Tìm kênh đầu tư hiệu quả năm 2017

Theo thoibaonganhang.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kiên trì theo mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng ở mức đặt ra là 6,7%, và mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Với sự kiên định chính sách như vậy, tiền gửi chính là kênh đầu tư an toàn nhất đối với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm.

ThinkPad T460s cực nhẹ với trọng lượng chỉ 1,4kg.Làm ăn gì năm 2017? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
ThinkPad T460s cực nhẹ với trọng lượng chỉ 1,4kg.Làm ăn gì năm 2017? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bức tranh đa dạng của nền kinh tế trong năm 2017 đã được các chuyên gia phác thảo tại Toạ đàm Biztalk thường niên với chủ đề “Làm ăn gì năm 2017?”. Trước những dự báo khác nhau về triển vọng của nền kinh tế trong năm tới, lời khuyên về kênh đầu tư rất đa dạng

Sản xuất nhiều cơ hội, gửi tiết kiệm an toàn

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, 2016 là năm bước ngoặt với Việt Nam về nhiều mặt. Theo ông Doanh, chưa năm nào Chính phủ mới lên lại đứng trước khó khăn dồn dập như nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, môi trường quốc tế đang có sự thay đổi nhanh chóng và khó lường, vì vậy phải có sự nhìn nhận tỉnh táo. Tuy nhiên chính trong khó khăn lại tạo cơ hội cải cách để đầu tư. Đồng thời đối diện với những thách thức lớn, song có thể nói Chính phủ đã đưa ra quyết sách lớn, kịp thời. Nếu nhìn dưới góc độ đó thì năm 2017 là một năm thuận lợi cho nhiều kênh đầu tư.

Theo các chuyên gia, trước hết cơ hội đến từ việc thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Chính những khó khăn hiện nay sẽ thúc đẩy Chính phủ có bước tiến mới, cổ phần hoá có thêm động lực, thu hút nhà đầu tư, được thực hiện công khai minh bạch và sức ép lớn sẽ khiến các doanh nghiệp phải niêm yết. Đây là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông lý giải, với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều “đất” hơn, được tham gia vào nhiều ngành, lĩnh vực vốn là đặc thù của nhà nước.

Mặt khác, ông Kiên cho rằng còn nhiều khoảng trống thị trường để doanh nghiệp có thể tham gia. Đơn cử những lĩnh vực “ăn theo” nông nghiệp như chế biến thực phẩm, hiện trong trạng thái gần như chưa có ai khai phá. Đồng thời các ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, lữ hành… cũng có nhiều tiềm năng và không sợ bị cuộc Cách mạng công nghiệp thứ 4 tác động nhiều.

Cơ hội rộng mở cho sản xuất kinh doanh còn đến từ trợ lực của chính sách vĩ mô. TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN khẳng định, trong điều hành chính sách sắp tới, NHNN sẽ kiên trì theo mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng ở mức đặt ra là 6,7%, và mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Với sự kiên định chính sách như vậy, tiền gửi chính là kênh đầu tư an toàn nhất đối với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng cho biết nếu có 1 tỷ đồng sẽ đem gửi ngân hàng lãi suất 6% là an toàn nhất. PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. "Nếu tôi có tiền không có gì tốt hơn là tiết kiệm", ông Long nói.

Chứng khoán, bất động sản khó nhưng vẫn có cửa

Bên cạnh kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư ngại rủi ro, theo các chuyên gia cần nhớ nguyên tắc không ai bỏ trứng vào một giỏ. Vì vậy nếu có nhiều tiền, nhà đầu tư cần phân bổ ra tất cả các kênh. Trong số này, chứng khoán vẫn là kênh có nhiều tiềm năng.

TS. Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội khẳng định, những biến động trên thị trường chứng khoán, sự rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài vừa qua chỉ mang tính thời điểm. Các giải pháp vĩ mô sẽ thúc đẩy phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó thị trường chứng khoán là tấm gương phản ánh nền kinh tế. Khi nền kinh tế khỏe, phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp có lợi nhuận thì thị trường chứng khoán sẽ được đà tiến lên.

Do đó, với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI nhận định dòng vốn với Việt Nam dự báo sẽ tăng trong năm 2017. Trong năm tới, 12 doanh nghiệp rất lớn của Việt Nam chuẩn bị niêm yết với tổng vốn lên tới 260.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có doanh nghiệp tư nhân lớn như Vietjet, Masan, Novaland, tổng vốn hóa vào khoảng 100.000 tỷ đồng. Ông Linh đánh giá, sức hấp thụ của thị trường, của nhà đầu tư vẫn có, và vì vậy vẫn hấp thụ được.

Bên cạnh đó, cơ hội sẽ đến từ những cổ phiếu riêng lẻ. Đơn cử một số ngành có triển vọng tích cực là tiêu dùng nội địa. Khi làn sóng bảo hộ lan tràn, thì chúng ta cần tập trung thị trường trong nước. Vì vậy những doanh nghiệp sản xuất dựa vào thị trường nội địa, có nền tảng cơ bản, có vị thế tốt trong ngành, sẽ hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài ra, những doanh nghiệp hạ tầng, thu phí BOT cũng là những doanh nghiệp tiềm năng trong năm tới. Khi xây dựng sân bay Long Thành, những doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu xung quanh sẽ được hưởng lợi, ví dụ như các doanh nghiệp làm xi măng, làm đá.

Riêng về thị trường bất động sản, có nhiều ý kiến cho rằng đây có vẻ là kênh ít hấp dẫn và khó sinh lời trong năm 2017. Song ở một góc nhìn khác, 2 năm vừa qua thị trường đã chứng kiến sự thanh lọc, những chủ đầu tư làm ăn không nghiêm túc đã bị thải loại, phần lớn các nhà đầu tư còn lại đều là những nhà đầu tư có khả năng thật sự.

Với cái nhìn lạc quan như vậy, TS. Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng: "2017 vẫn là một năm vàng cho những ai muốn sở hữu bất động sản". Theo bà Dung, trong năm 2017, các chính sách về tín dụng tiêu dùng, đặc biệt với khách hàng mua nhà sẽ tiếp tục có ưu đãi. Nếu kênh này triển khai tốt thì thị trường bất động sản năm 2017 vẫn phát triển thuận lợi.

"Với các dự án tốt, chủ đầu tư tốt, thì chắc chắn thị trường sẽ tiếp nhận. Và khi chứng khoán có sự gia tăng thì dòng tiền từ chứng khoán cũng sẽ chuyển dịch sang bất động sản nhiều hơn", bà Dung nói thêm.