Những vấn đề pháp lý cần lưu ý trong mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên quốc gia ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Đánh giá về hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên quốc gia, làm rõ những vấn đề pháp lý cơ bản, phân tích bối cảnh lịch sử phát triển và thực tiễn hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia tại Việt Nam hiện nay, bài viết đưa ra những lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện loại hình giao dịch này.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên quốc gia ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nguồn: internet
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên quốc gia ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) có mặt ở Việt Nam vào khoảng những năm 1990, đến nay hoạt động này ngày càng được đẩy mạnh và phát triển sôi động. Với chủ trương hội nhập quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tạo ra khuôn khổ pháp lý rộng mở, đem đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư thông qua kênh M&A. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh nghiệm, vốn cũng như năng lực nên sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào hoạt động M&A xuyên quốc gia còn chưa hiệu quả và bị các nhà đầu tư nước ngoài áp đảo về số lượng và quy mô thương vụ. Mặt khác, M&A là hoạt động phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực từ quản trị DN, tài chính cho đến pháp lý… vì vậy, sự thành công của các thương vụ M&A luôn là một bài toán khó và tạo ra những thách thức rất lớn đối với các DN Việt Nam.

Đứng trước bài toán M&A nói chung và M&A xuyên quốc gia nói riêng, các DN Việt Nam không những cần có nền tảng kiến thức sâu sắc về bản chất, mà còn phải hết sức lưu ý các vấn đề pháp lý cơ bản, nhằm thực hiện hiệu quả hơn hoạt động M&A, nâng cao ưu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài.     

Khái quát về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia

Hiện nay, khái niệm M&A được tiếp cận dưới nhiều góc độ và được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Nhìn chung, M&A là những giao dịch liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của DN, từ đó đưa đến những hệ quả pháp lý nhất định. Về bản chất, M&A xuyên quốc gia là một hình thức của M&A nói chung, hiểu một cách khái quát là sự M&A giữa 2 hay nhiều DN thuộc các quốc gia khác nhau. Cụ thể, mua bán DN xuyên quốc gia là giao dịch giữa DN nước ngoài mua lại và DN nội địa bị mua lại. Theo đó, một DN tiến hành mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của DN khác dẫn tới hệ quả DN mua lại có khả năng kiểm soát và chi phối toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của DN bị mua lại; đồng thời, kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp tương ứng với việc mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của DN bị mua lại. Mua bán DN có thể là mua bán “vốn” (mua bán cổ phần hoặc phần vốn góp) hoặc mua bán “tài sản” của DN.

Trong khi đó, sáp nhập DN xuyên quốc gia là giao dịch giữa DN nhận sáp nhập và DN bị sáp nhập có quốc tịch khác nhau, theo đó, một hoặc một số DN chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một DN khác và chấm dứt sự tồn tại của DN bị sáp nhập. DN nhận sáp nhập sẽ kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ và cam kết của DN bị sáp nhập. Với tính chất phức tạp hơn của hoạt động sáp nhập, nên các DN thường tiến hành hoạt động mua bán DN. Khi đó, họ sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi và linh hoạt hơn để “tái cấu trúc” DN bị mua lại.

Trên thực tế, hoạt động M&A xuyên quốc gia được nhìn nhận là một trong 2 hình thức chủ yếu của đầu tư nước ngoài bên cạnh hình thức đầu tư mới. Thông qua hoạt động M&A, các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản gia nhập ngành, hay chính sách pháp luật của các quốc gia khi tham gia đầu tư tại một thị trường mới.

Ngoài những đặc điểm chung của hoạt động M&A, M&A xuyên quốc gia có những đặc điểm riêng nhằm phân biệt với M&A nội địa ở các đặc điểm sau:

Một là, giao dịch M&A xuyên quốc gia thường có sự tham gia của ít nhất một bên là thương nhân nước ngoài đối với các bên còn lại, khác với giao dịch M&A nội địa hoàn toàn diễn ra giữa các DN trong nước.

Hai là, sự chuyển giao về quyền sở hữu tài sản có yếu tố nước ngoài từ bên bán DN/bên bị sáp nhập sang bên mua DN/bên nhận sáp nhập. Theo đó, các DN không đơn thuần thực hiện hành vi mua bán một phần hoặc toàn bộ tài sản của DN mục tiêu; mua bán, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của chủ sở hữu DN mục tiêu. Sự ảnh hưởng của các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này được đặt ra ở mức độ cao hơn, nhiều ràng buộc hơn như các vấn đề giấy phép con, vấn đề lao động, thuế...

Ba là, pháp luật điều chỉnh quan hệ M&A xuyên quốc gia không chỉ gói gọn trong một hệ thống pháp luật quốc gia, mà có thể chịu sự điều chỉnh hay ảnh hưởng bởi các hệ thống pháp luật của quốc gia khác và pháp luật quốc tế liên quan. Một thương vụ M&A xuyên quốc gia ngoài việc được xem xét dựa trên các điều kiện như chủ thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, phần vốn góp, tỷ lệ sở hữu thị phần… như M&A nội địa thì còn phải lưu ý các vấn đề về tiếp cận thị trường theo cam kết giữa các quốc gia, về bảo đảm môi trường đầu tư, bảo vệ các giá trị an ninh quốc gia, cộng đồng...

Bốn là, hợp đồng phát sinh từ quan hệ M&A xuyên quốc gia giữa các bên như hợp đồng mua bán DN, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của thành viên công ty... là những hợp đồng có yếu tố nước ngoài, có tính chất và nội dung phức tạp hơn so với các hợp đồng phát sinh từ quan hệ M&A nội địa.

Tương tự như hoạt động M&A nói chung, căn cứ vào mối quan hệ giữa các DN thực hiện M&A xuyên quốc gia, M&A xuyên quốc gia cũng được thực hiện theo các hình thức: (i) M&A chiều ngang; (ii) M&A chiều dọc; (iii) M&A kết hợp.

Một số vấn đề pháp lý của hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên quốc gia

M&A xuyên quốc gia là hoạt động kinh tế phức tạp và đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay. M&A mặc dù diễn ra sôi động nhưng luôn kéo theo không ít rủi ro, thách thức, đặc biệt là rủi ro về pháp lý. Xem xét các khía cạnh kinh tế - pháp lý có thể gây trở ngại cho các nhà đầu tư khi tiến hành M&A thấy rằng, rủi ro pháp lý là nguyên nhân chính khiến nhiều thương vụ đổ bể hoặc gây ra các tranh chấp sau này.

Những vấn đề pháp lý cần lưu ý trong mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia  - Ảnh 1

Áp lực cạnh tranh trên thương trường; hành lang pháp luật còn nhiều bất cập; Quy định của mỗi quốc gia về M&A lại không giống nhau, nhiều quốc gia còn chưa có sự thống nhất, cụ thể trong việc điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến M&A mà còn mâu thuẫn, thiếu sót, chồng chéo... là những rào cản mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi tham gia M&A xuyên quốc gia. Cụ thể:

Thứ nhất, về điều kiện chủ thể và tiếp cận thị trường khi tham gia M&A. Các quy định về điều kiện chủ thể cũng như điều kiện tiếp cận thị trường trong pháp luật mỗi quốc gia là không giống nhau. Pháp luật của mỗi nước đặt ra những tiêu chí nhất định để xác định nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A hay những hạn chế về ngành nghề đầu tư, về vốn, giá trị cổ phần được phép sở hữu trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần… Ngoài ra, do sự không thống nhất trong quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền có thể áp đặt ý chí chủ quan khi xác định tư cách chủ thể tham gia các giao dịch M&A DN, theo đó áp dụng những điều kiện và hạn chế đầu tư tương ứng.

Thứ hai, về vấn đề liên quan đến pháp luật cạnh tranh. Tập trung kinh tế là hành vi của DN bao gồm hợp nhất, sáp nhập, mua lại, liên doanh và các hành vi khác. Mỗi quốc gia có đặt ra quy định riêng đối với các DN tham gia tập trung kinh tế sở hữu thị phần kết hợp ở một hạn mức nhất định tương ứng với các nghĩa vụ nhất định; đồng thời, cấm hành vi tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp của các DN tham gia ở một hạn mức được cho là “đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường”.

Như vậy, những rủi ro cần lưu ý liên quan đến khía cạnh luật cạnh tranh bao gồm việc xác định quy mô thị trường (căn cứ trên nhiều yếu tố, trong đó bao gồm yếu tố thị trường địa lý liên quan và thị trường sản phẩm liên quan) và liệu thị phần của một DN nước ngoài có được thông qua nhà phân phối nội địa khi xác định thị trường liên quan.

Thứ ba, về tình trạng pháp lý khởi đầu. Ở giai đoạn đầu của một thương vụ M&A trong thương mại quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài dễ nhìn nhận sai lầm đối với tình trạnh pháp lý khởi đầu của công ty mục tiêu, do sự khác biệt về văn hóa công ty, rào cản chính sách – pháp luật, động cơ kinh tế che giấu giữa các DN khi tham gia M&A. Để tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và rủi ro nhà đầu tư cần tìm hiểu và phát hiện những trường hợp công ty mục tiêu không thỏa mãn những điều kiện cơ bản để thương vụ được tiếp tục.

Thứ tư, việc thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đối với cơ quan có thẩm quyền. Một giao dịch M&A đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật trên nhiều khía cạnh, do đó pháp luật các nước đặc biệt lưu ý các thủ tục về quản lý ngoại hối để kiểm soát việc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc góp vốn, mua bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp trong công ty nội địa, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, mua ngoại tệ để chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan.

Ngoài ra, việc thay đổi cơ cấu của một DN cũng được xem xét dựa trên thủ tục do pháp luật về DN của quốc gia đó quy định và rất có thể có sự sai khác so với pháp luật của quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch. Sau khi hoàn tất các thủ tục để kết thúc thương vụ, nhà đầu tư cần thực hiện một số thủ tục “hậu M&A” khác.

Thực tiễn hoạt động M&A doanh nghiệp xuyên quốc gia tại Việt Nam

Quá trình phát triển hoạt động M&A và pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này ở Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn sau:

- Giai đoạn từ 1986 đến trước 2005: Đây là giai đoạn sơ khai của M&A tại Việt Nam với thực tiễn ghi nhận rất ít thương vụ, trong khi còn thiếu khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này. Theo đó chủ yếu là các công ty nước ngoài thâu tóm DN thông qua liên doanh, liên kết (tiêu biểu là thương vụ Unilever mua hãng kem đánh răng P/S và Colgate Palmolive thôn tính kem đánh răng Dạ Lan).

- Giai đoạn từ 2005 - 2013: Là giai đoạn hình thành thị trường M&A tại Việt Nam với một làn sóng khá mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Giai đoạn này đánh dấu cột mốc quan trọng với sự ra đời và có hiệu lực của các văn bản pháp lý quan trọng như: Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật DN năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006… Những văn bản pháp lý này đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán, chuyển nhượng vốn góp. Trên cơ sở đó,  hoạt động M&A chính thức trở thành kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi liên tục chứng kiến các thương vụ M&A giữa các công ty nước ngoài và công ty trong nước. Chỉ tính riêng các tập đoàn Nhật Bản trong giai đoạn 2011 - 2013 đã đóng góp đến 2,5 tỷ USD vào M&A Việt Nam, đặc biệt trong 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng.

- Giai đoạn từ 2014 đến nay: Năm 2014, chứng kiến sự phục hồi của M&A sau khi sụt giảm hơn 50% giá trị vào năm 2013 và từng bước tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tiếp theo. Khung pháp lý cho hoạt động này tiếp tục được cải thiện thông qua việc sửa đổi một số luật như: Luật Đầu tư năm 2014, Luật DN năm 2014, cùng với đó là việc ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, góp phần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các DN nội.

Năm 2014, Việt Nam ghi nhận 313 thương vụ M&A với giá trị 4,2 tỷ USD; năm 2015 có 341 thương vụ với giá trị 5,2 tỷ USD; năm 2016 có 611 thương vụ với giá trị 5,8 tỷ USD. Những thương vụ tiêu biểu có thể kể đến như: Tập đoàn TCC mua lại hệ thống Siêu thị Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD; Tập đoàn Central Group mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD và thông qua công ty con Power Buy mua 49% cổ phần Công ty NKT - Sở hữu Siêu thị Nguyễn Kim. Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng khá sôi động, chẳng hạn như: Asset cùng AON, BGN mua Keangnam Landmark với giá trị 723,82 triệu USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường M&A tại Việt Nam đang diễn ra sôi động và trở thành hình thức đầu tư nước ngoài quan trọng nhất. Số liệu thống kê cho thấy, những thương vụ M&A thông qua dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A đối với các DN nội địa tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch so với những thương vụ M&A nội địa.

Trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, M&A đối với các DN nội địa chiếm tới 75% tổng giá trị các thương vụ M&A. Tính đến hết năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 9,89 tỷ USD thông qua hoạt động M&A, tăng 59,89% so với năm 2017, chiếm 27,78% vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và mua cổ phần; chiếm 51,78% vốn thực hiện. Sở dĩ hoạt động M&A tăng mạnh một phần do Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, mặt khác, do nhiều DN trong nước có đủ tiềm lực, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, sự kiện toàn pháp luật về đầu tư, pháp luật về DN đã đem lại cơ hội rộng mở hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục…

Những lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Với xu hướng sử dụng M&A như một công cụ hữu hiệu giúp các DN thâm nhập thị trường mới trên thế giới hiện nay, các DN nội địa sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều thương vụ M&A xuyên quốc gia hơn trên chính thị trường của Việt Nam. Do vậy, để phòng ngừa và hạn chế tối đa rủi ro pháp lý, DN Việt Nam nên lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xem xét kỹ điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật đầu tư. Theo Luật Đầu tư năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế trừ các trường hợp theo pháp luật về chứng khoán, pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi DN nhà nước, pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Vì vậy, trước khi tham gia M&A, DN cần xem xét lĩnh vực dự định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A để tiến hành rà soát hướng dẫn của luật chuyên ngành trong lĩnh vực đó, từ đó đưa ra mức tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần hợp lý. Liên quan đến giao dịch M&A, Luật Đầu tư năm 2014 quy định cụ thể các hình thức nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gồm góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Trong trường hợp này, DN cần lưu ý nhà đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà chỉ thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư. Đồng thời, cần xem xét các trường hợp thực hiện thủ tục hậu M&A với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, thẩm định chi tiết pháp lý liên quan đến các vấn đề kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh. Về mặt lý thuyết, M&A là một hình thức tập trung kinh tế có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, triệt tiêu cạnh tranh và gây ra hiện tượng độc quyền trên thị trường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội, vì vậy cần có sự điều chỉnh của pháp luật.

So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2018 không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các DN tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan, mà thay vào đó chỉ quy định cấm DN thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Tuy nhiên, DN phải xác định thị phần của mình và dự tính thị phần kết hợp nếu thực hiện M&A và đặc biệt chủ động tự đánh giá quy mô DN của mình và DN mục tiêu. Ngoài ra, dựa trên các tiêu chí mà pháp luật đặt ra để xem xét nhóm tập trung kinh tế cần kiểm soát, DN cần lưu ý để thực hiện thông báo tập trung kinh tế theo quy định gồm: (i) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của DN tham gia tập trung kinh tế; (ii) Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của DN tham gia tập trung kinh tế; (iii) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; (iv) Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của DN tham gia tập trung kinh tế.

Thứ ba, thẩm định tình trạng pháp lý của các bên tham gia giao dịch. Trong giao dịch M&A, đây là công đoạn quan trọng nhằm tạo ra căn cứ đưa ra kết luận về tính hợp pháp của các quyền và nghĩa vụ pháp lý DN mục tiêu đã xác lập. Theo đó, DN cần xác định quan hệ pháp lý nội bộ của các cổ đông, thành viên DN, chủ sở hữu tài sản, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hồ sơ dự án, quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng đối với người lao động… từ đó có giải pháp hạn chế rủi ro và đưa ra quyết định M&A phù hợp.

Cụ thể, thẩm định tổng thể hồ sơ và các sự kiện pháp lý nhằm nhận diện tính hợp pháp, việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hình thành và phát triển của các bên. Trên cơ sở điều lệ, các thoả thuận của các cổ đông, kết cấu tổ chức hoạt động của DN, chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý điều hành và các thoả thuận liên doanh, liên kết… để đưa ra kết luận về tính hợp pháp của DN mục tiêu.

Cùng với đó, xem xét đầy đủ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai nộp thuế, sử dụng con dấu, tư cách và tính hợp pháp của các giao dịch do người đại diện pháp luật thực hiện kể cả của các công ty con, đơn vị trực thuộc cũng như các yêu cầu tuân thủ trong quá trình hoạt động của DN, các giao dịch dân sự với các bên thứ ba, yêu cầu đáp ứng các điều kiện kinh doanh cũng như tính hợp pháp của việc hình thành các cơ quan quản lý nội bộ DN.

Thứ tư, xem xét, điều chỉnh và soạn thảo bằng văn bản tất cả các thỏa thuận quan trọng. Do tính chất phức tạp của hoạt động M&A và yếu tố quốc tế của M&A xuyên quốc gia, DN cần phải lưu ý đến hình thức của các hợp đồng giữa các bên nhằm có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp nếu có trong tương lai. Các hợp đồng quan trọng cần xem xét như hợp đồng mua tài sản, hợp đồng tín dụng, các cam kết vay ngân hàng, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản công ty, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể... Đồng thời, soạn thảo chi tiết các hợp đồng trong giao dịch M&A như thỏa thuận độc quyền và bảo mật, hợp đồng M&A (Hợp đồng mua bán DN, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp)…

Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và quy luật cạnh tranh, đào thải tất yếu của nền kinh tế thị trường, mua bán và sáp nhập DN xuyên quốc gia trên thực tiễn thị trường Việt Nam không còn là vấn đề quá mới mẻ. Tuy nhiên, do những khoảng trống pháp lý trong nước cùng sự hạn chế trong nhận thức của các DN nên môi trường M&A tại Việt Nam vẫn cần được tiếp tục quan tâm, định hướng phát triển một cách lành mạnh hơn nữa, nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên tham gia tuân thủ theo quy định của pháp luật. Để đạt được mục tiêu này, việc đặt ra yêu cầu nghiên cứu về M&A xuyên quốc gia và hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia hiệu quả M&A trong môi trường thương mại quốc tế thông qua các khuyến nghị và lưu ý là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về lý luận khoa học mà còn có giá trị thực tiễn lâu dài.    

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin (dành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2015, tr.313 – 315;

2. Nguyễn Hồng Hiệp - Khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng), Thực trạng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp tháng  5/2018, tr.84;

3. Phạm Văn Nam (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), Lựa chọn hình thức đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/lua-chon-hinh-thuc-dau-tu-cho-cac-doanh-nghiep-viet-nam-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-26706.htm;

4. Nguyễn Hồng Hiệp - Khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng), Thực trạng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp tháng 05/2018, tr.84 – 85;

5. Nguyễn Mại, Thu hút FDI năm 2018 - Triển vọng năm 2019, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 04/2019.