Tác động của lao động và nguồn vốn đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2019

Lao động và nguồn vốn là hai yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn khác nhau, trên cơ sở chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ và yếu tố tác động từ bên ngoài lại cho kết quả khác nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trải qua hơn 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, từ một quốc gia thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước thu nhập trung bình, GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.545,1 USD... Mặc dù, đã có những bước tiến dài nhưng thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ những yếu kém nội tại, cụ thể như: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (TTKT) tuy ở mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng chậm lại; chất lượng tăng trưởng thấp, thiếu bền vững; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn thấp; năng suất lao động (NSLĐ) ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực.

Chính vì thế, để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần sớm chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu chí về năng suất, chất lượng và hiệu quả, trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá tác động của lao động và nguồn vốn đến TTKT ở Việt Nam, tác giả sử dụng phương pháp phân tích phân rã cộng và phương pháp phân tích phân rã nhân.

Tác động của lao động và nguồn vốn đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 1

- Phân tích phân rã cộng: Cho nền kinh tế với n ngành, mỗi ngành có sản lượng là Yi và số lao động là Li. Tổng sản lượng và số lao động tương ứng của toàn nền kinh tế là Y và L. Từ đó, phân tách các yếu tố ra từng cặp rời rạc dựa trên quan hệ kinh tế sau đó phân tích ảnh hưởng của từng cặp yếu tố đó. Phân tích phân rã cộng về tác động của thay đổi về quy mô lao động và NSLĐ nội ngành lên tăng trưởng GDP được xác định theo công thức:

GDP = ∑Wi * Li   (1)

Trong đó: Wi là NSLĐ ngành i; Li là lượng lao động của ngành i.

Thay đổi GDP được xác định theo công thức:

GDPt-GDP0 = ∑(Wit-Wi0)*Li0+∑(Lit-Li0)*Wi0+∑(Wit-Wi0)*(Lit-Li0)   (2)

Trong đó, ∑(Wit-Wi0).Li0 là hiệu ứng đóng góp của thay đổi NSLĐ của các ngành tới thay đổi GDP qua các năm;

∑(Lit-Li0 ).Wi0 là hiệu ứng đóng góp của thay đổi quy mô lao động của các  ngành tới thay đổi GDP qua các năm;

∑(Wit-Wi0).(Lit-Li0) là hiệu ứng ảnh hưởng kết hợp của thay đổi NSLĐ của các ngành và thay đổi quy mô lao động của các ngành tới thay đổi GDP qua các năm.

Phân tích phân rã cộng từ tác động của thay đổi về NSLĐ nội ngành và chuyển dịch cơ cấu ngành đến NSLĐ của nền kinh tế được xác định theo công thức:

W = ∑Wi . Si   (3)

Trong đó: Wi là NSLĐ i;

Si =  Li/L  là tỷ trọng lao động ngành i;

Thay đổi NSLĐ qua các năm được xác định theo công thức:

Wt – W0 = ∑(Wit-Wi0)*Si0+∑(Sit-Si0 )*Wi0+∑(Wit-Wi0)*(Sit-Si0)  (4)

Trong đó, ∑(Wit-Wi0)* Si0 là hiệu ứng đóng góp của thay đổi NSLĐ nội ngành tới thay đổi NSLĐ qua các năm;

∑(S_i^t-S_i^0 )*W_i^0 là hiệu ứng đóng góp của chuyển dịch cơ cấu kinh tế tới thay đổi NSLĐ qua các năm;

∑(W_i^t-W_i^0 )*(S_i^t-S_i^0) là hiệu ứng ảnh hưởng kết hợp của thay đổi NSLĐ nội ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tới thay đổi NSLĐ qua các năm.

- Phân tích phân rã nhân: Tương tự xét trong điều kiện như phân rã cộng, tuy nhiên sẽ phân tích đồng thời tất cả các yếu tố cấu thành quan hệ kinh tế của các thành phần kinh tế. Tác giả sử dụng số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 1996-2017.

Thực trạng tăng trưởng kinh tế, vốn và năng suất lao động ở Việt Nam

Thống kê cho thấy, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2006-2008 đạt khoảng 6,59%, giai đoạn 2011 - 2013 là 5,64%. Sau một thời gian duy trì mức tăng trưởng 5,64%, trong giai đoạn 2016 - 2018, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 6,62%/năm, tăng gần 1 điểm % so với giai đoạn 2011-2013 và là mức cao nhất so với cùng kỳ của 2 kỳ kế hoạch 5 năm gần đây.

Tác động của lao động và nguồn vốn đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 2

Hình 1 cho thấy, tăng trưởng khu vực FDI liên tục bứt phá với tốc độ gần như gấp đôi so với khu vực kinh tế tư nhân và gấp 3 lần so với khu vực nhà nước. Với tỷ trọng chiếm gần 1/5 trong cơ cấu GDP, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào TTKT Việt Nam. Hiệu quả đầu tư có sự cải thiện, chỉ số ICOR có xu hướng giảm dần, cụ thể: Trong giai đoạn 2006 - 2010, ICOR là 6,96; 2011- 2015 giảm xuống còn 6,91 và năm 2016 còn 6,41; 6,27 năm 2017 và 6,3 năm 2018. Tuy nhiên, xét ở mặt bằng trung các nước trong khu vực và khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, thì ICOR của Việt Nam vẫn ở mức cao.

Tác động của lao động và nguồn vốn đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 3

Nhiều nghiên cứu cho rằng, thu hút và thực hiện vốn FDI ở Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế như: Khu vực FDI chưa tạo hiệu ứng lan tỏa về năng suất, công nghệ như mục tiêu ban đầu; Trong đó, về NSLĐ, theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (2018), tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 1991 - 2017 bình quân đạt 4,8%/năm, cao hơn Singapore (2,3%), Indonesia (3,2%). Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối rất thấp, trong khu vực, Việt Nam chỉ hơn Bangladesh và Campuchia. Nguyên nhân là do trình độ nhân lực còn thấp, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, mức độ tinh vi trong sản xuất kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp thứ 100/137 nước. Đầu tư cho công nghệ chỉ mới chiếm 0,5% doanh thu của doanh nghiệp thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân châu Á là 2,5%.

Tác động của thay đổi lao động đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Ảnh hưởng của lao động, năng suất lao động và dịch chuyển cơ cấu lao động đến tăng trưởng GDP

Kết quả tính toán bằng phân rã cộng được mô tả tại Hình 2 cho thấy, quy mô lao động ngành dương, nghĩa là việc gia tăng số lượng lao động ngành góp phần tích cực vào tăng sản lượng chung của cả nền kinh tế Việt Nam. Số liệu năm 2000 và 2001 cho thấy, mặc dù quy mô lao động của các ngành thay đổi ở mức cao, nhưng hiệu quả thay đổi NSLĐ nội ngành lại giảm mạnh ở mức âm. Điều này cho thấy, thay đổi quy mô lao động ngành đã tác động tiêu cực đến NSLĐ nội ngành năm 2000 và 2001, làm giảm sản lượng chung của cả nền kinh tế.

Ở khía cạnh kết hợp âm và dương cho thấy, các năm có ảnh hưởng kết hợp dương là những ngành có lao động tăng lên và cũng là các ngành có NSLĐ gia tăng. Các năm có ảnh hưởng kết hợp âm hàm ý những ngành có số lượng lao động tăng lên lại bị suy giảm NSLĐ. Nghĩa là các ngành tiếp nhận lao động không có đủ năng lực để bảo toàn và nâng cao năng suất khi số lao động tăng.

Nếu như trong giai đoạn 1996 - 1999, sản lượng chung của cả nền kinh tế Việt Nam tăng, chủ yếu là do gia tăng số lượng lao động và gia tăng NSLĐ, thì giai đoạn 2000 - 2009, GDP tăng là do ảnh hưởng bởi cả yếu tố số lượng lao động và NSLĐ. Trong giai đoạn 2010 - 2017, thay đổi GDP phân rã chủ yếu do gia tăng NSLĐ, số lượng lao động của các ngành có sự gia tăng chậm và ít hơn so với giai đoạn trước, cụ thể như năm 2014 lao động ngành chỉ tăng bằng 1/4 của năm 2000, năm 2017 chỉ bằng 1/2 năm 2007.

Tác động của thay đổi về năng suất lao động nội ngành và chuyển dịch cơ cấu ngành đến năng suất lao động của nền kinh tế

Kết quả tính toán bằng phân rã cộng được mô tả trong Hình 3 cho thấy, ảnh hưởng thay đổi của năng suất nội ngành dương, trừ năm 2000 và 2001, nghĩa là thay đổi NSLĐ trong bản thân các ngành đã góp phần tích cực vào tăng năng suất chung của cả nền kinh tế.

Ở khía cạnh kết hợp âm và dương cho thấy, nếu giai đoạn 1996-1998 ảnh hưởng kết hợp dương có tín hiệu tích cực trong phân bổ sử dụng lao động, thì giai đoạn 1999-2013 ảnh hưởng kết hợp âm cho thấy, có nhiều ngành phát triển không đủ mạnh để hấp thụ số lao động di chuyển sang. Năm 2014, do phân bổ lao động hợp lý nên đã mang lại tín hiệu tốt khi ảnh hưởng kết hợp dương và có sự biến động không quá lớn cho đến năm 2017.

Ảnh hưởng của lao động, năng suất lao động và dịch chuyển cơ cấu lao động đến tăng trưởng GDP theo phương pháp phân rã nhân

Khác với phương pháp phân rã cộng, phương pháp phân rã nhân nghiên cứu đồng thời sự tác động của 3 yếu tố thay vì đánh giá rời rạc các biến. Kết quả tính toán bằng phân rã nhân được mô tả trong Hình 4 đã mô tả về bức tranh lao động và nền kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1996 - 2017. Cụ thể: Ảnh hưởng của thay đổi quy mô lao động tới TTKT dương cho thấy, việc thay đổi quy mô lao động trong các ngành đã làm tăng NSLĐ, tác động tích cực tới sự tăng trưởng của nền kinh tế; ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành dương (trừ năm 2011) cho biết, việc thay đổi tỷ trọng lao động giữa các ngành là hợp lý và hiệu quả, đóng góp quan trọng cho sư tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là các năm 2000, 2001.

Giai đoạn 1996 - 2000, ảnh hưởng của thay đổi NSLĐ nội ngành có tác động mạnh đến TTKT, đỉnh điểm là năm 1996 và có xu hướng giảm dần vào năm 2000 xuống con số bé hơn 1, do nền kinh tế phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của NSLĐ năm 2000 gần như âm (năm sau thấp hơn năm trước và thấp hơn 1).

Giai đoạn 2001- 2009, ảnh hưởng của thay đổi năng suất nội ngành có bước phục hồi từ con số âm dần đi lên và giữ ở mức ổn định đến năm 2008, vào năm 2009, từ tác động của các cuộc khủng hoảng một lần nữa NSLĐ ngành lại tụt dốc. Trong giai đoạn này, về cơ bản do quy mô và chuyển dịch cơ cấu lao động ổn định hơn, điều này phù hợp cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Giai đoạn 2010 - 2017, do ảnh hưởng từ những cuộc khủng hoảng bên ngoài khiến NSLĐ của một số ngành có tăng, giảm bất thường có năm tăng cao, như năm 2011 và 2014 có năm lại xuống thấp như năm 2012. Giai đoạn 2013-2017, nền kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều sâu khi NSLĐ tăng, trong khi quy mô và chuyển dịch cơ cấu lao động ít ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế. Các ngành kinh tế chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, tác động lớn đến thay đổi NSLĐ toàn nền kinh tế, trong khi đó, ảnh hưởng của thay đổi năng suất nội ngành lại có dấu hiệu cản trở nền kinh tế phát triển.

Đánh giá tác động của thay đổi vốn đầu tư, năng suất vốn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam

Ảnh hưởng của vốn, năng suất vốn và dịch chuyển cơ cấu vốn đến tăng trưởng GDP

Kết quả tính toán bằng phân rã cộng được mô tả trong Hình 5 cho thấy, ảnh hưởng của hiệu ứng thay đổi mức đầu tư ngành dương (ngoại trừ năm 2011), nghĩa là, càng tăng vốn đầu tư vào ngành thì vai trò đóng góp vào TTKT càng lớn. Ở góc độ ảnh hưởng của hiệu ứng năng suất vốn ngành có cả âm và dương cho thấy, sự biến động mạnh của năng suất sử dụng vốn. Như vậy, tốc độ ổn định của việc tạo ra giá trị thặng dư thông qua năng suất vốn bấp bênh, khó kiểm soát.

Theo thống kê, giai đoạn 2002 – 2010 năng suất vốn luôn ở mức âm mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư nhiều, thấp nhất là năm 2007 khi tốc độ tăng năng suất vốn đạt thấp kỷ lục là -13,71%. Từ năm 2011, khi nền kinh tế có bước phục hồi, lượng vốn đầu tư trước đây dường như đã phát huy tác dụng khi đẩy tăng trưởng của năng suất vốn lên đến 16,59%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012 – 2017, năng suất vốn lại có xu hướng giảm, khó phục hồi và hầu hết duy trì ở mức âm.

Tác động của thay đổi về năng suất lao động nội ngành và chuyển dịch cơ cấu ngành đến năng suất lao động của nền kinh tế

Kết quả tính toán bằng phân rã cộng được mô tả trong Hình 6 cho thấy, ảnh hưởng của hiệu ứng thay đổi năng suất vốn nội ngành gồm cả âm và dương. Những năm dương là năng suất vốn nội ngành đóng góp tích cực đến sự TTKT, còn những năm âm là năng suất vốn đã kéo lùi TTKT. Nhìn chung, năng suất vốn luôn có tác động giống nhau đối với tăng trưởng GDP.

Ảnh hưởng của thay đổi cơ cấu vốn theo ngành cũng có cả âm và dương: Số âm cho biết, việc chuyển dịch cơ cấu vốn giữa các ngành không những không mang lại hiệu quả mà còn cản trở TTKT, điển hình như năm 2001, ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu âm lớn đã tác động nhất định đến tăng trưởng GDP khi mà năng suất vốn lớn. Có thể thấy, khi xem xét giữa dịch chuyển cơ cấu vốn và chuyển dịch cơ cấu lao động có sự tương phản nhau, chuyển dịch cơ cấu lao động năm 2000 mang lại dấu hiệu khả quan, tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu vốn thì ngược lại ở mức âm cản trở nền kinh tế phát triển. Số dương cho biết, có tác động tích cực đến nền kinh tế và việc chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành mang lại hiệu quả cho tăng trưởng, thể hiện sự điều tiết cơ cấu giữa các ngành hợp lý.

Ảnh hưởng của hiệu ứng kết hợp âm cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất vốn. Hầu hết trong giai đoạn phân tích hiệu ứng kết hợp giữa thay đổi năng suất vốn và quy mô vốn, cũng như năng suất vốn và chuyển dịch cơ cấu vốn đều âm, ngoại trừ giai đoạn 2012 - 2017. Điều này chỉ ra rằng, khi năng suất vốn được chọn cố định và không thay đổi thì quy mô vốn và chuyển dịch cơ cấu vốn đều ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP và cả hai yếu tố đó đều ảnh hưởng lớn hơn sự đóng góp tích cực hay tiêu cực của NSLĐ ở hướng đối nghịch.

Ảnh hưởng của nguồn vốn, năng suất vốn và dịch chuyển cơ cấu vốn  đến tăng trưởng GDP theo phương pháp phân rã nhân

Kết quả tính toán bằng phân rã nhân được mô tả trong Hình 7 cho thấy, nhìn chung ảnh hưởng của quy mô vốn luôn ở mức dương, ngoại trừ năm 2011. Ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu vốn có năm âm, có năm dương và ảnh hưởng của năng suất vốn cũng có năm âm có năm dương. Ảnh hưởng của quy mô vốn ở mức ổn định hơn, có số dương (trừ năm 2011) thể hiện việc đầu tư thêm vốn luôn mang lại hiệu quả tích cực đối với TTKT. Riêng năm 2011, do việc sử dụng vốn hiệu quả nên năng suất vốn cao, vì vậy việc đầu tư thêm vốn vào các ngành cũng không mang lại hiệu quả dương mà còn cản trở lại sự tăng trưởng.

Ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu vốn như đã nói ở trên có cả con số âm và dương, điều này thể hiện việc thay đổi tỷ trọng vốn giữa các ngành qua từng năm có tác động rất khác nhau. Ảnh của năng suất vốn nội ngành chịu sự tác động của quy mô vốn và chuyển dịch cơ cấu vốn, do quy mô vốn luôn ở con số dương (trừ năm 2011) trong khi chuyển dịch cơ cấu vốn thay đổi giữa âm và dương khiến cho năng suất vốn bị tác động qua lại.

Xét cho từng giai đoạn cho thấy, trong giai đoạn 1996-2000, khi quy mô vốn tăng, chuyển dịch cơ cấu vốn giảm, dẫn đến năng suất vốn giảm, điển hình là giai đoạn 1995 - 1998. Sau đó, mức độ đầu tư vốn giảm, NSLĐ lại tăng vào năm 1999. Đến năm 2000 khi tăng đầu tư thêm, thì năng suất lại giảm. Nguyên nhân là do sự phân bổ cơ cấu vốn giữa các ngành chưa hợp lý, việc sử dụng vốn cũng kém hiệu quả.

Trong giai đoạn 2001-2010, khi đầu tư thêm vốn nhưng việc chuyển dịch cơ cấu vốn giữa các ngành ở mức âm, khiến cho năng suất sử dụng vốn dương trong năm 2001. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2002-2010, năng suất vốn luôn âm, điển hình là năm 2007 có mức đầu tư vốn cao nhất của giai đoạn, nhưng năng suất vốn lại thấp nhất. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và năng suất sử dụng vốn giảm.

Trong giai đoạn 2011 – 2017, chuyển dịch cơ cấu vốn đều ở con số âm, tuy nhiên NSLĐ lại tăng, điều này thể hiện chiều sâu sự tăng trưởng.

Kết luận

Trong hơn 20 năm, từ 1996 - 2017 nền kinh tế Việt Nam qua góc nhìn về lao động và nguồn vốn đã cho thấy, nhiều sự biến động lớn. Từ việc phân tích phân rã tác động của lao động và nguồn vốn đến sự phát triển của nền kinh tế rằng, kinh tế Việt Nam chưa thực sự bền vững, chưa thực sự ổn định. Để tối ưu hóa việc sử dụng lao động và nguồn vốn, Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế; thay đổi mô hình TTKT trên nền tảng lao động, vốn và khoa học công nghệ; tiếp tục cải cách nền tảng thể chế, giáo dục và chính sách, cơ chế phân bổ ngân sách cho phát triển con người và khoa học công nghệ.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Việt Nam 2035 URL: https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/23724/VN2035Vietnamese.pdf;

2. Tổng cục Thống kê. URL: http://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=706&ItemID=13412;

3. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). URL https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_471047.pdf;

4. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Chất lượng và động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2018. URL: http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21058;

5. Dong P.T. & Thuong L.C. (2016), Solutions for Vietnamese labor market in condition of forming asean economic community, Economy and business: Theory and Practice, 2016, №1, pp.156-162.