Tìm hướng xuất khẩu nông sản

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Trái với tốc độ tăng trưởng hàng năm, quý I-2015, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản lại “đảo chiều” khi mức độ sụt giảm lên tới trên 10%. Thực tế này đang gây nhiều lo lắng cho cả cơ quan chức năng lẫn cộng đồng doanh nghiệp và nhiều giải pháp đã đang được thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cung –cầu đổi thay

Nhìn vào “bức tranh” XK nông, lâm, thủy sản với nhiều thông số ảm đạm trong quý I, tại Chương trình Tiêu điểm Công Thương số 3 của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương mới đây với chủ đề: “Diễn biến và các nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh tiêu thụ XK nông, thủy sản”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, đây là điều bất thường so với những năm trước khi cùng thời điểm, XK nông, lâm, thủy sản vốn có mức tăng trưởng cao.

Mặt hàng có kim ngạch XK sụt giảm điển hình từ đầu năm đến nay phải kể tới thủy sản. So với giá trị và mức tăng trưởng XK thủy sản cùng thời điểm của 5 năm (2011 - 2015), quý I-2015 sụt giảm mạnh nhất. Giá trị XK chỉ tương đương với quý I-2013 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Với mặt hàng nông sản chủ lực, truyền thống của Việt Nam là gạo, tình hình cũng không có nhiều khả quan khi XK gạo 3 tháng đầu năm giảm hơn 28% về khối lượng và giảm 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Đề cập tới những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, điểm mấu chốt của sự sụt giảm là cung-cầu thế giới có sự thay đổi. Riêng một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su, cà phê, thủy sản…, gia tăng sản lượng trong những năm gần đây đã gần đến ngưỡng của cả sản xuất và năng lực XK. Bên cạnh đó, trong thị trường thế giới các nước NK các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam đang XK có xu thế bắt đầu điều chỉnh các chính sách điều hành. Các nước phấn đấu tăng cường hơn năng lực sản xuất để giảm nhu cầu NK.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc phân tích: Các nước NK gạo sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã tập trung gia tăng sản xuất trong nước để đảm bảo an ninh lương thực, tránh phụ thuộc vào các nước XK, dẫn đến cung-cầu hiện nay của thị trường là do người mua quyết định. Bên cạnh đó, các nước XK gạo trên thế giới đang cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là tại Thái Lan và Ấn Độ, chính sách giảm giá để giành thị phần được đẩy mạnh.

Ngoài các vấn đề trên, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, một trong những nguyên nhân khiến XK nông, lâm, thủy sản lao đao thời gian qua còn là biến động tỷ giá trên thị trường thế giới. Đồng USD càng ngày càng lên giá đã tác động đến nhu cầu thị trường ở những thị trường rất quan trọng đối với các mặt hàng nông, thủy sản XK của Việt Nam như EU, Nhật Bản…

Rất đồng tình với đánh giá đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích: Áp lực giảm giá mạnh của đồng Euro, Yên so với đồng USD không chỉ hạn chế đáng kể việc NK thủy sản ở những thị trường này mà còn tác động tới lợi nhuận của các DN XK Việt Nam khi tỷ giá USD/VND không đổi trong khi tỷ giá của các nước XK cạnh tranh (Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…) được linh hoạt hơn, thậm chí là “thả nổi”.

Tăng thông tin, hạ giá thành

Thực tế, ngay cuối tháng 3, trước tình trạng XK sụt giảm bất thường, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với đại diện các Hiệp hội để tìm hướng giải quyết. Tại đây, ông Nguyễn Hoài Nam cũng như đại diện một số Hiệp hội, ngành hàng đưa ra kiến nghị, trong bối cảnh từ giờ đến cuối năm 2015 khi mà vấn đề giá trị tỉ giá đồng EUR chưa có dấu hiệu điều chỉnh lại như bình thường mà đang thấp xuống gần với đồng USD, cộng đồng DN đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cũng như ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay ngắn hạn xuống dưới mức tối đa khoảng 7% như hiện nay.

Cùng với đó, bên cạnh các biện pháp mang tính tổng thể, vĩ mô, đối với ngành thủy sản nói chung và nhiều ngành hàng nông sản khác, điều quan trọng là phải tìm mọi cách để giảm giá thành sản xuất xuống, tăng tính cạnh tranh. VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, có giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan nhằm từng bước giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, một số DN cũng đề nghị các bộ, ngành xem xét nghiêm túc vấn đề tiền thuế đất ngày một tăng cao. Tại nhiều địa phương, thuế đất được xây dựng từ khi ngành hàng còn làm ăn được, đến nay khi sản xuất, XK gặp khó, mức thuế đất mới được địa phương công bố còn cao hơn hẳn so với mức trước đây.

Đáp lại những kiến nghị của cộng đồng DN, với những vấn đề có thể giải quyết sớm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã giao cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ, thời hạn cho các đơn vị liên quan giải quyết. Đồng thời giao cho các ban, ngành tổng hợp ý kiến của Hiệp hội, DN về thực trạng những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN để Bộ báo cáo với Chính phủ, từ đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Để hoạt động thương mại ngành nông nghiệp thông suốt hơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thương mại trực thuộc Bộ. Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo sẽ phải thường xuyên tập hợp khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị từ phía DN nhằm từng bước tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy nâng cao hiệu quả thương mại phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ở góc độ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nội dung được quán triệt trong những nhiệm vụ dài hạn của Bộ Công Thương là tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, hàng hóa của nền kinh tế. Tất cả các nội dung quan trọng trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… đều được cân nhắc và tính toán một cách thiết thực để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc mở cửa thị trường của thế giới. Ngoài ra, Bộ Công Thương xác định từ thực tế phân tích các diễn biến trong hoạt động thương mại quốc tế cũng như hoạt động XK của Việt Nam sẽ có những đối sách và biện pháp phù hợp để khai thác được cơ hội và vượt qua thời điểm khó khăn.

“Chúng tôi cho rằng, thực tế có sự đứt đoạn trong các khâu xử lý và khai thác thông tin. Thông tin thị trường các cơ quan quản lý Nhà nước có nhưng cách khai thác thông tin, tổ chức lại sản xuất, định hướng cung cấp cho người nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp còn ách tắc. Vì vậy, để từ những thông tin nghiên cứu về thị trường, định hình xây dựng quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra mặt hàng nông sản có chất lượng, phù hợp và đáp ứng được những yêu cầu của thị trường là yêu cầu đang đặt ra của các cơ quan quản lý Nhà nước”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, một vấn đề nữa trong năm 2015 là cần tập trung nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về xúc tiến thương mại, đổi mới mô hình, phương thức, nâng cao chất lượng của xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cần phải nâng cao hơn nữa tính chủ động và vai trò DN tham gia các chương trình về xúc tiến thương mại.

Xung quanh vấn đề này, với lúa gạo nói riêng, nhiều mặt hàng nông, thủy sản khác nói chung ông Phan Xuân Quế cho rằng, ngoài trông chờ vào động thái từ phía các cơ quan chức năng, các DN cũng phải chủ động, tích cực làm tốt công tác quản trị, tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, xây dựng chiến lược trong cả dài hạn và ngắn hạn. Tất cả giải pháp phải đồng bộ hướng đến mục tiêu sử dụng nguồn lực làm sao hiệu quả nhất.