Phát triển doanh nghiệp bền vững gắn với phát triển tổng thể nền kinh tế Việt Nam


Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển doanh nghiệp phải cân đối, hài hòa trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp Việt Nam, phân tích về những yếu tố kinh tế của phát triển bền vững, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp bền vững gắn với phát triển tổng thể nền kinh tế Việt Nam.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN) bền vững, thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua hoàn thiện khung pháp lý với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Nổi bật là trong năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi nhằm tạo sự thay đổi tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng phục vụ của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với người dân và DN, xoá bỏ mọi rào cản, đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh của cá nhân và DN thông qua việc ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Nghị quyết số 75/NQ-CP về cắt giảm mức phí, chi phí cho DN; Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực pháp lý, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV), ngày 12/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (Luật số 04/2017/QH14). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV và được kỳ vọng tạo ra cú hích với sự phát triển của khu vực DN tư nhân thời gian tới.

Phát triển doanh nghiệp bền vững  gắn với phát triển tổng thể nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Với sự quyết liệt trong triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, khu vực DN Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề phát triển DN bền vững gắn với phát triển tổng thể nền kinh tế Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức như:

Thứ nhất, mặc dù đã phát triển mạnh cả về quy mô và số lượng, tuy nhiên, tỷ trọng DN giải thể và ngừng kinh doanh hiện nay còn lớn. Tình trạng này được biểu hiện cụ thể như sau: Số lượng DN đăng ký thành lập có xu hướng tăng cao, thể hiện tinh thần kinh doanh ngày càng cao, là cơ sở thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.

Từ sau khi Luật DN năm 1999 ra đời, số lượng DN thành lập mới liên tục tăng (từ 14,5 nghìn DN năm 2000 đã tăng lên 94,7 nghìn DN năm 2015, 110,1 nghìn DN năm 2016 và 126,8 nghìn DN năm 2017. Trong năm 2018, có 131,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Quy mô của khu vực DN ngày càng mở rộng. Từ năm 1990 đến nay, vốn, tài sản và doanh thu của khu vực DN tăng liên tục với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô tổng giá trị tài sản của DN có đăng ký và đang hoạt động đến 01/1/2017 là trên 26 triệu tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 14 triệu lao động, đạt doanh thu trên 17 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 711 nghìn tỷ đồng.

Từ sau khi Luật doanh nghiệp năm 1999 ra đời, số lượng DN thành lập mới liên tục tăng (từ 14,5 nghìn DN năm 2000 đã tăng lên 94,7 nghìn DN năm 2015, 110,1 nghìn DN năm 2016 và 126,8 nghìn DN năm 2017. Trong năm 2018, cả nước có131,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, DN tư nhân trong nước chiếm 96,7% về số lượng DN, 61,2% về lao động, 52,6% về tài sản, 56% về doanh thu, 26,4% về lợi nhuận. DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2,8% về số lượng DN, 29,6% về lao động, 18,1% về tài sản, 27,6% về doanh thu và 45,9% về lợi nhuận. Tỷ trọng còn lại thuộc về các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại trong phát triển DN bền vững chính là số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động hàng năm luôn ở mức cao, tương đương 60-70% số lượng DN thành lập mới. Cụ thể: Năm 2014, có 9.501 DN giải thể, 58.322 DN ngừng kinh doanh; Năm 2015, có 9.467 DN giải thể, 71.397 DN ngừng kinh doanh; Năm 2016, có 12.478 DN giải thể, 60.677 DN ngừng kinh doanh; Năm 2017, có 12.113 DN giải thể, 60.553 DN ngừng kinh doanh; Năm 2018, có 16.314 DN giải thể, 63.525 DN ngừng kinh doanh.

Thứ hai, mặc dù khu vực DN đã có những đóng góp lớn, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo; trở thành động lực chính giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, tuy nhiên, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, tăng trưởng chưa thực sự bền vững.

DN thành lập mới, chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân, có xu hướng chuyển dịch sang các mô hình kinh doanh sáng tạo, hiệu quả và bền vững. Tỷ trọng DN đang hoạt động thuộc các ngành nghề thâm dụng tài nguyên ngày càng giảm, giúp cho nền kinh tế giảm lệ thuộc vào khai thác tài nguyên. DN chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ có khả năng tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa đã có vị trí quan trọng hơn trong hệ thống DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh của DN Việt Nam hiện nay còn thấp.

Phát triển doanh nghiệp bền vững  gắn với phát triển tổng thể nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 2

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2018), cơ cấu nguồn lực chưa dịch chuyển mạnh đến các ngành có năng suất lao động và hiệu quả cao; công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực và hiệu quả kinh doanh của DN cũng còn thấp, thậm chí có xu hướng giảm.

Xét riêng DN 100% vốn nhà nước - lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước đóng góp trên 27% tăng trưởng kinh tế, các chỉ số về tỷ suất lợi nhuận đã giảm mạnh. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản năm 2012 đạt 6,5%, năm 2013 đạt 6,3%, năm 2014 đạt 6%, năm 2015 là 5,3%, năm 2016 chỉ còn 4,6%, năm 2017 tăng lên 5,5%. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017 lần lượt là 16,4%, 15,8%, 15,2%, 11,7%, 10% và 12,2%.

Tỷ lệ DN thua lỗ hàng năm không giảm, luôn có khoảng 20% DN không có lợi nhuận. Nhiều DN nhà nước (DNNN) chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn tài chính, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình DN Việt Nam là 2,1 lần. Về tổng thể, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam có xu hướng giảm, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng chưa cao dẫn tới tính bền vững của tăng trưởng chưa rõ nét. Nguyên nhân chủ yếu là do những tồn tại sau:

Một là, trình độ công nghệ và trang thiết bị của DN còn lạc hậu, năng lực đổi mới, sáng tạo còn thấp. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, các chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở mức thấp.Cụ thể là, năng lực hấp thụ công nghệ xếp thứ 93/137; chuyển giao công nghệ từ FDI đạt vị trí 89/137; độ sâu của chuỗi giá trị xếp hạng 106/137; mức độ phức tạp của quy trình sản xuất là 87/137; chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học là 90/137; giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông đạt 68/137.

Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, phần lớn DN, đặc biệt là DN tư nhân trong nước đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang; trong tổng số DN đang hoạt động chỉ có 0,2% DN có hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Các công nghệ điển hình của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 chưa được áp dụng phổ biến trong sản xuất kinh doanh. Theo kết quả Điều tra mức độ sẵn sàng đối với CMCN 4.0 do Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), Trung tâm Phân tích và Dự báo CAF và Bộ Công Thương thực hiện, chỉ có gần 29% DNNN đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây; trên 22% DNNN có kế hoạch áp dụng và có tới 49% DNNN không có kế hoạch, hoặc cho rằng không liên quan đến công nghệ này trong quá trình sản xuất kinh doanh; 50% DNNN chưa sẵn sàng với các ứng dụng cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu. Đối với DN tư nhân trong nước, mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 còn thấp hơn khi có tới trên 85% số DN không có hoạt động nào liên quan đến sử dụng điện toán mây, gần 80% số DN cho biết chưa xây dựng kế hoạch ứng phó tác động của công nghệ mới…

Hai là, trình độ và kỹ năng của người lao động trong khu vực DN còn hạn chế. Chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Kết nối cung cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến...

Ba là, tái cơ cấu DN theo hướng tăng trưởng bền vững còn chậm, nhất là vấn đề tái cơ cấu sở hữu.

Phát triển doanh nghiệp bền vững  gắn với phát triển tổng thể nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 3

Tiếp tục tạo động lực phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển khu vực DN hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, cần bổ sung và thực hiện có hiệu quả đột phá về công nghệ gắn với nâng cao năng lực công nghệ của DN trong bối cảnh CMCN 4.0. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến của thời đại công nghiệp 4.0 như điện toán đám mây, kết nối thiết bị với thiết bị/sản phẩm, công nghệ cảm biến, công nghệ thiết bị đầu cuối di động, công nghệ định vị thời gian thực, trí tuệ nhân tạo, in 3D, phân tích và quản trị dữ liệu lớn… sẽ giúp cho DN nhanh chóng làm chủ các sản phẩm, dịch vụ mới, phương thức kinh doanh mới, tạo năng lực đột phá nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho việc xây dựng các yếu tố nền tảng của ứng dụng và phát triển công nghệ. Ngoài ra, tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh và bảo vệ quyền tài sản để tăng động lực đầu tư vào vốn con người và công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động. Trong đó, tập trung các giải pháp để nâng cao vị trí xếp hạng về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cạnh tranh bình đẳng theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế có uy tín; Tái cơ cấu ngành với trọng tâm là ưu tiên phát triển các sản phẩm gia tăng hàm lượng công nghệ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường theo hướng tăng trưởng xanh…

Cùng với đó, các DN cần có chiến lược hoặc kế hoạch chuyển đổi sản xuất kinh doanh, nâng cấp công nghệ, áp dụng mô hình kinh doanh mới, mở rộng thương mại điện tử, tham gia chuỗi giá trị kinh tế số… Đối với các DN quy mô lớn, cần tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế quy mô và khả năng tập tập trung hóa sản xuất trên cơ sở đầu tư nâng cấp công nghệ, nâng cao khả năng nghiên cứu tạo công nghệ mới, nâng cao tỷ trọng tự động hóa cho toàn bộ dây chuyền công nghệ ngành kinh doanh chính.

Đối với các DN có mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 còn thấp, đặc biệt là DN ngành sản xuất công nghiệp, cần thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ sản phẩm dịch vụ và lao động trên nền tảng các công nghệ mới, nâng cao tỷ trọng kết nối thiết bị - sản phẩm, nghiên cứu và chuẩn hóa kỹ thuật toàn chuỗi sản xuất sản phẩm, gia tăng tỷ trọng đầu tư cho lao động tay nghề cao…

Ngoài ra, cũng cần tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh và bảo vệ quyền tài sản để tăng động lực đầu tư vào vốn con người và công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động. Trong đó, tập trung các giải pháp để nâng cao vị trí xếp hạng về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cạnh tranh bình đẳng theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế có uy tín; Tái cơ cấu ngành với trọng tâm là ưu tiên phát triển các sản phẩm gia tăng hàm lượng công nghệ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường theo hướng tăng trưởng xanh…

Thứ hai, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ DN khu vực tư nhân, cụ thể là khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chương trình quốc gia về tăng trưởng năng suất lao động; Tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối DN khởi nghiệp Việt Nam với DN khởi nghiệp các nước.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại DNNN thực chất và hiệu quả: Tiếp tục cơ cấu lại, thu hẹp quy mô và phạm vi của DNNN phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Khuyến khích hơn nữa kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn.

Thứ tư, tiếp tục tận dụng tối đa nguồn lực từ các DN FDI: Thu hút FDI có chọn lọc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, sản phẩm có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.

Khuyến khích sự tham gia của DN FDI vào ngành Nông nghiệp, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu, tiến tới hạn chế xuất khẩu nông sản thô; Thu hút các thương hiệu lớn của thế giới tham gia đầu tư vào khu vực dịch vụ, tập trung vào một số ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; Ưu tiên các dự án liên doanh và dự án FDI thân thiện với môi trường, có cam kết chuyển giao công nghệ cho DN trong nước; Bổ sung các tiêu chí về trách nhiệm xã hội của DN, nhất là đạo đức kinh doanh, trách nhiệm bảo vệ môi trường và trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng địa phương, khi lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), “Báo cáo Phát triển bền vững khu vực DN tư nhân”, số 3391/BKHĐT-PTDN ngày 23/5/ 2018;
2. Chính phủ (2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc;
3. Nguyễn Bích Lâm (2018), Năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động;
4. Tổng cục Thống kê (2018), Niên giám thống kê Việt Nam 2017, NXB Thống kê tháng 6/2018;
5. VCCI (2018), “Bộ chỉ số DN bền vững”, Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam;
6. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Báo cáo đánh giá thực trạng và kết quả tái cơ cấu DNNN, Tài liệu chuyên đề, Hà Nội 2018.