Ông Trương Gia Bình “tiết lộ” bí quyết tăng trưởng liên tục của FPT

Tuấn Thủy

“Tuệ - Bán - Xe - Số - Xanh” là chiến lược kinh doanh của Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), giúp công ty tăng trưởng 2 con số, đạt doanh thu 52.618 tỷ đồng và lợi nhuận 9.203 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông FPT thường niên 2024.
Đại hội đồng cổ đông FPT thường niên 2024.

Ngày 10/04/2023, Công ty cổ phần FPT đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như chiến lược giai đoạn 2024-2026, kế hoạch 2024; phương án sử dụng lợi nhuận 2023 và chính sách chi trả cổ tức năm 2024….

Theo đó, năm 2024, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 17,5% về doanh thu và 18,2% về lợi nhuận trước thuế. Về chính sách chi trả cổ tức, năm 2024, FPT dự kiến chia cổ tức 20% bằng tiền mặt, trong đó 10% đã trả trong năm 2023 và sẽ trả 10% còn lại vào quý II/2024; chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được thêm 3 cổ phiếu mới (tỷ lệ 20:3).

Nhìn lại chặng đường năm 2023, ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FPT cho biết, trong khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, FPT đạt được những con số rất đáng khích lệ, với doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận 9.203 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ; Doanh thu phần mềm cán mốc 1 tỷ USD, mở mới 5 văn phòng nước ngoài và thực hiện 04 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) và đầu tư chiến lược vào các công ty công nghệ tại Mỹ, Nhật Bản.

Chia sẻ tại Đại hội về những thành quả đạt được, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn Nhật Bản đang hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khóa trọng yếu: Trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và tài chính xanh, được nói một cách dễ nhớ là: “Tuệ - Bán - Xe - Số - Xanh”.

“5 từ khóa này đã quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua và tiếp tục xác định trong 1/4  thế kỷ còn lại”, Chủ tịch FPT nhận định.

Theo ông Bình, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, Việt Nam được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới chọn đầu tư nhờ 5 từ khóa trên Việt Nam được chọn.

“Thế giới chọn rồi, có làm được không là tùy vào Việt Nam. Đối với FPT, cách này hay cách khác đã trở thành niềm hy vọng quốc gia về công nghệ”, ông Bình nói.

Lý giải về nguyên nhân Việt Nam được nhiều tập đoàn quốc gia lớn chọn, ông Bình cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra là cơ hội cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, FPT đã tập trung đầu tư, phát triển trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Về trí tuệ nhân tạo, chủ tịch FPT cho hay, Tập đoàn đã tiến hành những đề án trọng yếu, lập trình hóa tự động và đạt được nhiều thành tự quan trọng. Việt Nam có tương lai sáng vì có 100 triệu người - tài nguyên dữ liệu số rất lớn, trong đó, có hơn một triệu kỹ sư công nghệ thông tin, nửa triệu kỹ sư phần mềm. Trong khi đó, hạ tầng của Việt Nam cũng không thua kém các nước trong khu vực.

“Chúng ta có cái riêng của mình - FPT Gen AI để thu tiền theo cách riêng của mình. FPT sẽ đưa AI vào tất cả các sản phẩm, dịch vụ. Chúng tôi có hàng vạn người làm lập trình, cũng nghiên cứu để máy tính lập trình thay con người”, ông Bình chia sẻ. 

Đối với ngành Bán dẫn, hiện nay FPT đã mở lớp đào tạo đầu tiên, phối hợp với các đối tác nước ngoài mở lớp Tresemi (Cây tre + bán dẫn), có khoảng 120 học viên. Tất cả đều sẵn sàng tham dự vào sự nghiệp bán dẫn cho Đất nước. 

“Chúng tôi sẽ liên tục mở thêm lớp đào tạo về bán dẫn. Nếu như 25 năm trước, Việt Nam nỗ lực trở thành quốc gia số 2 về xuất khẩu phần mềm, chỉ sau Ấn Độ, thì bây giờ, chúng tôi sẽ làm lại và làm hay hơn nữa. Việt Nam cứ có 1 triệu người làm bán dẫn sẽ có 1 triệu người làm AI ,vì bán dẫn và AI đi cùng nhau tạo ra con chip thông minh”, lãnh đạo FPT cho biết.

Nói về xe điện, ông Trương Gia Bình cho biết, ngành Ô tô thế giới đang thiếu người vừa hiểu ô tô vừa hiểu phần mềm, biết bảo mật, nhưng FPT may mắn có 4.000 người làm phần mềm ô tô.

Riêng về công nghệ, Việt Nam từng đi sau Ấn Độ 15 năm về làm phần mềm, nhưng FPT đã theo dõi rất sát diễn biến công nghệ, đầu tư và đã tiến bộ rất nhanh.

Về chuyển đổi xanh, theo ông Bình, muốn phát triển nhanh, chỉ có cách đi tiên phong. FPT đã tư vấn cho các tập đoàn làm thế nào để trở nên xanh, phát triển các giải pháp phần mềm phục vụ công ty kế toán xanh, kế toán carbon.