Sẽ xử phạt những đơn vị "chây ỳ" niêm yết, cổ phần hóa
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, sắp tới sẽ công bố danh sách các đơn vị chậm niêm yết, cổ phần hóa để gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Những đơn vị này nếu không có báo cáo đầy đủ nguyên nhân chậm thực hiện thì sẽ tiến hành xử phạt...
Ngày 05/08/2019, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề về “Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2019; nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.”
Còn 92/127 doanh nghiệp phải cổ phần hóa
Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Điều này đã tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.
Đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Theo ông Tiến, sau cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa hiện nay. Theo đó, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa hiện nay là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch; còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng chưa được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC)...
Sẽ xử phạt những đơn vị cố tình chây ỳ
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Thêm vào đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa; Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, sắp tới sẽ công bố danh sách các đơn vị chậm niêm yết, cổ phần hóa để gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Hiện nay, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán thực hiện rà soát danh sách các đơn vị này. Những đơn vị trong danh sách chậm triển khai nếu không có báo cáo đầy đủ nguyên nhân chậm thực hiện thì sẽ tiến hành xử phạt, đảm bảo minh bạch, chặt chẽ.
Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Để đẩy mạnh công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, ông Tiến cho biết, Bộ Tài chính và các bộ liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sắp tới sẽ công bố danh sách các đơn vị chậm niêm yết, cổ phần hóa để gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Hiện nay, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán thực hiện rà soát danh sách các đơn vị này.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp
Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.
Các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định...