Nhiều bước tiến trong công tác tổ chức cán bộ

Theo Trang điện tử Bộ Tài chính

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quy mô tổ chức bộ máy nhà nước, số lượng nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính đã có sự tăng lên đáng kể, có nhiều bước tiến, tuy nhiên số lượng cán bộ tuy có sự bổ sung hàng năm nhưng vẫn bị thiếu hụt (cả số lượng lẫn chất lượng) so với nhu cầu nghiệp vụ công việc. Đó là nhận định của ông Trương Hùng Long, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (TCCB) tại “Hội nghị tổ chức cán bộ 2005-2010 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ đến 2015” diễn ra trong 2 ngày 12-13/8/2010 tại Quảng Ninh.

Hiện đại hoá ngành Tài chính cũng phải bắt đầu từ con người

Ông Long nhận định, Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay xấu”. Chính vì vậy công tác cán bộ trong giai đoạn đẩy mạnh hiện đại hóa và cải cách hành chính của ngành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới phải có các chuyển biến mạnh về chất lượng quản lý ở tất cả các khâu: tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng,… để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn chính trị của ngành.  

Bộ Tài chính đang triển khi Hải quan điện tử, Thuế điện tử,… cung cấp nhiều dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân thì cũng phải bắt đầu từ chính những con người trong các tổ chức ấy… 

Luân chuyển cán bộ để chọn lọc 

Ông Long ví von, công tác đào tạo và luân chuyển cán bộ như dòng nước. Phải luôn luôn chảy, có như vậy mới lựa chọn được những cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt cho ngành. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thì đi sâu vào những nhiêm vụ thực tế của ngành nhận định, sau khi Luật CBCC có hiệu lực, yêu cầu đánh giá CBCC đã đi vào chiều sâu. Ví dụ bản mô tả chức danh công việc bắt đầu áp dụng từ từ năm 2010 chắc chắn sẽ đem lại nhiều thay đổi với công tác TCCB của Bộ Tài chính. Do đặc thù từ Trung ương tới địa phương, phân bố trên nhiều địa bàn, chiếm tới 20% tổng số công chức của cả nước nên công tác tuyển dụng, đào tạo và quy hoạch tuy có những thuận lợi nhưng cũng những khó khăn nhất định… 

 

Một vài con số ấn tượng về công tác TCCB Bộ Tài chính giai đoạn 2005-2010:

  • Bộ Tài chính là bộ lớn với 35 đầu mối đơn vị thuộc và trực thuộc, hơn 11.000 đơn vị cấp cơ sở từ Trung ương đến địa phương. 
  • Bộ Tài chính hiện có 72.000 công chức, viên chức (chiếm khoảng 70% lực lượng cán bộ công chức, viên chức khối các Bộ, ngành).
  • 5,4% là số lượng đơn vị tăng của năm 2009 so với năm 2005; Số lượng công việc tăng nhanh (thu ngân sách tăng bình quân 16%; chi ngân sách tăng 18%; số lượng người nộp thuế tăng 9 lần; số tờ khai hải quan tăng gấp 1,8 lần; quy mô Dự trữ nhà nước tăng 4 lần so với năm 2005), tuy nhiên số lượng tăng về biên chế chỉ đạt bình quân 0,41%.
  • Công tác tổ chức tuyển dụng: 40 đợt thi tuyển xét tuyển được tổ chức, số lượng tuyển dụng đạt 18.311 người. Năm tuyển nhiều nhất 2009 đạt 7.522 người; năm tuyển dụng thấp nhất 2007 chỉ đạt 734 nguời. Công tác tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn, ví dụ ngành Thuế và Dự trữ thường tuyển không được đủ số người làm việc do nhiều nguyên nhân…
  • Công tác quản lý ngạch, bậc: Bộ Tài chính đã tổ chức được 15 kỳ thi nâng ngạch  với 3.231 từ huyên viên lên chuyên viên chính; từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp cũng tăng 2,75 lần.
  • Công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ có nhiều dấu ấn: 26.000 cán bộ được quy hoạch; 11.087 người được bổ nhiệm; luân chuyển được 65.000 lượt cán bộ trong giai đoạn 2005-2009. Số cán bộ được quy hoạch tính đến 12/2009 đạt gần 16.000 người.
  • Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt khá: Với 7.653 khóa đào tạo cho 308.000 lượt cán bộ (đào tạo chuyên môn 228.187 lượt người; lý luận chính trị 4.754 người; quản lý nhà nước 15.385 lượt người; tin học được 46.977 lượt người..). Ngoài ra giai đoạn này Bộ Tài chính cũng đào tạo/cử đi học được 1.532 người với 177 tiến sĩ; 1.355 thạc sĩ.