Quốc hội thảo luận về ngân sách Nhà nước: Nên sử dụng số vượt thu để giảm bội chi

Theo báo SGGP

Sáng 3-11, Quốc hội họp toàn thể, thảo luận về tình hình thu – chi ngân sách năm 2010, dự toán 2011.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự lo lắng về tổng số nợ công chiếm một tỷ trọng lớn so với GDP của nước ta. “Nợ công thực chất là bao nhiêu? Chính phủ báo cáo là hơn 57% GDP; nhưng những khoản nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh đã hạch toán đầy đủ vào đây chưa? " Tôi được biết có nhà kinh tế đã tính toán đầy đủ thì nợ công hiện bằng tới 70% GDP. Quốc hội phải xử lý nợ công quyết liệt hơn” - ông Thuyết thẳng thắn.
 
Bên cạnh vấn đề nợ công, bội chi cũng là mối quan ngại của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói: “Không phải vô cớ mà EU quy định gia nhập khối phải có bội chi dưới 3%”. Đành rằng ta là nước đang phát triển, phải bội chi, nhưng giữ mức bội chi cao như vậy rất khó đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Trong khi đó, theo đại biểu, việc giảm bội chi là có thể thực hiện được. Trước mắt, đề nghị dành 30% số vượt thu của năm 2010 (trên 10.000 tỷ đồng) để bù đắp bội chi (Chính phủ dự kiến mức này là 3.600 tỷ đồng, tức khoảng 10% số vượt thu). 
 
Có cùng quan điểm này, song đại biểu Lê Văn Thành (Hải Phòng) đề nghị con số còn cao hơn, từ 15 -20.000 tỷ đồng. Phân tích cơ cấu vượt thu, đại biểu Thành nhận xét, nguồn thu hải quan vượt nhiều so với thu nội địa: “Chính phủ cần phân tích nguyên nhân tăng thu, nếu do nhập siêu mà tăng thu cao thì phải điều chỉnh và điều này cũng cho thấy là nguồn thu chưa bền vững”.
 
Về dự toán năm 2011, đại biểu Đỗ Chi Lan (Quảng Ninh) đề nghị rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, tránh chồng chéo, trùng lắp. Đại biểu nhất trí với nguyên tắc phân bổ ngân sách mà Chính phủ đưa ra, theo đó ưu tiên phân bổ ngân sách để hỗ trợ các địa phương nghèo, có nhiều khó khăn và địa phương có nguồn thu lớn để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo mũi nhọn phát triển.
 
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) lưu ý, tỷ lệ động viên vào ngân sách so với GDP của nước ta là khá cao trong nhiều năm liền (25-26% GDP; trong khi Nghị quyết của Đảng chỉ 20-21% GDP), “như thế là chưa khoan sức dân”. Bên cạnh đó, ông Thảo cho rằng, kỷ luật ngân sách chưa được tôn trọng một cách nghiêm túc, chưa thể hiện sự tôn trọng nghị quyết của Quốc hội, đơn cử như chi cho đầu tư phát triển vượt tới 15% so với dự toán.
 
Cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: Dự toán ngân sách năm 2011 được xây dựng theo hướng cụ thể hóa mục tiêu chi, tức là chỉ được chi cho việc gì thôi, rất rành mạch. Trong bối cảnh toàn "chiếc bánh ngân sách" tính ra chỉ khoảng 25 tỷ USD quy đổi thì phải cân nhắc chứ không thể lĩnh vực nào cũng đòi tăng chi.
 
Vẫn theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ngân sách 2011 sẽ chú trọng tăng chi cho phúc lợi, an sinh xã hội, con người..., giảm chi cho đầu tư phát triển (dự kiến sẽ động viên từ nhiều nguồn khác). Dự toán cũng áp dụng một số tiêu chí mới, điều chỉnh một số hệ số hợp lý hơn.
 
Trước ý kiến của một số địa phương về việc phân cấp ngân sách mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên giải thích: “Dù tiêu chí định mức thế nào thì trung ương vẫn phải giữ lại một phần để bù vào những khoảng lõm, khắc phục những bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện"./.