Người gửi tiền cần làm gì để được bảo hiểm tiền gửi?

BBT.

Gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng (TCTD) là kênh đầu tư được người dân ưu tiên lựa chọn hơn cả vì tính an toàn, tiện lợi và bền vững. Tuy nhiên, nếu không may, TCTD nơi người gửi tiền bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả, người gửi tiền sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? Nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và các văn bản khác có liên quan.

Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản khác có liên quan.
Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản khác có liên quan.

Khi nào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm?

Điều 22 Luật BHTG, quy định: “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”.

Trong trường hợp chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, để nhận tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm tiền gửi cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Theo Điều 8 Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định 807/QĐ-BHTG ngày 19/10/2016 của Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam, khi nhận tiền bảo hiểm, người được BHTG phải có các giấy tờ hợp pháp, hợp lệ sau:

(1) Bản chính giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG (sổ tiền gửi) còn nguyên vẹn, rõ ràng, không bị rách nát, chắp vá, không có dấu hiệu tẩy xóa hoặc giả mạo, cụ thể:

- Trường hợp gửi tiền tiết kiệm, người được BHTG phải xuất trình thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm;

- Trường hợp mua giấy tờ có giá do tổ chức tham gia BHTG phát hành, người được BHTG phải xuất trình chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu;

- Trường hợp gửi tiền dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi khác: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tiền gửi được bảo hiểm phải do tổ chức tham gia BHTG cấp.

- Trong trường hợp đã cầm cố thẻ tiết kiệm hoặc giấy tờ có giá khác do Tổ chức tham gia BHTG phát hành: xuất trình bản gốc hợp đồng cầm cố thẻ tiết kiệm hoặc giấy tờ có giá.

(2) Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân) hoặc hộ chiếu còn thời hạn hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp không có giấy tờ tùy thân phải có xác nhận bằng văn bản (có ảnh đóng dấu giáp lai) của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

(3) Giấy đề nghị nhận tiền bảo hiểm (ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định của BHTG Việt Nam; ký tên, nếu không biết chữ thì có thể đề nghị người khác viết hộ, sau đó điểm chỉ).

(4) Trường hợp sổ tiền gửi thuộc sở hữu chung thì người nhận tiền bảo hiểm phải có thêm văn bản thỏa thuận hợp pháp về việc phân chia số tiền bảo hiểm của các đồng chủ sở hữu hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc phân chia số tiền bảo hiểm.

(5) Trường hợp ủy quyền cho người khác nhận tiền bảo hiểm thì người được ủy quyền cần có giấy tờ tùy thân theo quy định, văn bản ủy quyền hợp pháp của người được BHTG và sổ tiền gửi của người được BHTG.

(6) Trường hợp người thừa kế và các trường hợp khác, ngoài xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG và giấy tờ tùy thân còn cần xuất trình các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.