Bộ Tài chính Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết khung hợp tác tăng cường tài chính cho cơ sở hạ tầng
Ngày 06/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà và Trợ lý Thường trực Bộ trưởng Bộ Tài chính Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thay mặt Bộ Tài chính hai nước đã ký Khung hợp tác tăng cường tài chính cho cơ sở hạ tầng giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Tham dự lễ ký có bà Caryn McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà bày tỏ vui mừng và nhấn mạnh đây là sự kiện góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Thứ trường cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam đã thảo luận về chủ đề tài chính cho cơ sở hạ tầng, các Bộ trưởng Tài chính đã thống nhất tăng cường chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này. Hiện nay, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng Việt Nam là rất lớn.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng của Việt Nam tới đây cần khoảng 195 tỷ USD, trong đó các lĩnh vực như năng lượng, cầu đường, hàng không, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải chất thải là những lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. “Khung hợp tác ký kết ngày hôm nay sẽ tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường vốn, phân tích lĩnh vực dự phòng và một số các nội dung khác liên quan, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các thể chế chính sách, giải pháp để huy động các nguồn lực, nguồn vốn tư nhân cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong thời gian tới”. Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Ông Michell Silk, trợ lý Thường trực Bộ trưởng Bộ Tài chính Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng nhất trí khi cho rằng: Đây là một ngày thể hiện mối quan hệ rực rỡ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong đầu tư, đặc biệt là tài chính cho hạ tầng về năng lượng. Ông Michell Silk bày tỏ sự vui mừng trước việc Bộ Tài chính hai nước chính thức ký kết khung hợp tác về tăng cường tài chính cho hạ tầng giữa Bộ Tài chính hai nước và cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia đang hướng tới việc thực hiện khung cải thiện các rào cản về quy định, về pháp lý trong lĩnh vực đầu tư vào hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam.
Theo ông Michell Silk, các hoạt động của hai nước sẽ tập trung vào việc tăng cường vào các công cụ tài chính cũng như thúc đẩy thị trường nợ trong nước, thị trường vốn trong nước cũng như các hoạt động liên quan. Trong các hoạt động này, Bộ Tài chính hai nước sẽ thực hiện tất cả các nội dung liên quan đến chuỗi giá trị về năng lượng và cũng như về hạ tầng và các sáng kiến đổi mới sáng tạo để làm sao có thể thu hút được nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng. Trong lĩnh vực về năng lượng sẽ bao gồm các khâu trong chuỗi giá trị từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.
Với những kiến thức và kinh nghiệm của hai quốc gia, ông Michell Silk hy vọng sẽ thúc đẩy quá trình đầu tư và hỗ trợ đầu tư của khu vực tư nhân để có thu hẹp được khoảng cách tài chính trong lĩnh vực hạ tầng. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng mong muốn hỗ trợ để làm giảm áp lực về nguồn vốn cho Chính phủ Việt Nam bằng cách thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.
Biên bản ký kết là khung khổ hợp tác giữa giữa Bộ Tài chính hai nước nhằm mục tiêu góp phần huy động/tận dụng nguồn vốn tư nhân và phát triển thị trường tài chính cho cơ sở hạ tầng giúp Việt Nam đạt được các ưu tiên về cơ sở hạ tầng trong thời gian tới.
Để triển khai Khung hợp tác, hai bên sẽ thành lập Nhóm công tác bao gồm thành viên là đại diện của các cơ quan liên quan của hai bên, trong đó có sự tham gia của Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật Hoa Kỳ (OTA).
Việc ký kết khung khổ hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tài chính Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Khung hợp tác giữa giữa Bộ Tài chính hai nước gồm các lĩnh vực:
Thứ nhất, phát triển thị trường nợ có tính thanh khoản hơn phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm khai thác tiềm năng các nhà đầu tư thể chế thông qua công cụ huy động nợ cho cơ sở hạ tầng;
Thứ hai, hình thành công cụ tài trợ có thể huy động, thúc đẩy và giải quyết các rào cản cho đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng;
Thứ ba, khuyến khích đổi mới và tính bền vững thông qua chia sẻ những thông lệ tốt nhất về xây dựng công cụ tài chính;
Thứ tư, khai thác các chương trình xây dựng năng lực và hợp tác kỹ thuật về tài chính do hai bên quyết định, bao gồm các chương trình tăng cường tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng thông qua: (i) phát triển tài chính dự án; (ii) phát triển thị trường vốn; (iii) phân tích nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ… và một số nội dung khác liên quan.