Ngành Hải quan bắt giữ, xử lý gần 9.000 vụ buôn lậu và gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm
Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt là công tác đấu tranh, phòng chống ma túy trong 6 tháng đầu năm 2019 đã được Tổng cục Hải quan tích cực triển khai, kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc lớn, phức tạp, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội.
Phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm gian lận thương mại
Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong 6 tháng đầu năm 2019 có diễn biến phức tạp.
Qua công tác đấu tranh, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực Hải quan. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng vi phạm về buôn lậu và gian lận thương mại tăng cả về số vụ, trị giá hàng vi phạm và số tiền thu nộp NSNN so với 6 tháng đầu năm 2018. Số vụ vi phạm tập trung chủ yếu ở các tuyến đường biển, đường hàng không, biên giới, đường bộ.
Cụ thể, trên tuyến đường biển, cảng sông quốc tế, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 4.532 vụ vi phạm trong lĩnh vực Hải quan (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 298 tỷ 765 triệu đồng (tăng 1,51% so với cùng kỳ năm 2018).
Tổng số vụ vi phạm pháp luật Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2019 lên tới gần 9.000 vụ, tăng 13,38 % so với cùng kỳ năm 2018. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.426 tỷ đồng, tăng 266,18% so với cùng kỳ năm 2018
Tuyến đường hàng không, bưu điện, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 340 vụ, (tăng 7,94% so với cùng kỳ năm 2018); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 54 tỷ đồng (tăng 729,17% so với cùng kỳ năm 2018).
Đặc biệt là tuyến biên giới đường bộ, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ lên tới 4.061 vụ vi phạm trong lĩnh vực Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.073 tỷ 302 triệu đồng, tăng rất mạnh so với cùng kỳ 06 tháng đầu năm 2018 (tăng 1.110,25%).
Tổng số vụ vi phạm pháp luật Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2019 lên tới gần 9.000 vụ, tăng 13,38 % so với cùng kỳ năm 2018. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.426 tỷ đồng, tăng 266,18% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng đã khởi tố 20 vụ án hình sự, giảm 33,33% so với cùng kỳ năm 2018. Chuyển các cơ quan khác và kiến nghị khởi tố 51 vụ, bằng với cùng kỳ năm 2018. Qua đó, tổng số tiền vi phạm pháp luật Hải quan đã được thu nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 156 tỷ đồng, tăng 36,18% so với cùng kỳ năm 2018.
Tập trung đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới
Theo Tổng cục Hải quan, để công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu đạt hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Hải quan tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo cho lực lượng kiểm soát hải quan thực thi hoạt động nghiệp vụ ngày càng hiệu quả như: Xây dựng Quy chế tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; Quy trình nghiệp vụ điều tra hình sự trong lĩnh vực hải quan; hướng dẫn các Cục Hải quan địa phương để có kế hoạch tập huấn, đào tạo, quy chế nội bộ về cử công chức đi thu thập thông tin...
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, triển thực hiện có hiệu quả Trung tâm chỉ huy trực tuyến tại Tổng cục Hải quan, duy trì triển khai hoạt động trực ban, giám sát trực tuyến trong toàn ngành Hải quan; kết nối hệ thống camera giám sát tại phòng giám sát trực tuyến tới các cửa khẩu đảm bảo công tác chỉ huy của Tổng cục và giám sát, thường xuyên, liên tục 24/7...
Thứ ba, thực hiện tốt công tác tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời cảnh báo tình hình, cùng với đó, Tổng cục Hải quan ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về kiểm tra giám sát, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu khoáng sản; cảnh báo thủ đoạn của tội phạm ma túy; tăng cường công tác phòng chống hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy trên các phương tiện vận tải; kiểm tra, giám sát kiểm soát hàng hóa giả mạo xuất xứ, gắn nhãn “Made in Vietnam”.
Thứ tư, tăng cường công tác phòng, đấu tranh phòng chống ma túy cụ thể: Triển khai Thông báo số 455/TB-BTC ngày 26/4/2019 thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong ngành Hải quan; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 4550/CT-TCHQ ngày 2/8/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong địa bàn hoạt động của Hải quan...
Thứ năm, chú trọng và chủ động đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, đảm bảo xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, thông tin sớm, đồng bộ, từ trong Ngành đến ngoài Ngành.