Cân nhắc tăng lương tối thiểu vùng

Theo Vũ Khuê/vneconomy.vn

Theo khảo sát của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức tăng lương 5,3% trong năm 2019 hiện mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu. Dù vậy, việc tăng lương đồng nghĩa với tăng chi phí cho doanh nghiệp. Để đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì việc tăng lương cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn

Đó là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo "Trao đổi phương án của tổ chức đại diện người sử dụng lao động về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020" do VCCI tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập của việc tăng lương tối thiểu vùng. Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may, việc "khoác nhầm áo" cho lương tối thiểu đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo phân tích của ông Cẩm, tăng lương tại các quốc gia đang phát triển hiện chỉ đơn thuần là tăng lương chứ không phát sinh kèm các chi phí khác. Nhưng với Việt Nam, khi đã tăng lương thì doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều khoản tăng như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn...

Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã trả lương người lao động ở mức khá cao, từ 8-10 triệu đồng/tháng, mức này cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu. Song, mức lương tối thiểu đang được lấy làm căn cứ đóng bảo hiểm khiến doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày...

Cũng với suy nghĩ trên, ông Lê Xuân Dương, đại diện Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho rằng, đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu, trong khi mức sống tối thiểu là bao nhiêu thì chưa xác định được. Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như hiện nay, ngành da giày gặp khá nhiều thách thức. Dù da giày được đánh giá là ngành có những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, nhưng vẫn không bù lại những chi phí mà ngành phải chịu, khó khăn chồng chất khó khăn... Việc tăng lương sẽ khiến doanh nghiệp phải "cõng" thêm hàng loạt chi phí khác.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Công ty TNHH Canon Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đồng tình cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng tới tiêu dùng chung của thế giới do tâm lý bất an. Ngành điện tử dự báo sản lượng sẽ giảm nên doanh nghiệp sản xuất rất khó khăn.

Trong bối cảnh này, mức lương tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có suy nghĩ mở cơ sở sản xuất ở nước khác hoặc không mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, việc tăng lương không đồng bộ giữa các doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi tình trạng đình công gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp.

Để tránh tạo những cú sốc cho doanh nghiệp, ông Dương đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước nên giãn cách lộ trình tăng lương để doanh nghiệp có kế hoạch lâu dài trong sản xuất kinh doanh. "Không nhất thiết phải tăng mười mấy phần trăm trong năm 2020 để đạt yêu cầu mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động", ông Dương nói.

Còn theo ông Cẩm, Nghị quyết 27 của Trung ương cho biết giảm mức lao động làm việc ở nông thôn từ 38% xuống 35%, mà những ngành giúp chuyển dịch cơ cấu lao động có dệt may và da giày. Vì vậy, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cần được cân nhắc căn cứ theo những doanh nghiệp khó khăn nhất, nhiều lao động nhất để đưa ra phương án điều chỉnh. Đặc biệt chú ý tới yếu tố "khả năng chi trả của doanh nghiệp", đặc biệt là doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Bà Vũ Hoàng Ngân, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng lương tối thiểu là một bài toán khó cho các doanh nghiệp. Đây không chỉ là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng.

Do vậy, ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì rất cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động.

Theo phân tích của bà Vi Thị Hồng Minh, Văn phòng Giới sử dụng lao động - VCCI, trong các căn cứ để đề xuất mức lương tối thiểu vùng 2020 đều cho thấy, điều chỉnh tăng là chưa hợp lý. Trước hết, căn cứ về lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình. Đánh giá của nhóm kỹ thuật cho thấy, mức lương tối thiểu hiện nay đã đáp ứng 95,2% nhu cầu sống tối thiểu. Lấy cơ sở vào mức lương phổ biến trên thị trường lao động: thu nhập bình quân quý 4/2018 là 6,650 triệu đồng.

Như vậy lương tối thiểu vùng quý 1/2019 đã tương đương 63% mức lương trung bình. Còn lấy cơ sở là giá tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội, tăng trưởng doanh nghiệp năm 2019 trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI hiện dự báo mức dưới 4% và tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, thì tăng tiền lương tối thiểu vùng mức 5,3%. Như vậy, dù mức tăng lương tối thiểu vùng 2019 có giảm so với GDP nhưng vẫn cao hơn mức tăng CPI.