Xung đột thương mại Mỹ - Trung không tác động xấu đến kinh tế Việt Nam

Theo Phương Anh/thoidai.com.vn

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng, cho dù tăng trưởng kinh tế thế giới đang có phần chững lại sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á 2019, tăng trưởng ở Việt Nam tiếp tục tăng ở tiêu dùng cá nhân, công nghiệp chế biến, nguồn vốn FDI, môi trường kinh doanh nhờ cải cách và đầu tư tư nhân. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là nền tảng mở rộng thương mại trong thời gian sắp tới.

Nhìn lại tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Minh Cường, tác giả chính chương viết về Việt Nam, đã ghi nhận những nỗ lực và thành quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

11 năm qua, Việt Nam tăng trưởng mạnh kỷ lục với tốc độ 7.08%, đà tăng trưởng cũng được duy trì trong quý I/2019. Cán cân thương mại cân bằng, nguồn lực tăng trưởng đồng đều cả về cung và cầu.

Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4% nhờ các biện pháp của Chính phủ, đặc biệt phải kể đến là kiểm soát nguồn tín dụng. Sức ép lên đồng nội tệ giảm do FED không tăng lãi suất. Các nhà đầu tư phần nhiều tập trung vào các lĩnh vực hạn chế rủi ro. Tăng trưởng giảm nhẹ nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á.

Báo cáo cũng dự báo kịch bản của chiến tranh thương mại theo 3 chiều hướng, nhưng cho dù theo hướng nào, xuất khẩu Việt Nam có thể tăng trong khoảng từ 5 đến 7%, hưởng lợi 2% GDP. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ không thể hiện ngay trong ngắn hạn. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm tốc khiến tác động chuyển hướng thương mại giảm. Suy thoái toàn cầu mang tính chu kỳ kết hợp với xung đột thương mại kéo dài sẽ mang đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế của Việt Nam.

Đối mặt với các khó khăn, thách thức tương lai, ADB khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ nâng cao trình độ, năng lực của người lao động mà còn của các cấp quản lý.