Sớm đồng bộ hóa các khâu trong quy trình sản xuất dệt may

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp dệt may sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế quan. Song, nhiều chuyên gia cho rằng ngành dệt may cũng sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức, bởi các quy định khắt khe về đồng bộ hóa các khâu trong quy trình sản xuất dệt may để có thể thực sự được hưởng những ưu đãi từ TPP.

Sớm đồng bộ hóa các khâu trong quy trình sản xuất dệt may
Có đến 70% hàng dệt may trong nước xuất khẩu đi nước ngoài được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện. Nguồn: internet
Hiện nay có 12 quốc gia tham gia TPP, trong đó có hai thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may nước ta là Mỹ và Nhật Bản. Thị trường khu vực EU hiện chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, các nước tham gia TPP chiếm 30%. Tuy nhiên, mức thuế suất tại các thị trường như Mỹ và EU áp dụng đối với doanh nghiệp dệt may nước ta hiện ở mức rất cao (Mỹ là 17,5%, EU là 9,6%). Vì vậy, tham gia vào TPP chính là cơ hội cho ngành dệt may nước ta tiếp cận được một thị trường rộng lớn, song việc tham gia TPP cũng đặt ra nhiều thách thức hơn.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Nguyễn Đình Trường, tham gia vào TPP chính là động lực lớn và quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và vươn xa hơn nữa của ngành dệt may nước ta trong thời gian tới. Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%, các doanh nghiệp dệt may sẽ buộc phải áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt như các công đoạn trong quy trình sản xuất, từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may đều không được thực hiện ngoài phạm vi của các quốc gia thành viên TPP. Đây chính là điểm nghẽn, gây nhiều trở ngại cho toàn ngành dệt may; bởi phân đoạn dệt - nhuộm - hoàn tất ở nước ta hiện nay kém phát triển và chưa được chú trọng.

Có đến 70% hàng dệt may trong nước xuất khẩu đi nước ngoài được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện. Gần 90% nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà đa số những nước này không phải là thành viên của TPP. Đây chính là vướng mắc và cũng là trở ngại lớn nhất mà ngành dệt may trong nước vấp phải khi tham gia vào TPP. Ngoài ra, công nghệ và trang thiết bị sản xuất vẫn chưa thể theo kịp các nước khác. Đồng thời, nhân công giá rẻ hiện đã không còn là lợi thế của nước ta như trước, bởi sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia mới nổi trong ngành dệt may quốc tế.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về lao động, về môi trường nói chung, và trong khâu dệt - nhuộm nói riêng khá cao. Doanh nghiệp dệt may có thể bị truy thu thuế ngược đối với những lô sản phẩm được miễn thuế nhập khẩu, hoặc có thể bị khởi kiện và bị buộc ngừng xuất khẩu sang các nước thành viên TPP nếu vi phạm các quy định nêu trên.

Một số nước tham gia vòng đám phán của TPP, trong đó có Việt Nam, đã đề xuất một sáng kiến để tạm thời tháo gỡ tình trạng trên, đó là giải pháp nguồn cung thiếu hụt trong khoảng thời gian cố định 3 năm. Theo đó, các nước thành viên TPP được phép mua ngoài các nguyên phụ liệu mà nội bộ TPP không có hoặc chưa sản xuất được để sản xuất hàng dệt may. Khi hết thời hạn, các doanh nghiệp dệt may sẽ buộc phải chấp hành quy định về các công đoạn trong quy trình sản xuất, phải được thực hiện trong nội bộ TPP như đã nêu trên.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành dệt may nước ta có thể đứng vững sau khi gia nhập TPP, Chính phủ cần có những giải pháp dài hơi hơn nhằm định hướng chiến lược phát triển bền vững và ngày càng mạnh mẽ hơn cho ngành dệt may. Cụ thể, hoạch định vùng phát triển dệt nhuộm, nhất là khâu nhuộm bởi nhiều vùng hiện không còn mặn mà với công đoạn này. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, sản xuất nguyên phụ liệu trong nước thay vì nhập khẩu.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng phải kịp thời chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống cắt - ráp - hoàn thiện sang phương thức thực hiện toàn bộ quá trình sản xuất, từ nghiên cứu thị trường đến đóng gói sản phẩm và vận chuyển, giao hàng. Từ đó, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất và hơn hết là giảm sự thuộc vào nguyên phụ liệu ngoại nhập. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, các doanh nghiệp dệt may nếu không chủ động đối mặt và khai thác lợi thế thì chính là tự đào thải mình.