Sau 5 năm về “siêu ủy ban”, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động thế nào?

Gia Hân

Sau khi được chuyển giao từ các bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định. So với năm 2018, đến nay, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 150 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng.

19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Đất nước.
19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Đất nước.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển ổn định

Sau khi được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ, Ủy ban đã chính thức đi vào hoạt động và nhận chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ các bộ về.

Kể từ khi về “siêu ủy ban”, 19 tập đoàn, tổng công ty không bị gián đoạn; hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hằng năm.

Tổng giá trị vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

So với năm 2018 (bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước). Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng (năm 2021 đạt 217 nghìn 781 tỷ đồng).

Kết quả sản xuất, kinh doanh hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty trong 8 tháng năm 2023 ước đạt tổng doanh thu gần 1,137 triệu tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ; tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm và 133% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt trên 129,4 nghìn tỷ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của bên ngoài, các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực, chủ động, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định chuỗi cung ứng xăng dầu; bảo đảm an ninh năng lượng; gia tăng giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép; nâng cao chất lượng sản phẩm và khối lượng sản xuất các mặt hàng nông lâm nghiệp đáp ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.

Đến năm 2023, ước tính về thị phần trong nước, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 48% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón. Về khối lượng hàng hóa, dịch vụ, các tập đoàn, tổng công ty đã cung cấp cho nền kinh tế 242,7 tỷ kWh điện, 10,84 triệu tấn dầu thô, 8,08 tỷ m3 khí, 42,2 triệu tấn than sạch, 13,76 triệu m3 xăng dầu, 5,78 triệu tấn Alumin, 1,8 triệu tấn ure, 30 nghìn tấn đồng tấm, 4,8 triệu tấn phân bón, 41,6 triệu cây giống...

Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp

Thời gian qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành; cơ cấu lại các đơn vị thành viên, sản phẩm, thị trường, kế hoạch đầu tư, nguồn nhân lực; chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường
Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay, 19/19 tập đoàn, tổng công ty đã trình hoặc báo cáo Ủy ban về Đề án cơ cấu lại. Ủy ban đã thẩm định, xin ý kiến các bộ, cơ quan liên quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đối với Đề án của 19 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có 2 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã đủ hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát để lập báo cáo giám sát gửi Bộ Tài chính, đưa ra các cảnh báo cho doanh nghiệp, kịp thời đưa các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, yếu kém mất vốn vào diện giám sát đặc biệt…, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn kiểm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán tài chính, quyết toán tiền lương, xếp loại doanh nghiệp, trích lập các quỹ, đánh giá xếp loại người đại diện theo đúng quy định.

Đối với các dự án đầu tư lớn, việc cơ cấu lại, bổ sung vốn, tại các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban tiến hành kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ… và việc triển khai; Tiến hành xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn vướng mắc cho nhiều dự án đầu tư, nên các dự án đầu tư tiếp tục được triển khai như dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (06 tập đoàn, tổng công ty và 08 công ty con) với tổng giá trị thu về cho Nhà nước là 23.003 tỷ đồng (thặng dư 8.254 tỷ đồng, gấp 1,56 lần giá trị sổ sách). Quá trình cổ phần hóa đã mang lại những kết quả tích cực cho công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiệu quả hơn, 90% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh cao, vốn điều lệ và nộp ngân sách đều tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình 3 năm sau cổ phần hoá đạt 15,4%, tăng cao so với trung bình 12,4% của giai đoạn trước đó.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Các tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước, trong mô hình Ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều thách thức, đang ảnh hưởng đến tiến độ nhiều kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, trong các cuộc làm việc gần đây của thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sự chậm trễ này cũng đã được nhắc tới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong những năm tiếp theo của Ủy ban để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đó là cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc không được can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.