Thông điệp từ tái cơ cấu

ThS. NGUYỄN THỊ TÂM

(Tài chính) Thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập nhiều đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) với sự quyết tâm cao đặt vào năm 2014. Ngay sau Thông điệp, các động thái cụ thể cũng đã được triển khai tới từng bộ, ngành, địa phương và DN. Những kết quả tích cực đang hiện hữu…

Cố phần hóa VNPT sẽ trở thành hiện thực trong năm 2014. Nguồn: internet
Cố phần hóa VNPT sẽ trở thành hiện thực trong năm 2014. Nguồn: internet

Quyết tâm bằng hành động

Một thực tế phải thừa nhận, tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN) trong những năm qua diễn ra chậm trễ. Nguyên nhân căn bản là do thiếu sự quyết tâm chính trị cao, các DN lấy những khó khăn chung của nền kinh tế để biện minh cho sự chậm trễ trong công tác này. Vấn đề này đã được loại bỏ trong năm 2014, khi người đứng đầu Chính phủ tuyên bố “không có trường hợp ngoại lệ” kể cả với những “con gà đẻ trứng vàng” như Mobifone…

Chưa bao giờ tái cơ cấu DNNN lại được cam kết và hành động mạnh mẽ như thời điểm hiện nay. Từ cấp Chính phủ đến các DN đều vào cuộc với tinh thần khẩn trương cho chặng nước rút. “Thay lãnh đạo DN chậm cổ phần hóa” và “không làm được thì mời các đồng chí thôi việc”- là sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề tái cơ cấu DNNN tại buổi làm việc ngày 22/1/2014 với các chuyên gia kinh tế; điều này tiếp tục được Thủ tướng khẳng định lại tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014- 2015”. Đây là một thông điệp tích cực không chỉ với thị trường mà còn với triển vọng dài hạn của nền kinh tế.

Để chuẩn bị cho năm trọng tâm thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, từ cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Có hiệu lực từ ngày 15/1/2014, Nghị định này như “liều thuốc mạnh” đặc trị những tồn tại trong xác định giá trị DN, đối chiếu công nợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về việc tính giá trị lợi thế vị trí địa lý…

Bên cạnh đó, ngay trong tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa gần hàng loạt tổng công ty, trong đó có những tên tuổi như các CIENCO. Cùng động thái này, các bộ, ngành đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, kể cả với những DN thuộc loại “khủng” mà việc cổ phần hóa đã được nhắc đến từ lâu song còn chậm trễ như: Vietnam Airlines, Mobifone, Vinafone…

Đón chờ nhiều chuyển biến…

Kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đã được hoạch định, trong năm nay và 2015, cổ phần hóa 500 tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Sức ép cổ phần hóa trong hai năm 2014-2015 khiến các bộ, ngành, địa phương và DNNN không còn đường lùi, buộc phải gấp rút “lập trình” cho mình kế hoạch thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2014.

Bộ Giao thông Vận tải đã “điểm mặt” những DN lớn trực thuộc Bộ quản lý thực hiện cổ phần hóa trong năm nay. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2014, sẽ hoàn thành cơ bản tái cơ cấu DNNN, 11 tổng công ty sẽ phải cổ phần hóa trong năm 2014 gồm: Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamoror), Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong số 11 tổng công ty này, “hàng khủng”, chất lượng nhất và được nhà đầu tư trong và ngoài nước chào đón nhiều nhất là Vietnam Airlines và Vinamotor. Hai đơn vị này hiện đang bị Bộ Giao thông Vận tải thúc ép sớm IPO ngay từ đầu năm 2014.

Hàng loạt tổng công ty lớn ở rất nhiều ngành nghề đã và đang công bố kế hoạch cổ phần hóa. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã lên kế hoạch IPO trong quý I/2014. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho Vinatex. Bởi hiện đang có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đầu tư vào các DN dệt may để đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngoài nguồn hàng IPO trong năm 2014, một lượng hàng khủng khác sẽ được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến tung ra thị trường. Theo Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, chỉ trong năm nay và năm tới, số lượng DN mà SCIC sẽ thoái vốn lên tới 376 DN, trong đó có nhiều cổ phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước như: BVH, FPT, BMP, PPC...

Có thể nói, bài toán tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN luôn có nhiều lời giải và không thể đòi hỏi những giải pháp hoàn hảo. Hiện nay, thoái vốn nhà nước tại DN đang là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu và việc làm sao để phần vốn nhà nước không bị thất thoát cũng là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, việc tính toán thiệt hơn trong các đợt IPO, thoái vốn của DNNN sẽ không quan trọng bằng cách thay đổi thực sự mô hình quản trị DN và có những lộ trình phát triển cụ thể sau khi IPO để DN thực sự hoạt động có hiệu quả, nguồn lực được phát huy.

Những đóng góp của DNNN trong nền kinh tế - xã hội nước ta là không thể phủ nhận, nhưng chúng ta cũng đã có không ít bài học đắt giá về đội ngũ này. Vấn đề cốt lõi là ở thời điểm hiện nay, chúng ta đã xác định rõ được những tồn tại, hạn chế và có giải pháp cụ thể cho từng đối tượng (cả về chính sách lẫn biện pháp xử lý). Cam kết, hành động của Chính phủ và sự đồng thuận của các bộ, ngành, các DN trong thực hiện tái cơ cấu DNNN đã khẳng định quyết tâm của các cấp quản lý và củng cố được niềm tin của nhân dân vào kế hoạch tái cơ cấu DNNN sẽ thành công trong năm 2015.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014