Ngành du lịch Việt Nam trong mùa dịch Covid-19 và vấn đề đặt ra

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 05/2020

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch toàn cầu có thể bị thiệt hại tương đối lớn vì chính phủ các nước phải áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn lây lan của dịch bệnh như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động vận tải đường hàng không quốc tế và nội địa… Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức... Bài viết đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm để ngành Du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Du lịch Việt Nam được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều tiềm năng, đa dạng và phong phú. Năm 2019 là năm thành công của du lịch Việt Nam, không chỉ thể hiện ở các con số thống kê về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa, doanh thu, mà còn là các danh hiệu mà du lịch Việt Nam đạt. 

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tương đối lớn đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành Du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Lượng khách du lịch quốc tế đến du lịch Việt Nam tính đến tháng 9/2019

Bảng 1 cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2019 ước đạt 1.561.274 lượt khách, tăng 28,8% so với tháng 9/2018. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12.870.506 lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Chia theo phương tiện đến thì lượng khách du lịch sử dụng phương tiện đường không là lớn nhất (tháng 9/2019 đạt 1.298.337 lượt khách, tăng 9,5% so với tháng 9/2018), lượng khách du lịch sử dụng phương tiện đường biển đứng thứ hai (tháng 9/2019 đạt 245.113 lượt khách, tăng 11,7% so với tháng 9/2018), lượng khác du lịch sử dụng phương tiện đường biển đứng thứ ba nhưng lại có tốc độ tăng lớn (tháng 9/2019 đạt 17.824 lượt khách, tăng 120,3% so với tháng 9/2018).

Chia theo thị trường thì khách du lịch châu Á chiếm số lượng lớn nhất (9 tháng năm 2019 đạt 10.156.165 lượt khách, tăng 12,5% so với 9 tháng năm 2018). Trong số lượng khách du lịch châu Á thì chiếm số lượng lớn nhất là khách du lịch Trung Quốc (9 tháng năm 2019 đạt 3.977.183 lượt khách, tăng 4,4% so với 9 tháng đầu năm 2018).

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến ngành Du lịch toàn cầu có thể bị thiệt hại tương đối lớn. Dự kiến lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 20-30%, ước tính tổn thất khoảng 300-450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà Ngành này thu được vào năm 2019.

Ngành du lịch Việt Nam trong mùa dịch Covid-19 và vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ, chịu sự ảnh hưởng và rất lớn của dịch bệnh Covid-19. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh chỉ đạt gần 450.000 lượt khách, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2. Đặc biệt, 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Việt Nam đó là Trung Quốc và Hàn Quốc đều giảm 91,5% và 91,4%. Tổng lượt khách của cả quý I/2020 đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm hơn 18% so cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2020 du lịch Việt Nam đón gần 3.686.779 lượt khách quốc tế, giảm 813.335 lượt khách và chỉ bằng 81,93 % mức cùng kỳ năm 2019. Kết quả quý II/2020 dự kiến còn tồi tệ hơn khi toàn ngành Du lịch gần như tê liệt do tình trạng cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. TP. Đà Nẵng là một trong những điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, có tổng lượng du khách trong quý I/2020 đạt gần 1.3 triệu du khách từ trong và ngoài nước, giảm 31.2% so với cùng kỳ năm 2019. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với số lượng khách du lịch giảm đáng kể.

 Khách du lịch đến từ châu Á chiếm 72,54% với 2.674.367 lượt khách nhưng giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường khách du lịch đến từ châu Âu đứng thứ hai với 648.731 lượt khách, chiếm 17,6% nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường khách du lịch đến từ châu Mỹ (chủ yếu là Mỹ) với 234.050 lượt khách, chiếm 0,63% nhưng giảm 20,24% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường khách du lịch đến từ châu Úc với 102.181 lượt khách, chiếm 2,77% nhưng cũng giảm 14,37% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại châu Á, 3 thị trường khách du lịch quốc tế đến du lịch Việt Nam chiếm hơn 51% tổng lượng khách du lịch quốc tế đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2020 thì lượng khách du lịch quốc tế đến từ 3 thị trường này đều giảm mạnh. Lượt khách du lịch đến từ Trung Quốc với 871.819 lượt khách, chiếm 32,6% thị trường châu Á nhưng giảm 31,95% so với 3 tháng đầu năm 2020 của thị trường châu Á. Lượt khách du lịch đến từ Hàn Quốc với 819.089 lượt khách, chiếm 30,63% thị trường châu Á nhưng giảm 26,06% so với 3 tháng đầu năm 2020 của thị trường châu Á. Lượt khách du lịch đến từ Nhật Bản với 200.346 lượt khách, chiếm 7,49% thị trường châu Á nhưng giảm 14,15% so với 3 tháng đầu năm 2020 của thị trường châu Á.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại châu Âu hầu hết các thị trường đều giảm, trừ Nga tăng hơn 13,6% so với cùng kỳ với hơn 245.000 lượt khách. Tại châu Mỹ, Mỹ chiếm hơn 73% lượng khách của khu vực với 172.700 lượt, giảm 21,4%. Châu Úc cũng ghi nhận giảm 14,37% với 102.181 lượt khách. Trong khi đó khách đến từ châu Phi đạt 11.930 lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ 2019 nhưng tỷ trọng góp không đáng kể.

Lượng khách sụt giảm dưới tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nguồn thu dịch vụ du lịch trong quý I/2020. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong kỳ ước đạt 126.200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước, giảm 9,6% so với quý I/2019. Mức doanh thu giảm ở hầu hết các địa phương, giảm mạnh nhất tại Khánh Hòa 38,2%; TP. Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% trong khi cùng kỳ do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Doanh thu từ hầu hết các thành phố có các địa điểm du lịch nổi tiếng đều sụt giảm. Cụ thể, Thanh Hóa ghi nhận giảm gần 50%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; TP. Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.

Các hãng hàng không Việt Nam đã dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc trong khi khách du lịch Trung Quốc vốn là nguồn khách du lịch lớn nhất tại Việt Nam (chiếm 26.1% khối lượng vận chuyển quốc tế). Toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc cũng bị hủy vì dịch bệnh khiến các công ty lữ hành và ngành hàng không có thể bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Hàng triệu lao động trong ngành Du lịch bị giảm thu nhập, thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc làm. Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9-7,7 tỷ USD. Chỉ riêng Vietnam Airlines, doanh thu của hãng này có thể bị giảm 2,1 tỷ USD trong năm 2020.

Có thể thấy, dịch Covid – 19 diễn ra vào đúng mùa cao điểm khách du lịch quốc tế đi du lịch nhiều cũng như mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa thường hay đi sau dịp nghỉ lễ tết Nguyên đán. Vì vậy, khi dịch xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành Du lịch Việt Nam khiến mục tiêu đặt ra năm 2020 đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế khó có thể hoàn thành.

Những tín hiệu tích cực

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là một lợi thế cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã khởi xướng kế hoạch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để kích cầu du lịch nội địa. Theo đó, nhiều hoạt động đã được triển khai, nhiều địa phương chủ động kích cầu, thu hút du khách như Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai...

Ngành du lịch Việt Nam trong mùa dịch Covid-19 và vấn đề đặt ra - Ảnh 2

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có”, cam kết chất lượng đảm bảo để thu hút khách nội địa. Không chỉ có hàng không, đơn vị lữ hành mà còn có sự  chung tay vào cuộc của hệ thống nhà hàng khách sạn, điểm đến, do vậy chương trình kích cầu này có mức giảm giá sâu hơn, nhiều điểm hấp dẫn. Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngay từ tháng 2/2020 đã triển khai chương trình kích cầu và đưa ra quy chế du lịch an toàn. Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã hưởng ứng, nhanh chóng tham gia liên minh kích cầu và chương trình xúc tiến du lịch tại 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid-19. Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Điểm đến sáng tươi” gồm 2 giai đoạn (từ ngày 15/5 đến  ngày 15/7 và từ ngày 15/7 đến hết năm 2020). Chương trình này có nguyên tắc kích cầu là phải bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ. Các sản phẩm kích cầu chú trọng tính mới, độc đáo, giá thành thấp và có thêm khuyến mãi đa dạng...

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, những dấu hiệu tích cực của ngành Du lịch Việt Nam sau những nỗ lực chống dịch Covid-19 thành công. Cụ thể, mặc dù vẫn còn tâm lý e ngại, nhưng tín hiệu đáng mừng trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua là nhiều khu, điểm đến du lịch đã mở cửa, tiếp đón hàng nghìn du khách. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 21.000 lượt, trong đó phần lớn là khách nội địa với tổng doanh thu từ du lịch đạt 68 tỷ đồng; Nhu cầu nghỉ dưỡng tại một số khu du lịch đạt từ khoảng 60-68%. Theo Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong dịp lễ năm nay tuy vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 nhưng cũng cho thấy sự khởi sắc của du lịch Thủ đô trong bối cảnh hậu dịch Covid-19. Hay như tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ước tính có hơn 12.500 lượt du khách đã đến tham quan, nghỉ dưỡng, cho thấy tín hiệu tích cực để ngành Du lịch của địa phương khởi động giai đoạn phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19...

Giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam sau dịch Covid–19

Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn và phát huy những lợi thế du lịch của Việt Nam, cụ thể:

Một là, do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể khách du lịch sẽ thay đổi xu hướng du lịch của mình để đảm bảo an toàn sức khỏe. Xu hướng du lịch trong khoảng cách gần bằng phương tiện cá nhân sẽ thay thế cho những chuyến bay xuyên quốc gia, lục địa. Do đó, du lịch nội địa có thể sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới. Các chuyến đi sẽ ngắn ngày hơn, hướng về các di sản văn hoá, thiên nhiên tránh những tụ điểm đông đúc.

Vì vậy, để hấp dẫn du lịch nội địa cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Hai là, các công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.

Ba là, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch như miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…

Bốn là, tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du  lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.

Năm là, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch, các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch cần được các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không… thực hiện triệt để, nghiêm túc. Việc bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân tại các cơ sở, điểm đến du lịch trở thành "nhiệm vụ kép" với việc phục hồi ngành Du lịch thời gian tới.      

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020;

2. Nhật Nam (2020), Doanh nghiệp đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ phục hồi du lịch, Báo điện tử Chính phủ;

3. Nhật Nam (2020), Ba kịch bản ‘gỡ rối’ cho ngành Du lịch trong ‘cuộc chiến’ với Covid-19, Báo điện tử Chính phủ;

4. Một số website: gso.gov.vn, vietnamtourism.gov.vn.