Tiếp tục phát huy nội lực ngành Nông nghiệp trong năm mới

Theo dangcongsan.vn

Năm 2016, hoạt động của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ chịu tác động bởi các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó là những khó khăn nội tại, đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần phấn đấu để vượt qua những thách thức, hội nhập với thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2016, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Là nước có lợi thế về nông nghiệp, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Khi mức thuế suất được cắt giảm, các nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trên thị trường của các nước trên thế giới. Với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, ngành NN&PTNT đã chuẩn bị hành trang để tham gia "cuộc chơi" hội nhập. Trong đó, nhiều nông sản đặc sản của Việt Nam như: Vải, xoài, thanh long,... đã xâm nhập thành công vào những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc.

Cũng trong năm 2016, theo dự báo, ngành NN&PTNT tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức về thời tiết và thị trường. Hiện nay, hiện tượng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, đã có 88.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến 300.000 ha trên tổng số 1,2 triệu ha ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ vậy, hạn hán cũng xảy ra khốc liệt, đáng báo động ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắk Nông.

Trước những điều kiện mới, năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của cư dân nông thôn; đồng thời, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trong đó, năm 2016, phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,5-4%. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD vào năm 2016 và khoảng 39-40 tỷ USD năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% vào năm 2020; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 25% năm 2016 và 50% năm 2020.

Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2016, toàn ngành NN&PTNT tập trung thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn; xác định tái cơ cấu ngành cần bắt đầu từ thị trường, trong đó tập trung thay đổi tổ chức sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi nhằm tạo ra giá trị, chất lượng và hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, 2016 là năm Bộ NN&PTNT xác định là năm tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, với sự quyết liệt vào cuộc của các lực lượng chức năng, chất cấm đã được ngăn chặn ở các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua báo cáo của đoàn thanh tra của Bộ và địa phương, số mẫu phát hiện dương tính với chất cấm đã giảm đi khá nhiều so với tháng 12/2015. Kết quả này bước đầu đáp ứng mong đợi được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân.

Từ thực tiễn kinh nghiệm triệt phá chất cấm, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chấn chỉnh tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tăng cường năng lực quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản nhập khẩu theo quy định.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo nội dung tích hợp nhiều chương trình, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp và đội ngũ vận hành Chương trình; Tăng cường thu hút các nguồn lực cho Chương trình, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, thôn trực tiếp gắn với phát triển đời sống hàng ngày của người dân; Tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phấn đấu đến hết năm 2016 nâng tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới lên 25% (tăng 8,2% so với năm 2015); đạt được mục tiêu 50% xã đạt 19 tiêu chí vào năm 2020.