Tiếp tục đề ra chương trình hành động cho hội nhập

Theo chinhphu.vn

Từ kết quả đánh giá tác động sau 3 năm gia nhập WTO, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động những năm tiếp theo.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010 Chính phủ đã nghe  trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc báo cáo đánh giá tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Trước khi trình Chính phủ, báo cáo đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đóng góp tại hội thảo “Đánh giá tác động KT-XH sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 24/5.

3 năm là quãng thời gian không dài để có thể đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về những ảnh hưởng của việc gia nhập WTO.

Tuy nhiên, trong 3 năm gia nhập WTO (2007-2009),  nền kinh tế nước ta đạt được nhiều thành tựu như vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất từ trước đến nay, trung bình hơn 43,5% GDP;  Việt Nam đã thu hút được 4.210 dự án FDI với vốn đăng ký 116,2 tỷ USD, gấp 3,6 lần so với thời kỳ 2001 – 2006 (32,7 tỷ USD).

Sau 3 năm gia nhập WTO, có thể rút ra một số bài học.

Một là, sự kết hợp thực thi cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, việc gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam, góp phần phát huy nội lực và thúc đẩy đầu tư (nhất là FDI), phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường nước ngoài kết hợp với khai thác tốt hơn thị trường trong nước.

Hai là, việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững. Đó là các yếu kém về chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng lực thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực kết cấu hạ tầng.

Ba là lợi thế so sánh (tĩnh) vốn có của đất nước (như lao động) được thể hiện tốt hơn khi hội nhập càng sâu rộng. Quan trọng hơn, lợi thế so sánh động chỉ xuất hiện nhờ cạnh tranh, tận dụng qui mô kinh tế và FDI trên cơ sở khắc phục những yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, và có một cách thức liên kết song phương, khu vực và toàn cầu thích hợp.

 Bốn là, nếu thiếu sự chuẩn bị chủ động, tích cực các chính sách ứng phó thích hợp, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng cũng có thể kéo theo rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô, bất bình đẳng xã hội có thể tăng lên.

Theo Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn, chúng ta cũng cần quan tâm hơn đến chính sách về tiền tệ, lĩnh vực chịu tác động rất lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm trong việc dung hòa và điều hành linh hoạt, nhạy bén các luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Từ kết quả đánh giá tác động sau 3 năm gia nhập WTO, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động những năm tiếp theo.