Lao động "vàng lượng, chưa vàng chất"
Dân số đã đạt hơn 96 triệu người, là nước đông dân thứ 15 thế giới, đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng Việt Nam lại thiếu trầm trọng lao động có tay nghề nên khó phát huy lợi thế này.
Mới đây, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương cho biết tính đến 0h ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam đạt 96.208.984 người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines.
Theo tính toán của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thời kỳ dân số vàng với nguồn nhân lực vàng ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2007, đạt đỉnh vào năm 2020 và kéo dài đến năm 2025. Quá trình này diễn ra đồng thời với già hóa dân số nên nguồn nhân lực thời điểm dân số vàng là cơ hội để Việt Nam phát triển.
Thiếu lao động có kỹ năng
Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không khi lao động Việt Nam bị đánh giá là “vàng về số lượng chứ không vàng về chất lượng”?
Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết quý I/2019, cả nước có 1.059.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người, trung cấp là 52.700 người, đại học là hơn 124.000 người.
Bản tin cập nhật thị trường lao động Hà Nội quý I/2019 cũng cho thấy các doanh nghiệp (DN) chủ yếu tuyển dụng ở vị trí chuyên viên, nhân viên, quản lý nhóm – giám sát, quản lý cấp cao.
Mức lương DN sẵn sàng chi trả cho lao động 5 – 7 triệu đồng chiếm 37,58%, 7 – 10 triệu đồng chiếm 25,44% (cao hơn quý trước 2,69 điểm phần trăm). Mức lương trên 15 triệu đồng chiếm 9,37%, nhưng để nhận được mức lương này, DN yêu cầu người lao động cần có kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình.
Theo Tổng cục Dạy nghề, thị trường lao động Việt Nam hiện có quy mô gần 56 triệu lao động nhưng đang thiếu hụt lao động có trình độ tay nghề, hay nói cách khác là thừa thầy thiếu thợ. Tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 32%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp.
TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng “vàng về số lượng mà không vàng về chất lượng”.
Phần lớn lao động Việt Nam không có trình độ kỹ thuật, chưa qua đào tạo. Nếu chỉ dựa vào số lao động này không biết nền kinh tế sẽ đi đến đâu. Do vậy, đào tạo nhân lực cần phải được đặt lên hàng đầu.
Mạnh dạn đổi mới, cải cách
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM), cách mạng công nghiệp 4.0 có khả năng tác động đến thị trường lao động trên 3 khía cạnh: thất nghiệp, cơ cấu và chất lượng lao động.
Nhu cầu về lao động có sự thay đổi rõ rệt, lao động tri thức, lao động chất lượng cao sẽ thay thế cho lao động phổ thông, giá rẻ và năng suất thấp.
Tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng đối với nhóm lao động phổ thông và những ngành nghề có tính sản xuất đồng loạt (như dệt may, gia công) hoặc những ngành có thể được thay thế bởi máy móc tự động hóa (sản xuất – chế tạo, lắp ráp…).
Báo cáo về “Mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố gần đây cho thấy Việt Nam xếp hạng 70/100 về nguồn nhân lực, 81/100 về lao động có chuyên môn cao và chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Dương cho rằng Việt Nam cần xây dựng và thực thi hữu hiệu hơn các chính sách thị trường lao động chủ động, cũng như giải pháp đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia, cơ cấu dân số vàng xuất hiện khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng mạnh nhưng lực lượng lao động này chỉ tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế khi lao động có chất lượng, năng suất lao động cao.
Vì vậy, ông Lê Xuân Bá cho rằng muốn nâng cao chất lượng lao động, Việt Nam cần mạnh dạn đổi mới, cải cách giáo dục đào tạo. Vấn đề là có dám mạnh dạn nhìn nhận những vấn đề yếu kém để đổi mới giáo dục hay không. Nếu không, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực là khó tránh khỏi.
Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản, cho hay cùng với sự đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam và gia tăng số lượng các công ty trong lĩnh vực sản xuất, việc thiếu lao động phổ thông cũng như nhân lực kỹ thuật đang là bài toán cần giải quyết.
“Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ không chỉ chú trọng đến việc đào tạo các kỹ sư công nghệ thông tin như hiện nay mà còn cần tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực địa phương nhiều hơn nữa thông qua việc tăng cường chức năng và khung đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề đã được triển khai từ trước tới nay giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Đó là một phương thức hiệu quả để giải quyết bài toán này”.