Để doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập hiệu quả

ThS. Nguyễn Thị Cúc - Công ty VTC Media - Tổng công ty VTC

Từ nay đến năm 2018, nhiều cam kết quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP sẽ có hiệu lực. Mốc thời gian không còn xa, với 96% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn về khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều thách thức đặt ra

Ngày 4/2/2016, Hiệp định TPP đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Đây là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới – được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo các chuyên gia, TPP cùng các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết trong tương lai sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Các cơ hội mà TPP và các hiệp định FTA mới đem lại sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua.

Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các Hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20. Những cam kết trong các Hiệp định sẽ là những khung khổ, chuẩn mực để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…

Tuy nhiên, các Hiệp định này cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức. Thách thức lớn nhất là DN trong nước sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ DN nước ngoài. Trong đó, DNNVV được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia sân chơi này. Phần lớn các DN này thiếu vốn trong khi việc huy động vốn từ thị trường lại kém hiệu quả do không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn vay vốn từ ngân hàng, chủ yếu chỉ tiếp cận được với vốn vay ngắn hạn. Không chỉ vậy, các DN này lại thiếu nguồn lao động có trình độ, thiếu chuyên gia, thợ bậc cao và người lao động có kỹ thuật, nhất là ở khu vực nông thôn.

Ngoài ra, trình độ hiểu biết cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường thế giới, với luật lệ và văn hóa kinh doanh quốc tế của DN cũng rất hạn chế.

Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý… Sức ép cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: Sản phẩm, DN và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Trước sức ép cạnh tranh, một số DN nói chung và DNNVV nói riêng nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương…

Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội tự nó không thể chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải bắt nguồn từ nỗ lực và hiệu quả hoạt động của các DN nói chung và DNNVV nói riêng. Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của các DN. Phần lớn các DN này lại yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, kinh nghiệm tiếp cận thị trường.

Cạnh tranh trong nước đã khó, khi cam kết quốc tế có hiệu lực, họ lại càng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ DN lớn bên ngoài, những điểm yếu của khối DN vừa và nhỏ theo đó sẽ càng được bộc lộ rõ nét hơn. Do đó, nếu họ biết tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, nếu họ sẽ bị thua thiệt. Điều cần nhấn mạnh là, trong các hiệp định thương mại tự do, cơ hội luôn đi liền với thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội – đây cũng là biện chứng của tiến trình phát triển.

Giải pháp phát triển

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận vai trò và những đóng góp của DNNVV đối với nền kinh tế là rất lớn như: Cung cấp một lượng hàng hóa đáng kể cho tiêu dùng với xuất khẩu, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế. Trong bối cảnh phát triển của chuyên môn hóa và hợp tác cùng phát triển đã không cho phép một DN tự khép kín chu trình sản xuất kinh doanh, mà thay vào đó là các DNNVV là vệ tinh của DN lớn. Mô hình này đã và đang tỏ ra phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Với quy mô vốn và lao động không lớn, các DNNVV có thể nhanh chóng thành lập, chuyển đổi mặt hàng sản xuất kinh doanh.

Đây chính là yếu tố giúp thúc đẩy lưu thông hàng hóa, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bổ sung của các DNNVV cho các DN lớn. DNNVV là vệ tinh, những xí nghiệp gia công những bộ phận đơn giản trong các sản phẩm, dịch vụ của các DN lớn, đồng thời là mạng lưới tiêu thụ hàng hóa cho các DN lớn.

Ngoài ra, DNNVV còn đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế địa phương và tạo mối liên hệ chặt chẽ với các tổng công ty nhà nước và các tập đoàn xuyên quốc gia. Chẳng hạn, nhiệm vụ sản xuất ốc vít hay sạc pin cho điện thoại di động là phần việc của các DNNVV. Thực chất, đa phần công nghiệp phụ trợ tại các nước phát triển thường do các DNNVV đảm nhiệm. Vì đây là thế mạnh của loại hình DN này.

Phải thừa nhận, khi tham gia TPP, các DN Việt Nam đặc biệt là các DNNVV sẽ được tiếp cận với các thị trường rộng lớn, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường, nên mức độ cạnh tranh về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sẽ khốc liệt hơn khi các nhà đầu tư TPP tràn vào Việt Nam. Lúc đó, lượng hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại, đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, phù hợp về giá cả với quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn so với hàng hóa nội địa.

Nhiều nước tham gia TPP còn có xu hướng bảo hộ sản xuất nội địa, vì vậy hàng hóa của các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với với hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại với những yêu cầu nghiêm ngặt và tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ hàng hoá, nhất là sản phẩm da giày, dệt may và thủy sản.

Với những thách thức không hề nhỏ khi tham gia TPP, các DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng cần nghiên cứu, nắm chắc nội dung của hiệp định để hạn chế rủi ro. Đo dó, DNNVV cần tự đánh giá lại mình để tìm ra những ưu, khuyết điểm đã bộc lộ trong thời gian vừa qua; soi với các điều kiện, tiêu chuẩn của TPP để tìm ra điểm chưa đáp ứng đủ. Qua đó, xác định rõ những vấn đề cần phát triển hoặc thu hẹp, nghiên cứu rõ các cơ chế, chính sách, điều kiện để tìm ra ưu khuyết điểm đối với DN để khai thác triệt để những lợi thế và khắc phục những yếu kém.

Hiện nay, các DN ở một số nước như Singapore, Malaysia đã đi tắt đón đầu và đang tận dụng rất tốt các cơ hội của hội nhập. Vì thế, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, DN Việt Nam phải luôn học hỏi và giữ tâm thế chủ động trong mọi tình huống.

Trước hết là chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu; lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ gốc để chứng minh xuất xứ nguyên liệu đầu vào, chuẩn bị tốt các điều kiện khi có yêu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất; sẵn sàng ứng phó khi có tranh chấp thương mại xảy ra… Bởi chỉ riêng Hiệp định TPP, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này cũng đã phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% giá trị trở lên.

Bên cạnh đó, DNNVV cũng cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.