Nhật Bản: Anh có thể gia nhập CPTPP trong năm nay

Theo H.Hà/dangcongsan.vn

Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết, các thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể đồng ý cho phép Anh gia nhập CPTPP trong năm nay.

Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Daishiro Yamagiwa (phải) tại cuộc họp cấp Bộ trưởng về CPTPP ở Singapore. Ảnh: Kyodo
Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Daishiro Yamagiwa (phải) tại cuộc họp cấp Bộ trưởng về CPTPP ở Singapore. Ảnh: Kyodo

Sau cuộc họp cấp Bộ trưởng về CPTPP ở Singapore ngày 8/10, ông Daishiro Yamagiwa cho biết, dựa trên quan điểm của một số thành viên, ông tin rằng một thỏa thuận cơ bản có thể đạt được trong năm nay. Cũng theo Bộ trưởng Daishiro Yamagiwa, việc quốc gia châu Âu này tham gia CPTPP sẽ được coi là hình mẫu cho nền kinh tế muốn gia nhập Hiệp định trong tương lai.

Ông Yamagiwa nhận định, quá trình Anh gia nhập CPTPP có thể trở thành "một tiền lệ tốt" trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về các quy tắc thương mại và tính minh bạch. Nhật Bản hiện là chủ tịch của nhóm công tác phụ trách việc xem xét tư cách thành viên chính thức của Anh.

Trước đó, ngày 1/2/2021, tại cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand, cựu Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã đưa ra lời đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP vào đúng dịp kỷ niệm tròn 1 năm kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, với đề nghị trên, Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này. 

Anh đã tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới kể từ khi rời EU. Với CPTPP,  Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP. 

Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% GDP toàn cầu.

Trước khi được 11 quốc gia thành viên ký vào năm 2018, CPTPP được biết với tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, song cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017.

Tháng 9/2021, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại nước này, ông Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã đệ đơn xin gia nhập CPTPP tới Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O'Connor.

Việc gia nhập CPTPP sẽ là một động lực lớn đối với Trung Quốc sau khi nước này ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia. Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối.

Ngay sau đó, Đài Loan (Trung Quốc), Ecuador và Costa Rica cũng đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP. Mới đây, một số nước khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia cũng bày tỏ mong muốn tham gia Hiệp định này.

Để tham gia Hiệp định CPTPP, các nền kinh tế cần có sự chấp thuận của tất cả 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.