thu đủ BHXH với các đối tượng này.

Với quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nhơn cho rằng, thực tế thì cũng chưa có khảo sát nào đối với đối tượng lao động chân tay ở các khu vực DN ngoài nhà nước như hàng triệu lao động ở các ngành dệt may, da giày, thủy sản, cao su, công nhân vệ sinh xem mong muốn, sức khỏe, thực tế công việc của người lao động ra sao, thì khó có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 hay 10 năm nữa. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nên xem xét, tạm dừng phương án tăng tuổi nghỉ hưu.