Gặp mặt nguyên cán bộ, công nhân Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Ngày 9/9/2010, tại TP.Hồ Chí Minh,Bộ Tài chính đã tổ chức buổi gặp mặt và trao tặng, truy tặng các đồng chí nguyên cán bộ, công nhân Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ thời kỳ từ năm 1947 đến 1954 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” nhằm tôn vinh và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các cán bộ, công nhân đã in ấn, phát hành “Giấy bạc Cụ Hồ” tại Nam Bộ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển ngành Tài chính.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đã đến dự và phát biểu ý kiến. Tham dự buổi gặp mặt còn có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, một số đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tài chính tại thành phố Hồ chí Minh, tỉnh Cà Mau…

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, tại Nam Bộ theo sắc lệnh số 102/SL ngày 1/11/1947 của Hồ Chủ Tịch, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã thành lập Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ tại chiến khu Đồng Tháp Mười, do ông Ngô Tấn Nhơn Bộ trưởng Bộ Canh nông, đặc phái viên của Chính phủ làm Trưởng Ban, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ làm Phó Trưởng Ban.

Dù hoạt động trong sự truy bức gắt gao của kẻ thù, phải di chuyển bí mật qua nhiều địa bàn chiến khu thuộc Đồng Tháp Mười, Cà Mau và nhiều vùng lân cận khác, nhưng vượt qua mọi khó khăn thử thách, bằng trí tuệ, sự sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, các cán bộ, công nhân Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tìm tòi, sáng tạo được nhiều loại khuôn mẫu, hoá chất, mực in, giấy in… thay thế các loại vật liệu thiết yếu trong quy trình in đồng Bạc Cụ Hồ.

Đồng Bạc Tài chính Việt Nam - đồng bạc Cụ Hồ ra đời, cùng với nhiều loại tín phiếu, phiếu tiếp tế, công phiếu kháng chiến…được nhân dân Nam Bộ tin tưởng lưu hành như tiền, đã trở thành công cụ đấu tranh hữu hiệu trên mặt trận kinh tế, tài chính với địch, góp phần xây dựng nền Tài chính độc lập, tự chủ của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Không những vậy, đồng Bạc Tài chính còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Mẫu thiết kế đồng Bạc Tài chính thể hiện đồng bào Nam Bộ luôn hướng về vị cha già dân tộc, về ngọn cờ thiêng liêng của Tổ quốc; phản ánh khí thế sôi sục vừa chiến đấu vừa sản xuất, quyết tâm thực hiện chủ trương diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Quá trình phát hành lưu thông Đồng Bạc Tài chính Việt Nam cũng vô cùng linh hoạt và sáng tạo, như: đóng dấu của Uỷ ban kháng chiến các tỉnh Nam Bộ vào đồng tiền Đông Dương - đồng tiền của thực dân Pháp - để làm công cụ tiền tệ phục vụ kháng chiến, đồng thời xé đôi đồng tiền Đông Dương làm tăng số lượng tiền lưu hành; dán phiếu kiểm soát lên giấy bạc do ta in ấn (đồng bào Nam Bộ gọi là tiền “đắp mền”) để chống bạc giả do địch tung vào lưu thông; hay trong điều kiện chiến tranh ác liệt, việc vận chuyển khó khăn, giao thông chia cắt, Ban Ấn loát đặc biệt đã quyết định giao bản kẽm mẫu tiền cho các tỉnh, thậm chí các huyện để tự in…

Chính những nét đặc biệt đó, đồng Bạc Tài chính - giấy bạc Cụ Hồ in, phát hành, lưu thông ở Nam Bộ đã chứa đựng đầy đủ ý chí, khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Nam Bộ nói riêng và sẽ mãi mãi là những kỷ niệm của một thời hào hùng không bao giờ quên.

Trải qua 8 năm hoạt động, cán bộ, công nhân Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã cống hiến hết mình. Để ghi nhận những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển ngành tài chính đó, Bộ Tài chính đã trao tặng, truy tặng “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” - phần thưởng cao quý nhất của ngành Tài chính cho các đồng chí Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các đồng chí trong Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, tỉnh Cà Mau để xuất bản cuốn sách “Đồng tiền Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ ở Nam Bộ”, ghi nhớ về lịch sử hào hùng của Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ; đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng Khu di tích lịch sử cách mạng cho Ban Ấn loát Đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau và có phương án cải tạo mở rộng khu di tích lịch sử.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp khẳng định các hoạt động đầy ý nghĩa này chính là thể hiện niềm vinh dự, lòng biết ơn cũng là trách nhiệm của thế hệ cán bộ ngành tài chính hôm nay đối với các thế hệ lão thành của ngành Tài chính, từ đó giáo dục lòng tự hào và truyền thống tốt đẹp của ngành  cho các thế hệ sau.