Định danh Uber, Grab: Sắp đến hồi kết?

Theo Ngân Linh/thoidai.com.vn

Việc định danh rõ loại hình kinh doanh của Uber, Grab từng gây tranh cãi thời gian qua dường như sắp đến hồi kết. Uber, Grab sẽ phải đi vào khuôn khổ, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã gửi hồ sơ dự thảo lần thứ 4 sang Bộ Tư pháp để thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét, ký ban hành nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô, nhằm thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (gọi tắt là dự thảo).

Vấn đề kinh doanh của Uber, Grab là một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo này. Được biết, nhiều bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, đề nghị phải định danh cho rõ hoạt động của Grab, Uber, "bởi với cách thức hoạt động như hiện nay, họ là doanh nghiệp (DN) KDVT taxi, chứ không phải đơn vị cung cấp phần mềm đơn thuần".

Tại khoản 1, điều 3 của dự thảo đã định nghĩa: KDVT bằng ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải (kể cả thông qua phần mềm) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ để sinh lợi; trong đó có thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.

Tại khoản 3, điều 6, dự thảo đã bổ sung quy định KDVT hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm hay gọi tắt là "taxi điện tử". Đây là một khái niệm hoàn toàn mới. Theo ban soạn thảo, quy định này để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ.

Còn tại khoản 4, điều 16 quy định trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm có tham gia thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động KDVT gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng ô tô theo quy định của nghị định này.

Như vậy, có thể thấy định nghĩa "kinh doanh vận tải" đã được nêu rõ ràng; các điều kiện của "taxi điện tử" khá tương đồng với truyền thống. Và theo đó, những ràng buộc pháp lý để Uber, Grab được hoạt động sẽ chặt chẽ hơn, không còn những "lỗ hổng" như hiện nay.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã có văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về đề án Thí điểm ứng dụng xe hợp đồng điện tử (gọi tắt là đề án thí điểm Uber, Grab). Trong văn bản này, Bộ Công an nêu ra một loạt những bất cập trong quá trình thí điểm Uber, Grab, và câu chuyện tranh cãi trong việc định danh một cách chính xác nhất đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này.

Trong khi nhiều cơ quan chuyên môn cũng như giới chuyên gia và luật sư cho rằng, đây là hình thức kinh doanh vận tải hành khách thì phía Uber, Grab lại khẳng định họ chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối gọi xe. Chính điều này tạo ra nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động của Uber, Grab dù đã tiến hành thí điểm được hơn 2 năm.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, bản chất hoạt động của Uber, Grab tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh vận tải taxi kết hợp ứng dụng công nghệ cao kết nối người dùng với lái xe, chủ hãng. Do đó phải coi Uber, Grab là taxi và phải quản lý như một hãng taxi; phải đưa Uber, Grab vào khuôn khổ.