Ðòn bẩy kích thích phục hồi kinh tế

Theo Phong Phú/Báo Cà Mau

Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ được khích lệ duy trì hoạt động thu mua hải sản tại Cảng cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ được khích lệ duy trì hoạt động thu mua hải sản tại Cảng cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.

Ðể kịp thời phục hồi kinh tế, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đồng thời triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Nghị quyết như một cú hích, vực dậy nền kinh tế trên tinh thần chủ động thích ứng và phát triển bền vững.

Mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm duy trì tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm. Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Hiện nay, Cà Mau đã và đang hiện thực hoá Nghị quyết 11 bằng nhiều giải pháp thực tiễn.

Chính sách giảm thuế

Ðể phục hồi và phát triển KT-XH, nhất là phát triển kinh tế, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp với nhiều đối tượng được hỗ trợ, bao gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu tập trung trong 2 năm (2022-2023). Một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tuỳ theo tình hình dịch bệnh.

Tỉnh Cà Mau đề ra giải pháp, Kế hoạch số 38/KH-UBND, để thực hiện kỳ quyết nhằm hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết. Theo đó, các nhóm hàng hoá đang áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 10% được giảm 2% (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi xuất hoá đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu trừ dịch vụ: viễn thông; CNTT, hoạt động tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản...

Tính vào chi phí trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi tài trợ, ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho kỳ tính thuế năm 2022.

Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm phải ngừng sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hay lắp ráp trong nước theo Nghị định 102/2021. Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Hỗ trợ lãi suất vay

Một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất - kinh doanh phấn khởi đón nhận chính là vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ được tăng cường cho nền kinh tế và giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn từ việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022-2023), thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong lĩnh vực hàng không, vận tải, kho bãi; dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo... cho vay cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê, mua...

Song song đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay và giữ nguyên món nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ưu đãi này được áp dụng cho các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như nêu trên nhưng phải xác định có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cà Mau cũng đề ra giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ðẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cũng như Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 22/2/2022 của UBND tỉnh Cà Mau trước hết đã tạo lòng tin, sự phấn khởi trong cộng đồng các doanh nghiệp, người lao động, tạo nên những động lực to lớn cho phát triển KT-XH.

Ðây là một điểm tựa vững chắc, là đòn bẩy đưa KT-XH tỉnh nhà vượt qua khó khăn; duy trì mức tăng trưởng và ổn định sinh kế, biến khó khăn trở thành cơ hội, kích thích kinh kế thích ứng linh hoạt.

Tính đến ngày 31/12/2021, Cà Mau đã thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 253.376 người, số tiền 301,526 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ 228.484 người, số tiền 264,611 tỷ đồng, đạt 90,18%/tổng số người được duyệt.

Thực hiện Quyết định số 1013/QÐ-LÐTBXH ngày 8/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 đã thực hiện hỗ trợ 51 trẻ, số tiền 211.000.000 đồng. Hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau bằng tiền mặt trên 37,9 tỷ đồng, vật chất quy ra tiền trên 25,5 tỷ đồng.