Sẽ lắng nghe doanh nghiệp

Đỗ Quyên

Quyết định 06/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế đã đưa ra một cơ chế chính thức để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đàm phán các hiệp định thương mại. Trong bối cảnh ngày càng gia tăng các đàm phán hiệp định thương mại quốc tế, hy vọng Quyết định này sẽ được triển khai hiệu quả.

Sau gần 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Dù vậy, theo nhận định của Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Văn phòng Chính phủ Phan Chí Thành, nhiều hiệp định có nội dung khó hiểu và hơi xa lạ đối với doanh nghiệp. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế của Việt Nam cũng không quy định cụ thể về sự tham vấn và lấy ý kiến doanh nghiệp, sẽ dẫn tới cách hiểu là công việc này thuộc vòng kiểm soát của Chính phủ và tất yếu sự tham gia của doanh nghiệp vào đàm phán quốc tế bị hạn chế. Lâu nay, doanh nghiệp vẫn hay than thở rằng, trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại, các cơ quan tham gia đàm phán cũng ít hỏi ý kiến của doanh nghiệp và cơ chế hỏi cũng không cụ thể.

Từ thực tế đó, Thủ tướng đã ra Quyết định 06/2012/QĐ-TTg về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế, và có hiệu lực từ tháng 3.2012. Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Trần Quốc Khánh khẳng định, “đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế chính thức về tham vấn doanh nghiệp trong quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại, đưa ra những nghĩa vụ tham vấn rõ ràng cho doanh nghiệp”. Với Quyết định này, vai trò của doanh nghiệp tham gia vào đàm phán quốc tế sẽ dần được hiện thực hóa. Doanh nghiệp có quyền tham gia nắm bắt thông tin các nội dung đàm phán hiệp định thương mại tự do và tham vấn những vấn đề liên quan đến lợi ích của mình bao gồm tất cả các nội dung trong đàm phán và ở tất cả các giai đoạn, từ chuẩn bị đến đàm phán. “Đây là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp” - một chuyên gia nhận xét. Những ý kiến của doanh nghiệp có thể được gửi trực tiếp tới cơ quan chủ trì đàm phán hoặc thông qua đầu mối là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Dựa trên cơ sở những sáng kiến, đề xuất của doanh nghiệp, các cơ quan Chính phủ có thể xem xét và có những động thái cụ thể trong quá trình đàm phán quốc tế.

Quyết định này là cơ chế chính thức khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong đàm phán quốc tế. Điều cần thiết là giúp doanh nghiệp nắm bắt được tinh thần của Quyết định để thực hiện đầy đủ trọng trách của mình. Cũng có những lo ngại về việc liệu các doanh nghiệp có đủ năng lực để tham gia hay không? Bởi vì để có được những tham vấn thực chất, các doanh nghiệp cần những năng lực nhất định và có lượng thông tin nhất định, trong khi số doanh nghiệp hiểu biết rõ về nội dung hiệp định thương mại không nhiều. Do vậy, việc nâng cao năng lực, khả năng tham vấn và khả năng đề xuất chính sách của các doanh nghiệp thực sự quan trọng.

“Doanh nghiệp phải định vị được mình muốn cái gì và ngành của mình muốn phát triển như thế nào? Đó là mẫu số chung cho đàm phán” - một chuyên kinh tế cho biết. Tuy nhiên, việc thực thi Quyết định này cũng phải bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa lợi ích nhóm, lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chung và của cả quốc gia. “Từ quá trình tham vấn, doanh nghiệp cần phải có cách nhìn rộng hơn, trên cơ sở lợi ích của đất nước trong đó có lợi ích của doanh nghiệp” - ông Phan Chí Thành nhận xét. Dễ dàng nhận thấy, một khi các doanh nghiệp muốn bảo hộ sản xuất cũng như bảo vệ lợi ích của mình sẽ đưa ra những đề xuất không mở cửa thị trường. Mặc dù việc mở cửa thị trường ảnh hưởng tới lợi ích của một số doanh nghiệp nhưng lợi ích của quốc gia cần được đặt lên hàng đầu.

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng các đàm phán hiệp định thương mại quốc tế, hy vọng Quyết định này sẽ được triển khai hiệu quả, tránh được những gì đã xảy ra với việc tham vấn doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật. Trong 6 chỉ số thành phần của chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2011, do VCCI công bố,   thì chỉ số hiệu quả hoạt động lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có điểm số thấp nhất.