Phát huy tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đức Trung

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì lợi nhuận, mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. Điều này đã được minh chứng trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, BHXH tự nguyện ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều người.

Đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã chiếm 2,1%, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW
Đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã chiếm 2,1%, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW

Ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực

Ra đời từ năm 2008, đến nay BHXH tự nguyện đã đi vào cuộc sống và đạt nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, khi Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH được thực thi, BHXH tự nguyện đã được tiếp thêm động lực để phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm tựa cho người dân.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu, đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã chiếm 2,1%, đạt 1,128 triệu người lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, số người tham gia BHXH tự nguyện đã vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng hết sức nặng nề đến mọi mặt đời sông kinh tế-xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 9/2021, toàn ngành BHXH đã phát triển được gần 15 triệu người tham gia BHXH; Trong đó, BHXH tự nguyện có hơn 1,18 triệu người tham gia.

“Điểm tựa” vững chắc

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì lợi nhuận, mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già.

Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Theo BHXH Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng). Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.

Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ.

Đặc biệt, từ ngày 01/01/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Nhà nước bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định.

Không ngừng nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện

Để đạt được kết quả tích cực trên, trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Công tác truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng ngày càng được BHXH Việt Nam đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với đó, việc thực hiện chi trả chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện kịp thời, phương thức chi trả được đổi mới theo hướng phục vụ, bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn mang đến sự thuận lợi nhất cho người tham gia. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BHXH tại các địa phương đã triển khai những giải pháp linh hoạt, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để người dân nhận thức rõ đây là chính sách nhân văn, ưu việt và tự nguyện tham gia.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam Tăng cường sự phối hợp vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, ngân sách của địa phương hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức đóng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đây được coi là chính sách quan trọng nhằm vận động, hỗ trợ người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thành chỉ tiêu được giao, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân.

Song song với đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng xã, phường, đại lý thu. Rà soát, phân loại và có số liệu chi tiết theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập... để tuyên truyền có hiệu quả.

Đồng thời, BHXH Việt Nam luôn chú trọng đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ đại lý thu; giao số chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý.

Có thể thấy, BHXH tự nguyện là chính sách mang tính ưu việt của Đảng và Nhà nước dành cho lao động khu vực phi chính thức. Với mục tiêu phấn đấu để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động thuộc khu vực phi chính thức đều được tham gia BHXH. Những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, địa phương, ngành BHXH Việt Nam không ngừng nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện, khẳng định vai trò quan trọng trong an sinh xã hội và là "điểm tựa" cho người dân khi về già.