Doanh nghiệp đánh giá cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ

Theo Băng Châu/qdnd.vn

Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho thấy, đa phần các doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội đánh giá cao những giải pháp liên quan tới hỗ trợ thị trường và huy động nguồn lực của Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề khẩn cấp do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Nguồn: internet
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Nguồn: internet

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Ảnh hưởng của đại dịch không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội, mà còn còn gây ra những hậu quả tiêu cực như mất việc làm, giảm thu nhập, không tiếp cận được các dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế cơ bản của hàng triệu người khuyết tật, người nghèo đô thị, nông hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hay phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Các doanh nghiệp xã hội vốn đã rất khó khăn mới có thể tìm chỗ đứng trên thị trường, sẽ đứng trước nguy cơ bị đóng cửa hoặc phải mất rất lâu để phục hồi lại hoạt động đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước và cộng đồng.

Có tới 77% doanh nghiệp xã hội cho rằng Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 10% cho rằng đang đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa. Bên cạnh đó, có 23% doanh nghiệp được hỏi đánh giá là dịch ảnh hưởng ít hoặc ở hiện tại, doanh nghiệp vẫn có thể ứng phó được. Phần lớn đây là các doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu không bị sụt giảm về nhu cầu; các đơn vị sản xuất nông sản chưa đến mùa thu hoạch nên chưa bị áp lực về bán hàng trước mắt. Đồng thời, có những đơn vị hoạt động ở quy mô hộ kinh doanh siêu nhỏ ở vùng nông thôn, chưa tham gia chuỗi giá trị sâu, ít bị ảnh hưởng trước các biến động thị trường do những tác động của Covid-19. Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủ công mỹ nghệ hiện chưa bị ảnh hưởng trực tiếp do đang thực hiện những hợp đồng giao hàng từ trước.

Đa phần doanh nghiệp đánh giá cao những giải pháp liên quan đến thị trường và huy động nguồn lực nhằm giải quyết những vấn đề khẩn cấp trước mắt do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn trong việc rà soát các chiến lược kinh doanh trong giai đoạn hiện tại và tiến hành các hoạt động chuyển đổi số cả về vận hành và bán hàng. Về hình thức hỗ trợ, các doanh nghiệp mong muốn được trao đổi và đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ưu tiên các hình thức tư vấn, trao đổi trực tiếp nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề của doanh nghiệp.

Bên cạnh các đề xuất hỗ trợ, thông qua bảng khảo sát, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội cũng chủ động đưa ra những giải pháp và khuyến nghị cho các cơ quan Nhà nước như: Miễn thuế phí trong thời gian hoạt động kinh doanh đóng băng; miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian hoạt động kinh doanh đóng băng; cho vay vốn lãi suất thấp; kết nối với các nguồn tài chính để có chính sách vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp…