Vì sao ngân hàng 'loạn đua' lãi suất?

Theo TBKTSG

Cuộc đua lãi suất chỉ bắt đầu khi Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy thay mặt Chính phủ thông báo định hướng điều hành lãi suất trong thời gian tới là “để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường” vào ngày 4/11/2010.

Ngày 5/11/2010, ngày mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng mức lãi suất cơ bản (LSCB) từ 8%/năm lên 9%/năm, Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) đã họp với các hội viên phía Bắc và thống nhất lãi suất huy động ở mức tối đa 12%/năm trong toàn hệ thống, thời gian hiệu lực của cam kết là từ 8-11-2010.

Ngân hàng thiếu vốn

Đi tìm sự đồng thuận của các hội viên về lãi suất là cách mà HHNH vẫn áp dụng trong thời gian gần đây, từ khi các ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất năm 2008. Ai cũng biết rằng, HHNH không có bất kỳ công cụ nào trong tay ngoài kêu gọi sự đồng thuận của các hội viên và sự kêu gọi này dựa vào tinh thần tự giác chứ không có bất kỳ chế tài nào nếu các thành viên cam kết nhưng không thực hiện.

Tư duy “không đồng ý nhưng cũng giơ tay tán thành” không chỉ ở những cuộc họp vô thưởng vô phạt, mà còn có ở ngay cuộc họp bàn về vấn đề quan trọng nhất của hệ thống tiền tệ. Lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là quy mô nhỏ, khi bước ra khỏi phòng họp mới “sực tỉnh” với bài toán “cơm áo” của đơn vị mình, đó là tình hình thanh khoản đang căng thẳng, là lợi nhuận, tổng tài sản, nguồn vốn huy động theo chỉ tiêu của đại hội đồng cổ đông, rồi chuyện lương thưởng và nhiều vấn đề khác, để rồi vẫn mạnh ai nấy làm. Bản chất của vấn đề nằm ở sự thiếu hụt vốn, thậm chí khá nghiêm trọng ở nhiều ngân hàng quy mô nhỏ. Thế mới hiểu cam kết cũng có năm bảy kiểu cam kết, lãi suất cũng có năm bảy đường lãi suất.

Nguyên nhân cuộc đua lãi suất

Thực tế là một số ngân hàng nhỏ, do nhu cầu phát triển tín dụng quá nhanh nên đã duy trì mức lãi suất huy động cao hơn mặt bằng chung của thị trường 1-2%/năm trong suốt gần một năm qua. Việc huy động lãi suất cao núp dưới các hình thức khuyến mãi như quà tặng, cào trúng thưởng bằng tiền mặt hay thỏa thuận lãi suất huy động thông qua việc cam kết thanh toán thêm khi khách hàng tất toán đúng hạn.

Thị trường méo mó suốt thời gian qua song không bùng lên thành cuộc đua do các ngân hàng không công khai, thông tin lãi suất huy động thỏa thuận không phổ biến rộng rãi, các ngân hàng nhỏ áp dụng lãi suất huy động thỏa thuận này chiếm chỉ vài phần trăm số dư huy động toàn hệ thống nên tác động đến thị trường không quá lớn.

Cuộc đua lãi suất chỉ bắt đầu khi Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy thay mặt Chính phủ thông báo định hướng điều hành lãi suất trong thời gian tới là “để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường” vào ngày 4-11-2010.

Một ngày sau đó, NHNN nâng LSCB đồng Việt Nam lên 9%/năm, phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ khi GDP cả năm dự kiến chắc chắn sẽ đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Phát pháo lệnh đã nổ, các ngân hàng “lén lút” thỏa thuận lãi suất huy động lâu nay đã công khai biểu lãi suất mới. Sức lan tỏa vô cùng lớn, cuốn cả hệ thống vào một cuộc đua mà đa phần bản thân các ngân hàng đều không mong muốn.

Khi thị trường chứng khoán vẫn lình xình, tảng băng bất động sản vẫn chưa tan, giá vàng đã tăng và đang duy trì ở mức quá cao không mang tính hấp dẫn để đầu tư, đô la Mỹ vẫn tăng giá nhưng lãi suất tiền gửi lại thấp nên tính ra vẫn không lợi bằng tiền đồng, vì vậy việc tăng lãi suất huy động tiền đồng đã có sức tác động lớn.

Thông tư 13/2010/TT-NHNN (Thông tư 13) quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD do NHNN ban hành hồi tháng 5-2010 cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải tăng cường công tác huy động vốn khi quy định tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động chỉ 80%, muốn tăng dư nợ buộc lòng phải tăng nguồn vốn huy động. Thông tư này cũng đưa ra tỷ lệ khả năng chi trả cho ngày hôm sau ở mức 15% mà trước đó Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN (Quyết định 457) không đề cập; yêu cầu các ngân hàng còn phải nắm giữ các giấy tờ có giá (GTCG) có tính thanh khoản cao. Tiền đâu để đáp ứng các yêu cầu này ngoài việc phải tăng cường huy động vốn?

Basel III quy định lộ trình thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2018 với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn 8% (không thay đổi từ Basel I đến Basel III) nhưng có một số thay đổi trong kết cấu vốn. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam lại phải đạt mức tối thiểu 9% trong thời gian hơn sáu tháng kể từ ngày Thông tư 13 ra đời rõ ràng là quá gấp khi so với lộ trình của Basel.

Mặt khác, Thông tư 13 đã nâng hệ số rủi ro quy đổi của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay để đầu tư chứng khoán lên đến 250% so với mức tối đa 150% trước đây (cho vay đầu tư chứng khoán: 150%, bất động sản: 100%) khiến tỷ lệ an toàn vốn tụt xa khi tính theo quy định mới, đơn giản vì đây là những mảng cho vay chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của các TCTD, đặc biệt là dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản.

Để đạt được tỷ lệ an toàn vốn mới, bên cạnh việc cơ cấu lại danh mục dư nợ (không thể thực hiện trong vài tháng) thì hướng gia tăng các tài sản có hệ số rủi ro quy đổi thấp (0-20%) như trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc, tiền gửi liên ngân hàng là con đường bắt buộc của các TCTD. Tiền đâu để đáp ứng các yêu cầu này ngoài việc phải tăng cường huy động vốn từ thị trường dân cư, tổ chức?

Chưa hết, mới đây dự thảo thông tư quy định về hoạt động cho vay và mua, bán có kỳ hạn GTCG giữa các TCTD lại đem đến một nỗi lo nữa về nguồn vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng sẽ càng bó hẹp khi các TCTD không được gửi tiền và nhận tiền gửi lẫn nhau; chỉ được vay, cho vay và mua bán có kỳ hạn GTCG; hơn nữa tỷ lệ vốn huy động tối đa từ thị trường liên ngân hàng sẽ không quá 3 lần vốn tự có của ngân hàng thương mại. Không có con đường nào khác, vốn từ thị trường dân cư, tổ chức là nguồn sống của các TCTD hôm nay và cho sự tồn tại của ngày mai.

Cuộc đua lãi suất khi hội tụ những yếu tố như thế, xem ra đã có điều kiện cần và đủ.

Điều hành lãi suất phải dùng luật

Ngày 8-12-2010, thị trường chứng kiến kỷ lục mới về lãi suất huy động công khai lên đến 17%/năm từ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), phá vỡ đồng thuận trước đó. Ngay lập tức, Techcombank bị NHNN cảnh báo, kiểm tra và Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM yêu cầu Tổng giám đốc Techcombank cách chức một giám đốc chi nhánh của ngân hàng này do không nghe lời cảnh báo và không hợp tác với đoàn kiểm tra.

Hành động của NHNN là cần thiết trước những yếu tố có thể phá vỡ sự an toàn hệ thống, nhưng không phải ai cũng đồng tình với sự can thiệp quá sâu của NHNN vào hoạt động của các TCTD. Dẫu Luật NHNN hiện hành (1997) và Luật NHNN 2010 (sắp có hiệu lực) cho phép sự can thiệp của NHNN trong những trường hợp cần thiết, nhưng rõ ràng hành động vừa qua của NHNN chỉ khiến các ngân hàng sợ chứ không phục, và không giải quyết được bản chất của vấn đề.

Lãi suất vượt rào công khai ở một ngân hàng thuộc nhóm trên như Techcombank là giọt nước làm tràn ly. Ngày 14-12-2010, NHNN triệu tập các hội viên của HHNH về Hà Nội để đi đến một đồng thuận nữa, lãi suất huy động lần này được đưa về mức tối đa 14%/năm bao gồm tất cả các hình thức khuyến mãi và thể hiện trong văn bản 9779/NHNN-CSTT của NHNN. Không còn kêu gọi mà thay vào đó là một văn bản điều hành của NHNN. Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN không dùng luật mà lại cứ ép các TCTD “đồng thuận” và còn đâu là quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh?

Tại sao NHNN vẫn cứ dùng các biện pháp hành chính để điều hành một thị trường cực kỳ nhạy cảm và là lĩnh vực cam kết hội nhập mạnh nhất khi Việt Nam gia nhập WTO? Trong khi LSCB là công cụ NHNN có trong tay, đi kèm với nó là các loại lãi suất khác đủ khả năng điều tiết thị trường mà lại đúng luật. Điều 476 Bộ luật Dân sự vẫn còn nguyên giá trị áp dụng đối với hệ thống các TCTD sao NHNN không sử dụng?

Phải chăng NHNN chỉ muốn giải quyết lãi suất huy động một cách nhất thời chứ không muốn nâng lên thành chính sách lâu dài một khi dùng đến LSCB, hay NHNN sợ bị dư luận chê khi quay về với công cụ mà chính NHNN đã hắt hủi, đã nhiều lần đề nghị Quốc hội bãi bỏ và khi soạn dự thảo Luật NHNN mới đã từng “im lặng” bỏ đi?

Điều 12 Luật NHNN 2010 cũng quy định: “Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng...”. Đây không phải là lúc thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, không phải là lúc NHNN cần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia thì còn lúc nào nữa. Bên cạnh đó, Luật các TCTD 2010 cũng có hiệu lực vào ngày 1-1-2011 tới, tại điều 91 đã ghi rõ các TCTD được quyền ấn định lãi suất huy động mà không bị bất cứ sự ràng buộc nào. Như vậy, sau thời điểm này, làm sao đồng thuận lãi suất nữa đây?