Một số vấn đề về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam


Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hoạt động hiệu quả ở tất cả các khâu. Trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo mà vẫn chọn phương thức kinh doanh truyền thống sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường. Đặc biệt, trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không thích ứng nhanh và tận dụng lợi tốt thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu và khó có thể tồn tại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vai trò của đổi mới công nghệ tới năng lực sản xuất

Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả ở tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối đến các hoạt động quản trị nhân sự, tài chính, đầu tư... Thông thường, công nghệ gồm 4 thành phần cơ bản̉: Công cụ, máy móc, thiết bị, vật liệu (còn gọi là phần cứng của công nghệ); Thông tin, phương pháp, quy trình bí quyết; Tổ chức điều hành, phối hợp, quản lý; Con người (Ba bộ phận sau gọi là phần mềm công nghệ). Bất kỳ quá trình sản xuất nào đều phải đảm bảo 4 thành phần trên.

Hoạt động đổi mới công nghệ bao gồm hai nội dung cơ bản sau:

- Đổi mới sản phẩm: Là việc tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, hoặc cải tiến các sản phẩm truyền thống của công ty mình. Việc tạo ra một sản phẩm mới rất khó khăn. Thường phải có nguồn chi phí lớn để tạo ra cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động này; có đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có khả năng triển khai hoạt động…

- Đổi mới quy trình sản xuất: Tiến bộ công nghệ đối với các nước đang phát triển được tập trung chủ yếu vào việc cải tiến hiệu quả quy trình công nghệ. Việc cải tiến này cho phép nâng cao năng suất của người lao động. Điều này thể hiện qua việc kết quả cải tiến quy trình sản xuất chuyển dịch sang phải của đường cung phản ánh khả năng nâng cao năng lực sản xuất.

Thực tiễn cho thấy, đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với mỗi DN. Tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ đó, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Những DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường rất lớn.

Những năm gần đây, cùng với phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, đã xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng phát triển trực tuyến như: Kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ tự động hóa trong sản xuất và kiểm soát chất lượng… Những phương thức kinh doanh này không chỉ giúp DN vận dụng để gia tăng năng suất và kiểm soát chất lượng mà còn có thể kết hợp với nhau để đổi mới các hoạt động của DN từ phân tích hành vi của khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, quản lý tài chính, làm việc từ xa... Thông qua đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV) có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đổi mới công nghệ của DN như: Loại hình DN; Tiềm lực tài chính của DN; Tuổi, giới tính của cán bộ nhân viên trong DN... Các đặc điểm của DN như quy mô vốn, quy mô lao động, thời gian hoạt động, mối quan hệ với DN cùng ngành/DN nhà nước đều có tác động tới quyết định đổi mới công nghệ của DN.

Thực trạng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hành lang pháp lý, đưa ra các chương trình hỗ trợ hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ của DN. Cụ thể, là đã kết nối nhiều nguồn cung và cầu công nghệ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN như: Tư vấn công nghệ, các vấn đề pháp lý, kết nối nguồn lực tài chính cho DN. Nhiều công nghệ sau khi được chuyển giao đã phát huy hiệu quả, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, kết quả đổi mới công nghệ của DN vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Khảo sát mới đây của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, chỉ có 23% số các DN được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, trong khi cơ chế tài chính hỗ trợ cho DN vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các hỗ trợ khác chưa tạo điều kiện để DN đổi mới công nghệ chưa thông thoáng, thuận lợi cho DN. Khảo sát này cũng cho thấy, các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và dịch vụ trong thị trường công nghệ để kết nối giữa nguồn cung và cầu công nghệ còn hạn chế. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân vì sao các nhà khoa học chưa thuyết phục được nhiều DN thương mại hóa các kết quả nghiên cứu... Trong khi đó, theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ của Việt Nam hiện chỉ ở mức 10% (thấp hơn nhiều so với con số trung bình 40% của các nước đang phát triển). Trong đó, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước và 75% máy móc đã hết khấu hao. Kết quả này phần nào phản ánh tình trạng chậm đổi mới công nghệ của DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV với tiềm lực tài chính yếu. Sự yếu kém trong cải tiến công nghệ của DNNVV bắt nguồn từ các yếu tố chi phối đến khả năng đổi mới của DN như quy mô nguồn lực của DN, đặc điểm của chủ DN, cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, số lượng DN Việt Nam nhiều và gia tăng liên tục, nhưng trong đó có đến 97% là DNNVV, DN siêu nhỏ. Năng lực sản xuất của DN Việt Nam hạn chế do ít cập nhật sự thay đổi của thị trường và công nghệ. Thực trạng chung của các DN này là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực, thường xuyên gặp khó về tài chính, nhân lực yếu kém chưa tiếp nhận thông tin và công nghệ mới trong sản xuất, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Quá trình đổi mới công nghệ của DN cũng luôn đối mặt với những trở lực, nhất là công nghệ đã đầu tư với giá trị lớn nhưng lạc hậu khi chưa thu hồi vốn, kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực không thích ứng với bối cảnh mới.  Hiện nay, các DN có thể nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nhưng khi đối mặt với những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghệ là vấn đề chưa được DNNVV ưu tiên đầu tư. Với việc công nghệ không được coi là lĩnh vực ưu tiên khi bắt đầu kinh doanh, do đó, DN thiếu bài bản và tầm nhìn trong phát triển công nghệ, thiếu sự đầu tư một cách đồng bộ, dẫn đến tốn kém và mất thời gian để chuyển đổi công nghệ, khó tăng quy mô sản xuất. Tình trạng các DN thiếu sự chủ động trong việc tiếp cận công nghệ mới, chưa quan tâm việc đầu tư công nghệ trong sản xuất không chỉ làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính DN, mà còn kéo theo hậu quả tác động xấu đến môi trường đối với địa bàn nơi DN đóng.

Một số đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Hầu hết DN Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính còn hạn chế, cho nên hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thật sự diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh và cuộc CMCN 4.0 đang tác động đến phương thức sản xuất của DN. Đây là yêu cầu sống còn của DN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Để giải quyết được những vấn đề này, trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề như:

Về phía cơ quan quản lý

- Cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ đối với DN, đặc biệt là DNNVV. Chẳng hạn, phải đảm bảo hiệu quả thực thi từ khi ban hành chính sách đến người thực hiện xét duyệt hồ sơ; đồng thời, cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, công nghệ hỗ trợ nhanh nhất. Nghiên cứu thêm các chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới, tạo điều kiện cho DN có điều kiện tiếp cận vốn.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ. Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực DN và quảng cáo sản phẩm.

- Hỗ trợ DN nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Cùng với đó, bám sát triển khai các quy định được nêu ra tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là hỗ trợ hình thành các cơ sở ươm tạo DN khoa học và công nghệ nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm mới.

Về phía doanh nghiệp

- Nâng cao tiềm lực tài chính của DN thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Tăng cường mở rộng hợp tác, quan hệ với DN cùng ngành, các tổ chức tín dụng để không chỉ giúp DN có thêm thông tin kinh doanh mà còn giúp mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận.

- Các DN, đặc biệt là DNNVV nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Theo đó, DN có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư.

- Tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Đồng thời, các DN cần chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu...