Sự gắn kết với công việc của nhân viên kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội

Trần Thị Minh Phương, Nguyễn Thị Hồng - Trường Đại học Lao động - Xã hội

Mục đích của nghiên cứu này nhằm phân tích sự gắn kết với công việc của nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội. Nhóm tác giả sử dụng cả hai phương pháp nghiên cứu bao gồm phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Kết quả cho thấy, nhân viên kinh doanh đánh giá chưa cao sự gắn kết với công việc của mình tại các doanh nghiệp bất động sản. Để đạt được mục tiêu, các nhà quản trị nhân sự cần xây dựng các chính sách về quản trị nguồn nhân lực và đầu tư cho nhân viên kinh doanh nhằm tăng sự gắn kết với công việc của nhân viên kinh doanh. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp những kiến thức sâu sắc giúp các nhà quản trị nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp bất động sản hoàn thiện chính sách quản trị nguồn nhân lực đa dạng hóa và hiệu quả.

Các nhà quản trị nhân sự cần xây dựng các chính sách về quản trị nguồn nhân lực và đầu tư cho nhân viên kinh doanh bất động sản.
Các nhà quản trị nhân sự cần xây dựng các chính sách về quản trị nguồn nhân lực và đầu tư cho nhân viên kinh doanh bất động sản.

Quan điểm về sự gắn kết với công việc của nhân viên

Khái niệm về sự gắn kết trong công việc của nhân viên

Hiện nay, trên thế giới, có một số quan điểm về sự gắn kết với công việc của nhân viên. Kahn (1990) là người tiên phong nghiên cứu về sự gắn kết với công việc, nhân viên gắn kết công việc sẽ dành hết cả tâm trí, hiểu biết và cả về mặt thể chất để thực hiện công việc. Britt (1999; 2003) cho rằng, gắn kết công việc là việc chịu trách nhiệm cá nhân và cam kết thực hiện công việc. Nhân viên có gắn kết với công việc mới tập trung hoàn thành công việc.

Allen và Meyer (1990, 1996) khẳng định, sự gắn kết với công việc của người lao động chính là sự cảm nhận cam kết về tình cảm đối với tổ chức và họ thực hiện hành động để đảm bảo sự thành công của tổ chức, người lao động gắn kết chứng minh sự quan tâm, sự cống hiến, trách nhiệm của sự nhiệt tình và sự tập trung vào kết quả.

Theo Schaufeli và cộng sự (2002), sự gắn kết với công việc là một trạng thái tâm lý tích cực của cá nhân đối với công việc, hoàn thành công việc, liên quan đến công việc mà được đặc trưng bởi sự hăng hái trong công việc, sự cống hiến trong công việc và sự say mê trong công việc. Albrecht và cộng sự (2015) cho rằng, các yếu tố đo lường sự gắn kết công việc bao gồm: (i) Yếu tố hăng hái - tràn đầy năng lượng và dành tâm trí làm việc, sẵn sàng nỗ lực làm việc không ngừng ngay cả khi phải đối mặt với khó khăn; (ii) Yếu tố cống hiến - dành trọn tâm trí vào công việc, cảm thấy công việc có ý nghĩa nhiệt tình, luôn tìm thấy cảm hứng, tự hào và thử thách với công việc; và (iii) Yếu tố đam mê - hoàn toàn tập trung cho công việc và hạnh phúc khi dành hết thời gian cho công việc.

Theo Gallup (2004), mức độ gắn kết với công việc của nhân viên được phân loại gồm ba nhóm như sau:

(i) Nhóm nhân viên gắn kết với công việc: Đây là những người có tinh thần xây dựng. Họ muốn biết kết quả mong đợi trong vai trò của họ để có thể đạt được và gặt hái kết quả vượt trên cả sự mong đợi đó. Họ quan tâm một cách tự nhiên đến công ty và vai trò của họ ở công ty. Hiệu quả làm việc của họ luôn ở mức cao, làm việc với sự đam mê. Họ mong muốn sử dụng tài năng và điểm mạnh của mình vào công việc mỗi ngày. Họ hướng đến sự đổi mới và giúp cho tổ chức phát triển.

(ii) Nhóm nhân viên không gắn kết với công việc: Là những người có xu hướng tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể hơn là những mục tiêu và kết quả mong đợi trong vai trò của họ. Họ muốn được chỉ bảo, hướng dẫn cụ thể những việc cần phải làm, và tập trung vào hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể, chứ không phải việc gặt hái được kết quả mong muốn. Những nhân viên không gắn kết với tổ chức có xu hướng cảm thấy sự đóng góp của mình bị bỏ qua và tiềm năng của mình không được biết đến, bởi vì họ không có mối quan hệ tốt với quản lý và đồng nghiệp của mình.

(iii) Nhóm thứ ba là những nhân viên chủ động không gắn kết với công việc: Đó là những người “ly khai”. Họ hầu như nhất quyết chống đối lại mọi thứ. Họ không chỉ không cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, mà còn luôn thể hiện thái độ không hạnh phúc của mình. Mỗi ngày, nhóm người này đều tìm cách ngầm phá hoại những thành công của những đồng nghiệp gắn kết với công việc.

Vai trò của sự gắn kết với công việc của nhân viên

Sự gắn kết với công việc của nhân viên có vai trò quan trọng đối với tổ chức. Trước tiên, đây là cơ sở sự hình thành ý tưởng cho sự phát triển: Trong thời đại công nghiệp, tài sản vật chất như máy móc, nhà máy, đất đai... quyết định khả năng cạnh tranh của một DN. Trong giai đoạn phát triển kinh tế tri thức toàn cầu hiện nay, nguồn tri thức là những gì quyết định lợi thế cạnh tranh. Việc giữ chân được người lao động đối với tổ chức là rất cần thiết, đặc biệt là người lao động giỏi. Vì đây là lực lượng nòng cốt đảm bảo và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, là lực lượng chính đưa ra những ý tưởng, sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ của DN, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh khác giúp cho DN có thể đứng vững trên thị trường.

Bên cạnh đó, sự gắn kết với công việc của nhân viên là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả hoạt động của DN. Người lao động là nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của từng bộ phận cũng như kết quả hoạt động của toàn DN. Với kỹ năng chuyên môn cao, kỹ năng giải quyết tình huống và sự năng động sáng tạo của mình, họ sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Do đó, nếu người lao động được giao việc phù hợp với năng lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công việc hiệu quả, DN sẽ thu được kết quả khả quan.

Hiện nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu làm rõ nội dung về các yếu tố tác động đến sự gắn kết của nhân viên trong tổ chức. Chẳng hạn nghiên cứu của Ritzer và Trice (1969) chứng minh mối quan hệ tích cực giữa chính sách đãi ngộ và sự gắn kết của nhân viên. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cho thấy hoạch định nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến ảnh hưởng tích cực đến sự gắn kết với tổ chức.

Nghiên cứu của Đoàn Thị Trang Hiền (2012) thực hiện với việc đưa ra mô hình gồm 6 yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn kết của nhân viên: Đặc điểm công việc, cơ hội đào tạo và phát triển, sự trao quyền, tiền lương và sự công bằng, sự khen thưởng và công nhận thành tích, sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp, chuẩn mực của tổ chức. Trong khi đó, nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Ngọc Thụy (2015) lại cho thấy 7 yếu tố tác động đến sự gắn kết của nhân viên với tổ chức, gồm: Lãnh đạo, Lương thưởng - Phúc lợi, Đào tạo và thăng tiến, Đồng nghiệp, Thương hiệu và hoạt động hỗ trợ, Bản chất công việc, Áp lực công việc.

Đặc điểm công việc của nhân viên kinh doanh bất động sản

Hiện nay, có nhiều quan điểm về đặc điểm công việc của nhân viên kinh doanh BĐS, tuy nhiên những nội dung tương đồng của những quan điểm này bao gồm:

- Thời gian làm việc: Nhân viên kinh doanh BĐS với thời gian linh hoạt, có thể làm việc suốt tuần tùy theo yêu cầu của công việc và nhu cầu của khách hàng. Nhân viên kinh doanh cần dành nhiều thời gian để chuẩn bị hợp đồng ký kết với khách hàng, nghiên cứu kĩ về các điều khoản liên quan đến lĩnh vực đang giao dịch.

- Địa điểm làm việc: Địa điểm của làm việc của nhân viên kinh doanh BĐS có thể ở những vị trí cách xa văn phòng làm việc, có thể phải di chuyển trên những quãng đường dài khi đưa khách đi tham quan. Do đó, nhân viên kinh doanh BĐS cần có phương tiện đi lại riêng và đảm bảo an toàn, linh hoạt.

- Mối quan hệ: Trong việc lập dự án, thực hiện công việc đòi hỏi nhân viên kinh doanh BĐS phải thiết lập các mối quan hệ rộng và tốt với nhiều đối tượng khác nhau như chính quyền, ngân hàng, khách hàng. Vì vậy, kỹ năng lập kế hoạch, giao tiếp và đàm phán khá quan trọng trong các mối quan hệ của nhân viên kinh doanh BĐS.

- Kiến thức pháp luật, xã hội, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực làm việc: Công việc kinh doanh đòi hỏi am hiểu các quy định, chính sách pháp luật, am hiểu thị trường, phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm đang giao dịch để hoàn toàn tự tin đưa ra những câu trả lời nhanh và chính xác đối với những câu hỏi của khách hàng.

- Kinh nghiệm, kỹ năng, bằng cấp: Nhân viên kinh doanh BĐS đòi hỏi có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng thương lượng, đàm phán, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng bán hàng, kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng thu thập xử lý thông tin. Hầu hết nhân viên kinh doanh BĐS đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, hoặc đại học, và có chứng chỉ hành nghề. Nhân viên kinh doanh BĐS năng động, siêng năng, kiên nhẫn, cầu thị, ham học hỏi, có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm và đặc biệt là phải có kiến thức khá sâu rộng. Họ thường đặt mình vào vị trí khách hàng, để hiểu rõ các nhu cầu của khách hàng, và biết "làm lợi cho khách hàng”. Tính cách của họ khá dễ chịu, trung thực, với vẻ bên ngoài khá tin cậy. Ngoài ra, họ cũng hội tụ sự chín chắn, có đánh giá, nhận định đúng đắn, và nhiệt tình trong công việc.

- Công việc của nhân viên kinh doanh BĐS: Tìm hiểu kiến thức về BĐS và sản phẩm của công ty; tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng; tư vấn và thuyết phục khách hàng; chăm sóc khách hàng; và một số công việc khác (chuẩn bị giấy tờ cần thiết, hỗ trợ thủ tục khi ký kết hợp đồng, đưa khách đi xem nhà, kiểm soát giá ở mỗi phiên đấu giá, chịu trách nhiệm chỉ số doanh thu). Nhân viên kinh doanh BĐS, hay sale BĐS có trách nhiệm giới thiệu, tư vấn các sản phẩm nhà đất cho khách hàng đang có nhu cầu và thuyết phục họ mua sản phẩm nhà đất. Sau mỗi giao dịch giữa người mua và người bán, nhân viên kinh doanh BĐS sẽ là người hỗ trợ hoàn tất thủ tục, hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh nếu có.

Phân tích sự gắn kết với công việc của nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội

Sự hăng hái trong công việc

Sự hăng hái trong công việc là một trong những đặc điểm cần có của bất kỳ một nhân viên nào. Đối với công việc không có nhiều tính chất ổn định như kinh doanh BĐS thì sự hăng hái trong công việc cho thấy nhân viên có sự nhiệt huyết, tích cực với công việc mà họ đang đảm nhiệm. Kết quả khảo sát 195 nhân viên kinh doanh BĐS cho thấy, một số nhân viên giữ được sự hăng hái, nhiệt huyết với công việc. Tuy nhiên, một số nhân viên chưa đạt được điều này. Điều đó thể hiện ở bảng điểm trung bình được đánh giá khi số điểm trung bình không quá cao (Bảng 1). Số điểm cao nhất là 3,267/5; tương ứng với thang đo “Tôi cảm thấy rất hăng hái và đầy hào hứng với công việc của mình (FE5)”. Thang đo được đánh giá cao thứ hai là “Tại nơi làm việc, tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng (FE2)” với số điểm trung bình là 3,236/5. Thang đo được đánh giá cao thứ ba là “Tôi có tinh thần và trách nhiệm cao với công việc của mình (FE4)” với số điểm trung bình là 3,153/5. Thang đo được đánh giá có số điểm cao thứ tư là “Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, tôi luôn muốn bắt tay ngay vào công việc (FE1)” với số điểm là 3,043/5. Thang đo mà nhân viên kinh doanh đánh giá thấp nhất là “Tại nơi làm việc, tôi luôn kiên trì, ngay cả khi mọi thứ thực hiện không được tốt (FE3)” với 2,991/5 điểm.

Bảng 1: Đánh giá sự hăng hái trong công việc của nhân viên kinh doanh bất động sản

Thang đo

N

Tối thiểu

Tối đa

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, tôi luôn muốn bắt tay ngay vào công việc (FE1)

195

1,00

5,00

3,034

,466

Tại nơi làm việc, tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng (FE2)

195

1,00

5,00

3,236

,497

Tại nơi làm việc, tôi luôn kiên trì, ngay cả khi mọi thứ thực hiện không được tốt (FE3)

195

1,00

5,00

2,991

,462

Tôi có tinh thần và trách nhiệm cao với công việc của mình (FE4)

195

1,00

5,00

3,153

,418

Tôi cảm thấy rất hăng hái và đầy hào hứng với công việc của mình (FE5)

195

1,00

5,00

3,267

,405

Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm tác giả

Kết quả khảo sát này cho thấy rằng, bên cạnh những nhân viên tích cực, vẫn còn một số nhân viên kinh doanh chưa có sự hăng hái trong công việc. Sự thực hiện công việc đôi khi mang tính chất hời hợt và chưa có được những trạng thái tốt nhất.

Sự cống hiến trong công việc

Cống hiến là sự tự nguyện, có ý thức đóng góp sức lực, tài năng, trí tuệ của cá nhân người lao động vào lợi ích chung của tổ chức. Một DN luôn mong muốn có những nhân viên có tinh thần cống hiến để xây dựng được một tập thể vững mạnh, phát triển, và thịnh vượng. Các DN kinh doanh BĐS cũng không ngoại lệ. Sự cống hiến của nhân viên kinh doanh cho thấy, họ luôn đặt lợi ích của tập thể, của DN lên hàng đầu.

Bảng 2 cho thấy, mức độ cống hiến trong công việc của 195 nhân viên kinh doanh BĐS đang làm việc tại năm DN kinh doanh BĐS trên địa bàn TP. Hà Nội. Có năm thang đo được đưa ra với số điểm trung bình thấp nhất là 3,012/5 và cao nhất là 3,517/5. Thang đo có số điểm đánh giá trung bình cao nhất là “Công việc mà tôi đang đảm nhiệm truyền cảm hứng cho tôi (DE2)” với 3,517/5 điểm. Tiếp theo là “Công việc mà tôi đang đảm nhiệm có nhiều thách thức (DE1)” với 3,475/5 điểm. Thang đo “Tôi nhiệt tình với công việc của mình (DE3)” có số điểm đánh giá cao thứ ba với 3,222/5 điểm. Theo sau là thang đo “Tôi nhận thấy công việc mà mình đang làm có nhiều ý nghĩa và mục đích (DE5)” với 3,188/5 điểm. Đánh giá thấp nhất với số điểm trung bình 3,021/5 điểm là thang đo “Tôi tự hào về công việc mà mình đang làm (DE4)”.

Bảng 2: Đánh giá sự cống hiến trong công việc của nhân viên kinh doanh bất động sản

Thang đo

N

Tối thiểu

Tối đa

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Công việc mà tôi đang đảm nhiệm với nhiều thách thức (DE1)

195

1,00

5,00

3,475

,387

Công việc mà tôi đang đảm nhiệm truyền cảm hứng cho tôi (DE2)

195

1,00

5,00

3,517

,314

Tôi nhiệt tình với công việc của mình (DE3)

195

1,00

5,00

3,222

,392

Tôi tự hào về công việc mà mình đang làm (DE4)

195

1,00

5,00

3,021

,383

Tôi nhận thấy công việc mà mình đang làm có nhiều ý nghĩa
và mục đích (DE5)

195

1,00

5,00

3,188

,344

Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm tác giả

Như vậy, mức độ đánh giá sự cống hiến của nhân viên kinh doanh ở mức trung bình khá. Điều này phản ánh cũng có nhiều nhân viên kinh doanh đánh giá cao mức độ cống hiến của bản thân nhưng đồng thời cũng có số lớn nhân viên kinh doanh chưa thực sự tận tâm, cống hiến cho công việc. Đây là một trong những khía cạnh mà các nhà quản lý cần lưu tâm, cần có giải pháp để nâng cao sự gắn kết của nhân viên kinh doanh với công việc.

Sự say mê trong công việc

Bảng 3: Đánh giá sự say mê trong công việc của nhân viên kinh doanh bất động sản

Thang đo

N

Tối thiểu

Tối đa

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Khi đang làm việc, tôi không để ý đến những thứ khác xung quanh (AB1)

195

1,00

5,00

3,147

,539

Khi làm việc, tôi cảm thấy thời gian trôi rất nhanh (AB2)

195

1,00

5,00

3,364

,524

Rất khó để tách tôi ra khỏi công việc mà tôi đang đảm nhiệm (AB3)

195

1,00

5,00

3,002

,527

Tôi mải mê thực hiện công việc của mình (AB4)

195

1,00

5,00

3,103

,538

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi say sưa làm công việc của mình (AB5)

195

1,00

5,00

3,278

,516

Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm tác giả

Khi người lao động làm việc bằng sự say mê, hiệu quả công việc luôn cao hơn. Làm việc đúng với sở thích, say mê và điểm mạnh của mình thì người lao động có xu hướng chăm chỉ và đặt nhiều tâm huyết vào công việc hơn. Thái độ tích cực này sẽ ảnh hưởng đến hành động, giúp những đóng góp của nhân viên mang lại cho DN thực sự đạt hiệu quả. Sau đó, chắc chắn sẽ là chuỗi ngày làm việc hưng phấn và chất lượng. Đối với nhân viên kinh doanh, sự say mê trong công việc là điều cần thiết để họ có thể duy trì trạng thái làm việc tốt nhất. Để có được những giao dịch thành công, những hợp đồng có giá trị cao, nhân viên kinh doanh cần làm việc với sự say mê, đam mê của chính bản thân mình với công việc đó.

Khảo sát 195 nhân viên kinh doanh BĐS trên địa bàn TP. Hà Nội cho kết quả như sau: Thang đo được đánh giá cao nhất là “Khi làm việc, tôi cảm thấy thời gian trôi rất nhanh (AB2)” với 3,364/5 điểm. Tiếp theo là thang đo “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi say sưa làm công việc của mình (AB5)” với số điểm trung bình là 3,278/5. Tiếp theo nữa là thang đo “Khi tôi đang làm việc, tôi không để ý đến những thứ khác xung quanh (AB1)” với 3,147/5 điểm. Với số điểm 3,103, thang đo “Tôi mải mê thực hiện công việc của mình (AB4)” được đánh giá ở mức thứ tư trong 5 thang đo. Cuối cùng, thang đo mà nhân viên kinh doanh BĐS đánh giá thấp nhất là “Rất khó để tách tôi ra khỏi công việc mà tôi đang đảm nhiệm (AB3)” với số điểm trung bình tương ứng là 3,002/5 điểm.

Như vậy, tương tự với các thành phần như sự cống hiến trong công việc, sự hăng hái trong công việc, thì sự say mê trong công việc cũng được nhân viên kinh doanh BĐS đánh giá ở mức trung bình (trừ thang đo AB2). Điều đó cho thấy rằng, mức độ say mê trong công việc của đội ngũ nhân viên kinh doanh BĐS trên địa bàn TP. Hà Nội cũng chưa cao. Điều này phản ánh sự gắn kết của họ với công việc chưa cao. Để có thể cải thiện, nâng cao sự gắn kết trong công việc, các nhà quản lý nên tìm hiểu đầy đủ các nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp. Đây không phải là giải pháp dễ dàng nhưng cũng không quá khó để DN có thể thực hiện được. DN cần tìm hiểu nguyên nhân từ nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin khác nhau để có thể tìm ra giải pháp phù hợp.

Kết luận và khuyến nghị

Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng sự gắn kết với công việc của 195 nhân viên kinh doanh BĐS trên địa bàn Hà Nội, bài viết đưa ra một số khuyến nghị sau:

Một là, sự hăng hái trong công việc: Với nhân viên kinh doanh BĐS, không chỉ phụ thuộc vào nguồn dữ liệu khách hàng được cung cấp sẵn, hoặc hỗ trợ các phòng ban, những khách hàng tiềm năng, mà còn đến từ sự chủ động, tích cực tìm kiếm của họ. Là một nhân viên thực thụ, họ luôn nhanh nhạy trong việc nhận diện khách hàng, nắm bắt cơ hội ở mọi lúc, mọi nơi. Bất kỳ nơi nào cũng có thể trở thành bàn đàm phán giữa họ và khách hàng. Do đó, bản thân nhân viên kinh doanh BĐS phải rất hăng hái và chủ động trong công việc và khắc phục những nhược điểm trong thời gian tới.

Hai là, sự cống hiến trong công việc: Đây cũng là một trong những nội dung phản ánh mức độ gắn kết với công việc của nhân viên kinh doanh. Một nhân viên có sự cống hiến trong công việc chứng tỏ nhân viên đó mong muốn được gắn bó, gắn kết với công việc nhiều hơn. Sự cống hiến thể hiện ở việc không ngại khó, ngại vất vả, rủi ro, thử thách, sẵn sàng làm việc trách nhiệm, tận tâm, nhiệt tình với DN, với khách hàng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các DN kinh doanh BĐS và người lao động cần phải có các giải pháp thích hợp để phát huy hơn nữa sự cống hiến trong công việc của nhân viên kinh doanh, đem lại hiệu quả cao hơn, doanh thu, và lợi nhuận cho DN lớn hơn; đồng thời giúp cải thiện và nâng cao tiền lương của nhân viên kinh doanh.

Ba là, sự say mê trong công việc: Không ai có thể làm việc và thành công nếu như luôn mang tâm trạng chán nản. Đam mê chính là bước đệm quan trọng cho một hành trình gắn bó mang tính lâu dài. Nhiều người chọn làm chuyên viên kinh doanh BĐS chỉ bởi sự hào nhoáng về lương thưởng được “truyền tai” nhau. Đặc biệt, với nghề kinh doanh nói chung, kinh doanh BĐS nói riêng, các tình huống phát sinh rất cao, có thể bị hủy hợp đồng, khách hàng thay đổi quyết định vào phút cuối. Vì vậy, nếu không thực sự ưa thích, muốn gắn bó với nghề, rất nhiều người dễ nản lòng chỉ sau một đến hai tháng theo đuổi. Vì vậy, cả về phía DN và nhân viên kinh doanh BĐS nên có các giải pháp thúc đẩy hơn nữa sự say mê trong công việc của nhân viên kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Kim Hiệp (2021), Các yếu tố tác động đến sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp tại Đồng Nai. Tạp chí Công Thương. Truy cập từ link: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-yeu-to-tac-dong-den-su-gan-ket-cua-nguoi-lao-dong-voi-doanh-nghiep-tai-dong-nai-htm.
  2. Công ty BĐS: Báo cáo tình hình nhân sự của các công ty BĐS trên địa bàn Hà Nội năm 2021, 2022.
  3. Albrecht, Simon L., Bakker, Arnold B., Gruman, Jamie A., Macey, William H. & Saks, Alan M. (2015), Employee engagement, human resource management practices and competitive advantage. Journal of organizational effectiveness, 2(1), 7‐35;
  4. Allen, N. J., & Meyer, J. P. (1990), The measurement and antecedents of affective, continuance and normative commitment to the organization. Journal of Occupational Psychology, 63(1), 1-18;
  5. Allen, N. J., & Meyer, J. P. (1996), Affective, continuance, and normative commitment to the organization: An examination of construct validity. Journal of Vocational Behavior, 49(3), 252-276.
  6. Britt, E., Blampied, N, M., & Hudson, S. M. (2003), Motivational Interviewing: A Review. Australian Psychologist, 38(3), 193-201. https://doi.org/10.1080/00050060310001707207;
  7. Kahn, W. A. (1990), Psychological conditions of personal engagement and disengagement at work. Academy of management journal, 33(4), 692-724.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023