Quan hệ Việt – Mỹ: Từ bình thường hóa quan hệ đến đối tác toàn diện

Tuệ Linh

(Tài chính) Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, hai nước đã có những bước tiến đáng kể trên con đường hợp tác cùng có lợi theo tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Hai nước đã cùng nhau phát triển các quan hệ nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, đến quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục… mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế.

Quan hệ Việt - Mỹ không ngừng phát triển.
Quan hệ Việt - Mỹ không ngừng phát triển.
Từ bình thường hóa quan hệ…
Đến nay, hai nước đã thiết lập 10 cơ chế đối thoại về chính trị - an ninh - quốc phòng, kinh tế, phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thành quả lớn nhất là hai quốc gia đã chính thức công nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập dân tộc của nhau, từ đó ngày càng phát triển mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đẩy mạnh các cuộc trao đổi, viếng thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, hai bên đã tiến hành 6 chuyến thăm cấp cao.

Về phía Mỹ là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bin Clin-tơn (năm 2000), Tổng thống Gióc-giơ Bút (năm 2006). Về phía Việt Nam là các chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013). Chuyến thăm gần đây nhất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là bước tiến mới nhất nhằm nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới: Xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Trên cơ sở của những thỏa thuận cấp cao, hai bên đã mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực thông qua các cuộc trao đổi đoàn các cấp bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và cả ngoại giao nhân dân. Tại các diễn đàn quốc tế, hai bên cũng đã có những cuộc gặp gỡ bên lề các hội nghị, phối hợp có hiệu quả trên các diễn đàn, như Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn An ninh châu Á (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng mở rộng (ADMM+)...

Trong lĩnh vực kinh tế, đến nay Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2005. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm bình thường hóa, từ 200 triệu USD năm 1995 (năm đầu tiên bình thường hóa) và đến nay đạt 36,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỷ USD, tăng 25%, nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 13,6%. Việt Nam xuất siêu tại thị trường Mỹ 24,9 tỷ USD, mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 29 của Mỹ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước hằng năm đạt 20%. Dự báo, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ còn tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Đến năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt xấp xỉ 57 tỷ USD và chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này, đồng thời bỏ xa giá trị xuất khẩu của các nước trong khu vực ASEAN. Không chỉ tăng về khối lượng, hàng chất lượng cao và giá trị gia tăng từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn.

Tính đến tháng 2/2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Việt Nam trị giá 11,035 tỷ USD với 729 dự án, đứng đứng thứ bảy trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đó là chưa tính số đầu tư khá lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh đăng ký tại các nước và vùng lãnh thổ khác như Xin-ga-po hay Hồng Kông (Trung Quốc).

Từ năm 2008, hai nước đã thiết lập cơ chế đối thoại về chính trị - an ninh – quốc phòng hàng năm, trên cơ sở đó quan hệ về an ninh – quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã từng bước được tăng cường. Từ năm 2010, hai bên tiến hành đối thoại về chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng. Năm 2011, hai bên ký kết biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình đào tạo tiếng Anh, hợp tác quân y, duy trì đón tàu của Hải Quân Mỹ thăm cảng Việt Nam hàng năm, cho phép Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thực hiện một số chương trình hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương. Hai bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.

Hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực phát triển khá mạnh, mang lại những thành quả rõ rệt. Trong 10 năm qua, có khoảng trên 60.000 lưu học sinh Việt Nam sang học ở Mỹ từ phổ thông, cao đẳng, đại học, đến trên đại học. Hiện nay, có khoảng 16.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2008, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á và thứ tám trong số tất cả các quốc gia có sinh viên du học tại Mỹ. Hợp tác giáo dục chính là hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nó sẽ tạo ra những động lực mới, lớn hơn, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học - công nghệ. Hai bên đã ký hiệp định hợp tác và nhiều thỏa thuận khác trên một số lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, biến đổi khí hậu, hải dương học và nước biển dâng... Năm 2012, NASA và Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam còn ký tuyên bố ý định chung về hợp tác nghiên cứu công nghệ không gian.

Ngoài các lĩnh vực trên, hai bên còn trao đổi đoàn các cấp, có các cơ chế tham vấn, đối thoại và hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, tẩy rửa chất độc đi-ô-xin, duy trì các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, quân y và các hoạt động nhân đạo với mục đích tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác một cách có hiệu quả, phù hợp với lợi ích của hai bên, đồng thời cùng nhau hợp tác để tiếp tục có những đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế nhằm đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì sự phát triển của khu vực trong tình hình mới. 

Giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng được mở rộng. Nhiều tổ chức phi chính phủ của hai nước đã đẩy mạnh những hoạt động hợp tác trên nhiều mặt, từ nhân đạo đến xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực,… Đối với người dân bình thường, các quan hệ giao lưu, du lịch cũng ngày càng được phát triển.  Trong năm 2014, lượng khách Mỹ đến Việt Nam đạt gần 443.776 lượt người, tăng 2,7% so với năm 2013, xếp thứ tư trong số các nước có nhiều du khách vào thăm Việt Nam.

Ngoài những lĩnh vực mang lại lợi ích thực sự rõ ràng nêu trên, Việt Nam và Mỹ hiện đang đẩy mạnh hợp tác để giải quyết một số vấn đề nhạy cảm, có nhiều khác biệt giữa hai bên như dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, nền kinh tế thị trường và vai trò xí nghiệp quốc doanh của Việt Nam, hay chính sách chống bán phá giá của Mỹ... Sự hợp tác này được thực hiện thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại thẳng thắn, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tìm kiếm giải pháp phù hợp với lợi ích, tập quán và luật pháp của mỗi bên, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ hướng tới một thời kỳ mới với cấp độ hợp tác cao hơn và phạm vi hợp tác rộng hơn: xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện.

Đến đối tác toàn diện

Cùng với những vấn đề thuộc quan hệ song phương, Việt Nam và Mỹ cũng đã đẩy mạnh sự hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm, đó là sự hợp tác với các nước thành viên và tổ chức ASEAN, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giải quyết những bất đồng và căng thẳng ở Biển Đông. Trước thực tế tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, trong khi châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất với những liên kết đa tầng nấc, thì việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ càng có ý nghĩa quan trọng nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như sự phát triển của các quốc gia có liên quan.

Việt Nam và Mỹ có lợi ích chung trong việc ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nước tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với 10 quốc gia khác, mở ra một cơ hội lớn cho sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân và chiếm tới khoảng 40% thương mại cũng như GDP toàn cầu.

Đối với Việt Nam, tăng cường hợp tác với Mỹ là một cơ hội mới để Việt Nam hội nhập sâu hơn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới bên ngoài, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy cải cách ở trong nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường phát triển ngoại thương, mở rộng cửa cho sự tiếp cận thị trường của các loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực mà Việt Nam có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh như dệt may, giày dép và các loại hàng nông sản, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với Mỹ, Việt Nam ngày càng trở thành một trong những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược ở khu vực Ðông Nam Á, có sự cam kết cao về thương mại cũng như tăng cường sức mạnh cho khối ASEAN, đồng thời là một trong những đối tác quan trọng trong việc hình thành và thiết lập TPP, góp phần rất có ý nghĩa vào chiến lược mới của Mỹ nhằm khôi phục và tăng cường vai trò của Mỹ là một cường quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 là một bước tiến mới nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ bình thường hóa lên đối tác toàn diện, hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Từ kinh nghiệm của gần 20 năm bình thường hóa quan hệ, có thể thấy sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có nhiều thuận lợi, nhiều khả năng để thực hiện thành công quan hệ đối tác toàn diện. Cả Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đều đã khẳng định quan hệ giữa 2 nước đã có nhiều bước tiến vững chắc, đạt tới giai đoạn trưởng thành, đủ diều kiện chin muồi để chuyển sang một giai đoạn mới với bước phát triển kế tiếp ở cấp độ hợp tác cao hơn và sâu hơn giữa hai nước…

Sau khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã có những bước tiến nhanh và vững chắc. Đến nay, hai nước đã cùng nhau phát triển các quan hệ hợp tác  trên nhiều lĩnh vực  từ chính trị - ngoại giao, kinh  tế - thương mại, đầu tư đến quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, giáo dục thậm chí hợp tác để giải quyết những vấn đề nhạy cảm mà hai nước còn có nhiều bất đồng, khác biệt như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… Mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế/.