Siết tín dụng vào bất động sản, thanh khoản thị trường căn hộ TP. Hồ Chí Minh chạm đáy

Theo Khánh Hòa/reatimes.vn

Chính sách kiểm soát tín dụng có hiệu lực từ tháng 7 đã tạo rào cản cho chủ đầu tư huy động vốn, đồng thời gây khó khăn trong việc giải ngân vốn vay cho khách hàng dẫn đến lượng bán và tỷ lệ hấp thụ căn hộ đều giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tin này được Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết tại báo cáo về thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh quý III/2022. Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường căn hộ trong 3 tháng vừa qua gặp nhiều khó khăn do những chính sách về siết tín dụng tư ngân hàng. Khó khăn về dòng tiền được cho là nguyên nhân chính dẫn đến giảm thanh khoản trên thị trường căn hộ, nguồn cung giảm thấp kỷ lục, giá bán chỉ tăng nhẹ 1% và đặc biệt là mức độ hấp thụ lẫn lượng giao dịch đều ghi nhận giảm mạnh.

Cụ thể, chính sách kiểm soát tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay đã phần nào tạo ra rào cản trong việc huy động vốn từ các ngân hàng thương mại, khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn khi triển khai các dự án căn hộ mới. Do đó, nguồn cung căn hộ mới trong Qúy 3 đã giảm 56% theo quý, với khoảng 4.100 căn được chào bán. Trong đó, căn hộ trung cấp chiếm 75% giỏ hàng, các phân khúc khác lần lượt là bình dân 16%, hạng sang 7%, cao cấp 1% và siêu sang 1%. Tập trung chủ yếu ở khu vực phía đông với 76% so với toàn thị trường, nhờ vào các dự án cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện.

Ngoài ra, kiểm soát tín dụng cũng gây khó khăn trong việc giải ngân vốn vay cho khách hàng, dẫn đến lượng bán và tỷ lệ hấp thụ đều giảm trong quý, với 4.150 căn tiêu thụ, giảm 54% so với quý trước. Đặc biệt, nhu cầu thị trường có vẻ chậm lại trong tháng 7 và tháng 8 và bắt đầu phục hồi từ đầu tháng 9.

Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho biết, giá sơ cấp trung bình căn hộ trong quý này đạt khoảng 2.799 USD trên mỗi m2 (tương đương 66.7 triệu đồng), tăng 1% theo quý. Theo ước tính của đơn vị này, nhìn về triển vọng thị trường cuối năm thì dự báo sẽ có hơn 4.100 căn hộ mới được chào bán ra thị trường vào cuối năm nay và khu Đông, khu Nam sẽ dẫn đầu thị trường.

Tuy vậy, thị trường vẫn có nhiều điểm sáng từ kinh tế và nguồn vốn FDI để nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong tương lai. Trong 3 tháng vừa qua, nếu hai dòng vốn quan trọng vào bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu bị hạn chế, thì dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng. Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm.

Bên cạnh đó, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với 9 tháng cùng kỳ năm ngoái (gần 1,8 tỷ USD).

Mặc dù dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu giảm, Việt Nam vẫn nhận được dự báo ngày càng tăng từ các tổ chức trong nước và quốc tế. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong mười năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Lạm phát CPI tại Việt Nam được kiểm soát tốt và tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung, CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng cuối năm vẫn là mối quan tâm lớn.

Ngoài việc điều tiết kinh tế vĩ mô, Chính phủ cũng thúc đẩy cải cách, hoàn thành nhanh chóng một số dự án cơ sở hạ tầng, kiểm soát vốn, thuế chuyển nhượng bất động sản chặt hơn, hạn chế phân lô tách thửa, chú trọng vào nhà ở xã hội,... Sự điều tiết này đã giúp thị trường không hình thành bong bóng trên diện rộng trong thời gian sốt nóng vừa qua và là niềm hi vọng cho tầng lớp thu nhập thấp về việc rút ngắn khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà, đặc biệt ở các thành phố lớn.