VEPR: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 đạt 6%

Hà Anh

Tại buổi Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ngày 11/10/2016, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt 6% và lạm phát có thể chạm mức 5% như Quốc hội đề ra.

Tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 của VEPR diễn ra tại Hà Nội ngày 11/10/2016. Ảnh: Văn Trường
Tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 của VEPR diễn ra tại Hà Nội ngày 11/10/2016. Ảnh: Văn Trường

Mục tiêu tăng trưởng 6,3% - 6,5% là không khả thi

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, bước sang quý III/2016, kinh tế đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, GDP quý III vẫn đạt mức tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.

Theo Tổng cục Thống kê, nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong trong ngành công nghiệp khai khoáng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, điểm đáng chú ý là vấn đề tính toán lại tốc độ tăng trưởng các khu vực. Sau khi công bố số liệu ước hàng quý, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán đầy đủ và đưa ra số liệu chính thức (tăng trưởng kinh tế quý II đạt 5,78%, điều chỉnh từ mức 5,55% ước tính hồi tháng 6/2016.

Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 9 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng khu vực nông, lâm ngư nghiệp không thay đổi so với ước tính đưa ra hằng năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng khu vực này 9 tháng đầu năm 2011 là 3,95%; 2012: 2,75%; 2013: 2,38%; 2014: 2,94% và 2015 là 2,08%.

Tuy nhiên, tính toán lại tốc độ tăng trưởng từ GDP thực tế (trong các báo cáo cuối quý) khu vực nông, lâm ngư nghiệp lại cho thấy những con số hoàn toàn khác (năm 2014: 2,10%; 2015: -1,27%). Vì vậy, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Tổng cục Thống kê cần minh bạch hơn trong việc công bố số liệu, đặc biệt là số liệu chính thức sau khi đã điều chỉnh.

Báo cáo của VEPR  đưa ra đánh giá, nhìn chung, kinh tế trong nước phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm, nhờ những yếu tố tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, sự hồi phục này là không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Dù Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao và trong kỳ họp Chính phủ tháng 9/2016 đã hạ mức tăng trưởng mục tiêu xuống 6,3 - 6,5%, nhóm nghiên cứu của VEPR cũng lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng.  

Từ những phân tích trên, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy, dù tăng trưởng quý IV có tăng cao hơn quý III, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch lên tới trên 2 điểm phần trăm là cuối năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Do vậy, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6 % cho cả năm 2016.

Lạm phát năm 2016 có thể chạm mức 5%

Theo các chuyên gia của VEPR, tiếp tục xu hướng trong nửa đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đáng kể trong quý II/2016, đặc biệt khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 9/2016. Chỉ riêng trong tháng 9, CPI đã tăng 0,54%, với sự đóng góp lên tới 0,42 điểm phần trăm của nhóm Giáo dục.

So với cùng kỳ năm 2015, lạm phát cuối quý III/2016 đạt 3,34%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 1,85%. Điều này cho thấy rõ, tác động của việc điều chỉnh giá nhóm hàng do nhà nước quản lý tới mức giá chung. Cần chú ý rằng lạm phát cơ bản đo lường sự thay đổi trong mức giá chung của nền kinh tế sau khi đã loại trừ yếu tố năng lượng, lương thực - thực phẩm và các dịch vụ do nhà nước quản lý.

Thêm vào đó, trong quý III, cả hai nhóm dịch vụ y tế và giáo dục đã lần lượt được điều chỉnh. Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 8 và tháng 9/2016 đã khiến CPI hai nhóm này tăng lần lượt 6,2% và 7,7% so với cuối quý II/2016. Theo Nghị định số 16/2015/ND-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ y tế vẫn cần điều chỉnh tiếp để có thể tính đầy  đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định) vào cuối năm 2016.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định, lạm phát cuối năm hoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra. Giá dầu thô và một số mặt hàng năng lượng khác có thể tăng trong những tháng cuối năm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đồng thời, dù có xu hướng suy giảm trong quý III, nhưng giá hàng hóa cơ bản thế giới “vẫn là một ẩn số trong thời gian tới”. Nếu điều này xảy ra thì cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ lên mặt bằng giá trong nước thời gian tới.