5 nhóm giải pháp lớn nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trong Thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 là phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế. Bộ Tài chính cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp lớn nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN.

5 nhóm giải pháp lớn nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tái cơ cấu để tăng cường sức mạnh kinh tế Nhà nước

Người đứng đầu Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện tái cơ cấu DNNN. Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước; Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật.

Những hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt sẽ bị xử lý nghiêm.

"Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của DNNN, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Về tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu của các Tập đoàn, Tổng công ty, Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2013, đã có 83/91 Tập đoàn, Tổng công ty (không bao gồm 18 Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án gồm 57 doanh nghiệp thuộc Trung ương, 6 doanh nghiệp thuộc địa phương (còn 8/91 đơn vị chưa báo cáo việc xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp).

Sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả cụ thể. Các doanh nghiệp đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, như Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đã chuyển 6 Công ty TNHH MTV sản xuất than thành Chi nhánh của Tập đoàn, gồm các Công ty than Mạo Khê, Nam Mẫu, Dương Huy, Thống Nhất, Khe Chàm; đã phối hợp cùng Bộ Quốc phòng bàn giao Tổng công ty Đông Bắc về Bộ Quốc phòng quản lý toàn diện kể từ 1/1/2014.

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc mô hình Tập đoàn, chuyển thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy với mô hình mới bao gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty và 8 Công ty con 100% vốn nhà nước. Thực hiện bán giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2015 việc sắp xếp các doanh nghiệp không được giữ lại...

Nhiều quy định mở, gỡ vướng thoái vốn

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, trong năm 2014 Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý DNNN. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Luật, Nghị định về Quản lý và sử dụng vốn nhà nước để xác định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, trên cơ sở đó phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng như căn cứ pháp lý để hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo danh mục nhiệm vụ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách của các bộ, ngành ban hành kèm theo Quyết định số 929/QĐ-TTg như Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các quy định về đổi mới quản trị doanh nghiệp, các hình thức sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp ngoài hình thức cổ phần hoá doanh nghiệp...

Nhóm giải pháp thứ hai, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách về chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN. Trong đó, sẽ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về: giao, bán, thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước phù hợp với Luật Doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thực hiện sắp xếp lại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp sắp xếp, cổ phần hóa.

Nhóm giải pháp thứ ba, đó là đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg.

Ngoài các giải pháp thoái vốn theo quy định, Bộ Tài chính còn ban hành một số quy định theo hướng thông thoáng hơn. Đó là, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận.

Đồng thời, cho phép chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên không nhất thiết phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ tư được Bộ Tài chính tập trung thực hiện đó là, tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời bổ sung các chính sách để thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp.

Thứ năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ thực hiện gắn trách nhiệm của Người đứng đấu với kết quả tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Định kỳ hàng quý phải báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp cho Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính đồng thời báo cáo Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời theo thời gian quy định thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại doanh nghiệp của Chính phủ.

Tái cơ cấu về tài chính, các Tập đoàn, Tổng công ty đã từng bước xử lý những tồn tại về tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt như tăng vốn điều lệ từ nguồn chênh lệch tăng do thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản (Tập đoàn Điện lực Việt Nam); sử dụng các nguồn vốn hợp pháp hiện có để tăng vốn điều lệ (Tập đoàn Hoá chất); đàm phán với các nhà cung cấp tín dụng để cơ cấu lại các khoản vay (Vinashin); thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là các khoản đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản...

(Nguồn: Bộ Tài chính)