Phát triển kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng: Tiềm năng, thách thức và giải pháp


Phát triển kinh tế biển là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong những năm gần đây, kinh tế biển đã được sự quan tâm sâu sắc của cả nước, cũng như ở các địa phương có biển. Sóc Trăng là một trong 28 tỉnh có biển của Việt Nam, với bờ biển dài 72 km, chiếm 2,21% chiều dài bờ biển của cả nước, là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, những tiềm năng này mới chỉ được triển khai và khai thác bước đầu, chưa mang lại hiệu quả cao. Bài viết này  phân tích những tiềm năng, thách thức phát triển kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá để khai thác đạt hiệu quả cao hơn những tiềm năng của Tỉnh.

Đặt vấn đề

Khai thác tiềm năng biển, đảo, là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và không có biển. Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạng kiệt, các quốc gia ngày càng quan tâm tới biển.

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích đất tự nhiên là 331.118 ha, chiếm 1% diện tích tự nhiên của cả nước và chiếm 8,3% diện tích của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt đổ ra biển Đông bằng 3 cửa sông chính là: cửa Định An, cửa Trần Đề và cửa Mỹ Thanh, có bờ biển dài 72 km, chiếm 2,21% chiều dài bờ biển của cả nước.

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam Sông Hậu, là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển. Trong những năm qua, chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm để phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách này chưa tạo được môi trường thuận lợi để cho các ngành kinh tế biển của tỉnh phát triển. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể, mang tính chiến lược sâu hơn nhằm để phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết về phát triển kinh tế biển

Phát triển kinh tế: “Phát triển kinh tế là quá trình tăng tiến toàn diện về mọi mặt của nền kinh tế, là quá trình biến đổi cả về lượng và chất của nền kinh tế” [1, tr 24-36]. Cụ thể hơn, phát triển kinh tế là tăng trưởng kinh tế gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ, hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Kinh tế biển: Cho đến nay, việc xác định khái niệm về kinh tế biển vẫn còn là vấn đề chưa được thống nhất. Có nhiều quan điểm khác nhau về kinh tế biển, tuy nhiên theo hướng tiếp cận và cách nhìn nhận riêng phụ thuộc vào giá trị đóng góp của các ngành kinh tế biển đối với mỗi quốc gia [2, tr5-8].

Theo quan điểm của các học giả Trung Quốc: Yang Jinsen (1984) cho rằng, “Kinh tế biển là tổng hợp các hoạt động hàng hải hoặc cho sự phát triển của nguồn tài nguyên biển và đối tượng của hoạt động kinh tế khác nhau”. Các học giả Hoàng Minh Lộ, Dương Kim Thâm và Lương Hải Tân (1990) quan niệm: “Kinh tế biển bao gồm ba loại ngành nghề theo các thời kỳ khác nhau là nghề đánh bắt hải sản, làm muối và vận tải biển là những nghề biển truyền thống; khai thác dầu khí trên biển, nghề nuôi trồng hải sản và du lịch biển là nghề biển mới phát triển; nghề khai thác các nguồn năng lượng có trong biển, các loại tài nguyên khoáng sản ở dưới biển sâu và lợi dụng nước biển là những nghề biển tương lai”. Theo quan điểm này, các học giả đã khái quát tương đối đầy đủ các ngành nghề của kinh tế biển, tuy nhiên, các học giả chưa đề cập đến một số ngành nghề, như: chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển.

Tại Mỹ, theo các học giả Brian Roach, Jonathan Rubin và Charles Moris của Trường Đại học Maine cho rằng: “Kinh tế biển là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển hoặc ven biển bao gồm một số hoạt động như hoạt động khai thác hải sản và vận tải biển, những hoạt động phụ thuộc vào biển”. Một định nghĩa tương tự được Park đề xuất là: “Kinh tế biển là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và cả các hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến biển”. Nói cách khác, kinh tế biển là các hoạt động kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp diễn ra trên biển, khai thác biển để tạo ra hàng hóa và dịch vụ.

Cũng như các nghiên cứu quốc tế, ở Việt Nam, khái niệm kinh tế biển vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau. Theo tác giả Huỳnh Văn Thanh (2002), kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế trên biển với các hoạt động kinh tế trên đất liền, trong đó biển chủ yếu đóng vai trò khai thác nguyên liệu, hoạt động vận tải, hoạt đông du lịch trên biển, còn hầu hết các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến, hậu cần, dịch vụ phục vụ khai thác biển lại nằm trên đât liền. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật trong những thập niên gần đây cho phép con người có thể khai thác, sử dụng nhiều loại tài nguyên thiên nhiên của biển và đại dương [3, tr43].

Theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và hải đảo Việt Nam năm 2010, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nêu: “Kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trên dãi đất liền ven biển, trong đó biển chủ yếu đóng vai trò vùng khai thác nguyên liệu, là môi trường cho các hoạt động vận tải, du lịch biển, còn toàn bộ các hoạt động sản xuất và phục vụ khai thác biển lại nằm trên dải đất liền ven biển. Do vậy, khi nói đến kinh tế biển không thể tách vùng biển với vùng ven biển và ngược lại”. Mặc dù có sự khác nhau về cách tiếp cận, tuy nhiên các khái niệm đều có những điểm chung khi coi kinh tế biển là toàn bộ hoạt động kinh tế liên quan đến biển, phát triển kinh tế biển là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia.

Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng: Kinh tế biển là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trực tiếp trên biển và các hoạt động kinh tế diễn ra trên đất liền nằm trong vùng ven biển.

Phát triển kinh tế biển: Theo tác giả Nguyễn Đình Bình (2017), phát triển kinh tế biển là sự thay đổi phương thức hoạt động, cơ cấu của nền kinh tế trong quá trình khai thác các nguồn lợi từ biển, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào khai thác các tiềm năng của  biển và vùng ven biển, nhằm nâng cao tỷ trọng của các ngành kinh tế biển trong nền kinh tế và góp phần giải quyết việc làm cho xã hội [5, tr19]. Theo tác giả, phát triển kinh tế biển là sự tăng trưởng về mọi mặt của khu vực đó, nó bao gồm sự tăng trưởng về kinh tế của các ngành trong kinh tế biển và đồng thời có sự hoàn chỉnh về mặt cơ cấu, thể chế, chất lượng cuộc sống của người dân nhằm đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.

Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp phân tích - tổng hợp và logic - lịch sử để nghiên cứu phần tổng quan lý thuyết, tổng quan các công trình có liên quan đến phát triển kinh tế biển; phân tích các tài liệu lý thuyết đã được nghiên cứu về kinh tế biển qua các thời kỳ lịch sử để tìm hiểu nguồn gốc phát sinh, quá trình phát triển của kinh tế biển nhằm phát hiện các xu hướng, để xây dựng tổng quan về vấn đề nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phương pháp này dùng để thu thập số liệu, tổng hợp và phân tích số liệu của hiện tượng kinh tế - xã hội, trình bày số liệu và tính toán các đặc trưng của đối tượng nghiên cứu nhằm tìm hiểu bản chất và quy luật vốn có của chúng trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể, phục vụ cho quá trình phân tích, dự báo và ra quyết định.

Những tiềm năng phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là một trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, là tỉnh có chiều dài bờ biển chiếm 2,21% chiều dài bờ biển của cả nước, có nguồn tài nguyên phong phú, với đa dạng hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ, có ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn, với sản lượng khai thác được hàng năm đạt khoảng 400.000 tấn, là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái ven biển, cũng như du lịch biển - đảo. Hệ thống đường giao thông đường thủy và đường bộ của tỉnh dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Vị trí và điều kiện tự nhiên hiện hữu đã tạo cho Sóc Trăng nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phát triển các ngành kinh tế biển.

Tiềm năng du lịch và dịch vụ biển: Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đã tạo cho tỉnh Sóc Trăng tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với lợi thế của vùng biển và du lịch biển. Trong thời gian qua, Sóc Trăng đã tiếp nhận sự đầu tư của hai công ty đầu tư khai thác du lịch Biển - Đảo, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, với tần suất khai thác trung bình từ 3 đến 4 chuyến/ ngày, phục vụ khoảng 1.200 đến 1.500 lượt khách. Theo đó, nếu đi tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, thời gian di chuyển trên biển từ Trần Đề đến Côn Đảo chỉ mất khoảng 1,45 tiếng đồng hồ; trong khi đó nếu du khách đi tàu từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Côn Đảo mất khoảng 6 đến 7 tiếng đồng hồ.

Sóc Trăng còn có những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp đang được kêu gọi đầu tư như: Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, có diện tích 307 ha; Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó đã xây dựng cầu dẫn ra biển phục vụ khách tham quan và đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên diện tích 230 ha; Dự án kêu gọi đầu tư Khu sinh thái rừng ngập mặn ven biển huyện Cù Lao Dung, với diện tích 250 ha. Đồng thời, thị xã Vĩnh Châu còn triển khai, xây dựng các dự án điện gió kết hợp phát triển du lịch. Tỉnh đang tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển du lịch ven biển, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái biển, du lịch cộng đồng.

Các địa phương ven biển của tỉnh Sóc Trăng còn có các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển, như: Lễ hội cúng Phước Biển được tổ chức tại xã biển thị xã Vĩnh Châu. Tại vùng biển Kinh Ba - Trần Đề, từ lâu tồn tại tín ngưỡng tục thờ Cá Ông hay còn gọi là lễ hội Nghinh ông, được tổ chức vào ngày 21/3 âm lịch hàng năm. Các lễ hội biển không ngừng được nâng cấp về quy mô và kéo dài thời gian tổ chức để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm góp phần phát triển du lịch của địa phương [6].

Tiềm năng về kinh tế hàng hải: Sóc Trăng có vị trí địa lý quan trọng trong vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, công nghiệp, năng lượng. Phát huy những lợi thế sẵn có, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư, trong đó có Dự án Cảng biển Trần Đề.

Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 “hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”. Quy hoạch đến năm 2030, khu bến chính ngoài khơi có 7 cầu cảng với chiều dài 2,5 km, tiếp nhận cỡ tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn và khoảng 160 ha kho bãi, cùng 5,6 km đê chắn sóng, 18 km tuyến cầu vượt biển kết nối cảng với bờ. Theo Bộ Giao thông và Vận tải, với những dự án quan trọng đang và sắp triển khai, đặc biệt là khi hình thành cảng biển Trần Đề, Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Xác định được tầm quan trọng của Dự án Cảng biển Trần Đề trong việc phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cần thiết để mời gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa đối với dự án quan trọng này.

Tiềm năng nuôi trồng và khai thác thủy sản: Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2021, diện tích thủy sản các loại đã được thả nuôi trên địa bàn toàn tỉnh là 76.530ha, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 53.000ha; tổng sản lượng tôm sau thu hoạch là 183.194 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD. Trong năm 2022, diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh hơn 79.000ha, trong đó, tôm nước lợ thả nuôi hơn 54.600ha, sản lượng đạt trên 201.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,4 tỷ USD, riêng tôm nước lợ đạt khoảng 1 tỷ USD.

Bên cạnh công tác đảm bảo việc nuôi trồng thủy sản, Sóc Trăng còn đẩy mạnh việc khai thác thủy - hải sản trên biển. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có trên 1.300 chiếc tàu tham gia hoạt động khai thác thủy - hải sản trên biển, với sản lượng khai thác được hằng năm đạt khoảng 200.000 tấn. Việc khai thác thủy - hải sản trên biển của các tàu đánh bắt xa bờ cũng được ngành Nông nghiệp của tỉnh rất quan tâm, nhằm đảm bảo việc khai thác thủy - hải sản một cách hiệu quả, bền vững, đặc biệt là việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tiềm năng về công nghiệp ven biển: Sóc Trăng có mạng lưới giao thông bao phủ toàn tỉnh với các tuyến đường bộ dài khoảng 7.356 km, gồm 5 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 261 km và 17 tuyến đường tỉnh dài 425 km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài trên 6.670 km và trên 3.000 km tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến trên địa bàn tỉnh được bố trí đều khắp tại các huyện, thị xã, thành phố.

Với tiềm năng sẵn có, cùng với hệ thống hạ tầng hiện đại thành hình, trong thời gian tới Sóc Trăng sẽ nhanh chống trở thành nơi đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Ủy nan nhân dân tỉnh đã phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư với mục tiêu thu hút 30 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư, trong đó thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là Khu công nghiệp Mỹ Thanh, quy mô 217 ha; Khu công nghiệp Trần Đề 160 ha, cảng nước sâu Trần Đề. Với môi trường đầu tư thuận lợi, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, hạ tầng giao thông chiến lược được xây dựng, Sóc Trăng sẽ có sự đột phát mạnh mẽ về thu hut đầu tư và phát triển kinh tế [7].

Tiềm năng về năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp mới: Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72 km, vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với trên 50.000 ha. Đây là những địa bàn có thể đầu tư xây dựng những cánh đồng điện gió lớn.

Theo số liệu khảo sát của Tập đoàn ENERCON - đơn vị chuyên về sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu thế giới của Cộng hòa Liên Bang Đức, các vùng ven biển Sóc Trăng rất thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển điện gió. Bờ biển ở đây dài, rộng; sức gió nhiều và mạnh hơn các tỉnh duyên hải trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; điều kiện triển khai xây dựng điện gió cũng dễ dàng. Các chuyên gia tính toán, ở độ cao 60 m, tốc độ gió trung bình là 6,3 m/s. Ở độ cao 120 m tại khu vực bãi bồi ven biển, tốc độ gió đạt trung bình khoảng 8,3m/s.

Với tiềm năng đó, theo số liệu tính toán của nhà đầu tư, Sóc Trăng có thể phát triển nhiều cánh đồng điện gió với tổng công suất 1,55GW nếu huy động được lượng vốn đầu tư khoảng 3 đến 4 tỷ USD.

Bên cạnh phát triển điện gió, tỉnh Sóc Trăng còn có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời, số giờ nắng trong năm tại tỉnh Sóc Trăng khá cao, dao động khoảng từ 2.300 giờ đến 2.480 giờ/năm. Bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 - 5 kwh/m2/ngày. Sóc Trăng dự kiến, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 17 dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp, với tổng công suất 975MWp.

Cùng với đó, Sóc Trăng còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối, nhờ địa phương có rất nhiều nguyên liệu như: bã mía, trấu, rơm rạ, chất thải rắn. Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh giá trị kinh tế, điện sinh khối còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Sóc Trăng còn có tiềm năng về phát triển năng lượng thủy triều, có thể tận dụng triều cường lên - xuống hằng ngày để phát triển năng lượng thủy triều. Đây cũng là một dạng năng lượng có nguồn nhiên liệu vô tận và miễn phí. Loại mô hình này không sản sinh ra chất thải gây hại môi trường và không đòi hỏi sự bảo trì cao và khá ổn định, vì thủy triều trong ngày có thể được dự báo chính xác.

Những thách thức và nguyên nhân phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng

Thách thức

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ; các sản phẩm du lịch đặc thù ít và chưa phong phú, thiếu các khu vui chơi, giải trí để thu hút khách nghỉ qua đêm tại Sóc Trăng; nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch còn hạn chế, các hộ kinh doanh về du lịch hầu chưa được đào tạo chuyên môn về du lịch; công tác xúc tuyến, quảng bá du lịch của tỉnh còn bị động, mô hình, phương thức đã có đổi mới, nhưng hiệu quả chưa cao,...

Thứ hai, lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chưa gắn kết với công tác tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường, chưa tạo được ý thức tốt cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; môi trường sinh thái tại một số vùng nuôi bị xuống cấp; chất lượng, giá cả dịch vụ hậu cần nghề cá thiếu sức cạnh tranh, doanh nghiệp chế biến thủy hải sản quy mô còn nhỏ nên chưa thu hút được tàu cá của các tỉnh đến cập cảng.

Thứ ba, lĩnh vực công nghiệp phát triển còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội hàm ngành công nghiệp còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; năng suất, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Nguyên nhân

Thứ nhất, ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế; những nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho những dự án dịch vụ du lịch còn ít, chưa có nhiều dự án mang tầm cỡ khu vực để tạo điểm nhấn quan trọng và thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh.

Thứ hai, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng, dẫn đến suất đầu tư hạ tầng cao, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư; nhận thức của một số cán bộ và người dân về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thật sự đầy đủ; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển khu công nghiệp, cụm công nhiệp chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, tình hình ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm nuôi; các hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất; ngư dân thiếu vốn cho đầu tư đánh bắt xa bờ.

Một số giải pháp phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng

Một là, về phát triển du lịch: các địa phương có địa bàn trọng điểm phát triển du lịch cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để xây dựng và bảo vệ hình ảnh, uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Sóc Trăng; tăng cường đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm, nhất là các sản phẩm du lịch đã được thị trường tiếp nhận; qua đó, từng bước kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch; phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, khích lệ sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp lữu hành của các tỉnh trong khu vực để kịp thời định hướng nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình liên kết.

Hai là, về kinh tế hàng hải: bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả cảng nước sâu Trần Đề gắn với các dịch vụ hỗ trợ. Định hướng phát triển cảng nước sâu Trần Đề thành cảng biển quốc tế, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề quan trọng để hình thành hệ thống logistics đồng bộ, liên hoàn với cả nước; Phối hợp tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống quốc lộ, các tuyến đường bộ cao tốc, đường thủy nội địa, xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và đẩy mạnh phát triển vận tải nội địa, tham gia vào các chuỗi cung ứng vận tải trong khu vục đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ba là, về nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản: tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy duyệt; Ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng trong khai thác thủy sản, tận dụng các phụ phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư; Đầu tư các công trình hạ tầng về thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển để khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực thủy sản; Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng cá, các khu vực bãi ngang phục vụ khai thác hải sản được hỗ trợ đầu tư đồng bộ, dịch vụ hậu cần nghề cá được nâng cao; Quan tâm việc hỗ trợ hạ tầng và trang thiết bị cho các vùng nuôi trồng thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm tổn thất sau thu hoạch, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn là, về công nghiệp ven biển: tập trung triển khai công tác quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung khu, cụm công nghiệp phù hợp với tình hình của tỉnh. Xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đối với các dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng phát huy các nguồn nội lực; đồng thời, tạo mọi điều kiện để tranh thủ các nguồn vốn từ bên ngoài. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hợp tác phát triển: thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đúng đối tượng để thu hút; tăng cường hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh trong khu vực hướng tới ký kết thỏa thuận hợp tác, xây dựng quy chế phối hợp, các chương trình hợp tác về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để sử dụng hiệu quả nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, phát triển vùng nguyên liệu, liên kết phát triển chuỗi sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các ngành công nghiệp ưu tiên và nhu cầu sử dụng lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Năm là, về phát triển năng lượng tái tạo: Mở rộng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo như: năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều; tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dự án đầu tư khai thác nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi để phát triển ngành công nghiệp năng lượng thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Kết luận

Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược tiến ra biển của các quốc gia ven biển trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sóc Trăng là một trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, kinh tế biển của tỉnh những năm qua đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các ngành nghề kinh tế biển truyền thống như nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, cùng với sự phát triển của các ngành mới như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp mới đang tạo ra những động lực to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong những năm qua chưa phản ánh hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của Sóc Trăng, địa phương cần xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế biển, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn; tranh thủ các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển bền vững kinh tế biển.

Tài liệu tham khảo:

  1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Kinh tế phát triển. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị.
  2. Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ (2020). Tổng luận số 7/2020, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế biển bền vững.
  3. Huỳnh Văn Thanh (2002), giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững và có hiệu quả kinh tế biển thành phố Đà Nẵng, đề tài khoa học cấp thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Đà Nẵng.
  4. Lại Lâm Anh (2014), Phát triển kinh tế biển của Trung Quốc, Malaysia, Singapore và gợi ý chính sách cho Việt Nam. Sách chuyên khảo. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  5. Nguyễn Đình Bình (2017), Giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Phát triển khoa học - Công nghệ, tập 20, số Q2-2017.
  6. UBND tỉnh Sóc Trăng (2022). Quyết định số 1156/QĐ.UBND, ngày 29/4/2022 về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
  7. Ban Chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng (2021). Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 29 tháng 6 năm 2021 về định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030.
  8. UBND tỉnh Sóc Trăng (2020). Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 10/6/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo tapchicongthuong.vn