Doanh nghiệp hồi phục, nhưng chưa vững chắc

Theo tapchithue.com.vn

Càng gần đến thời điểm cuối năm, các cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia càng quan tâm đến hoạt động của cộng đồng DN. Đây vừa là chức năng, vừa là sự trăn trở trước yêu cầu hỗ trợ để DN có sự bứt phá rõ rệt hơn, khi cuộc chơi hội nhập đang cận kề.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bức tranh xôi đỗ

Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 8/2015, số DN được thành lập mới là 9.301 đơn vị, với số vốn đăng ký là 55.154 tỷ đồng, tăng 41% về số DN và tăng 41,9% về vốn đăng ký so với tháng 7/2015. Tính chung, trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước có thêm 61.305 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 376.419 tỷ đồng; tức tăng 29,2% về số DN và tăng 29,9 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính thêm cả phần vốn mà các DN điều chỉnh tăng thêm thì nền kinh tế đã được bổ sung 857.958 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014 và số lao động được tạo việc làm tại các DN thành lập mới là 873,3 nghìn người, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế này cho thấy, tình hình hoạt động của DN đã phần nào được cải thiện, tiếp đà hồi phục từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý là, tình hình hồi phục diễn ra khá đồng đều, thể hiện ở chỗ DN thành lập mới đã tăng ở tất cả các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, cả nước có 11.333 DN ngừng hoạt động trong thời gian trước nay quay trở lại hoạt động, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đây là con số đáng khích lệ, cho thấy sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho nhiều đơn vị.

Tuy nhiên, bức tranh DN không chỉ toàn màu sáng, bởi vẫn có 39.056 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về sức cạnh tranh của các DN quy mô nhỏ và vừa, nhất là những đơn vị thuộc lĩnh vực nông sản, chế biến hoa quả và thủy sản do ảnh hưởng của tình trạng “được mùa, mất giá” đối với một số sản phẩm như thanh long, dưa hấu, tôm, cua ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, DN vẫn tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém cố hữu đã được nhận diện từ lâu nhưng chưa khắc phục hiệu quả là: công nghệ lạc hậu, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu vốn. Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế, DN Việt còn yếu kém về trang bị công nghệ, khả năng cạnh tranh và thiếu sự chủ động khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến nay, tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị này mới chiếm hơn 20% tổng số DN đang hoạt động-thấp hơn hẳn một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan…

Cần sự vào cuộc của các bên

Như vậy, xét về tổng thể thì bức tranh DN vẫn là sự đan xen giữa hồi phục, tăng trưởng và những khó khăn đã tồn tại từ lâu. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường hỗ trợ DN từ các cấp điều hành vĩ mô, địa phương trên tinh thần càng sớm càng tốt.

Theo đó, Chính phủ đang hối thúc các bộ, đơn vị hữu quan khẩn trương đưa nội dung, quy định của các luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tế đời sống. Đây là những luật mới ban hành, có sự đột phá rất lớn về sự thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như những cam kết của Việt Nam với các đối tác trong quá trình hội nhập; nhất là có tác dụng “cởi trói” cho DN trong hoạt động kinh doanh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu tháng 7 đến nay, số lượng DN đăng ký thành lập mới có xu hướng tăng cao, chứng tỏ các luật mới đã phát huy tác dụng. Chính phủ khẳng định, cải cách và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một quá trình liên tục và không có điểm dừng, đòi hỏi phải triển khai trên tinh thần quyết liệt, cầu thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, các DN đang mong muốn cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công thương nghiên cứu, có giải pháp hoặc ít tư vấn cho DN trong quá trình xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh có sự thay đổi tỷ giá giữa tiền Việt Nam với 2 ngoại tệ quan trọng là USD và nhân dân tệ. Trên thực tế, các DN nhập khẩu nguyên vật liệu nói chung đang gặp khó về vấn đề tỷ giá và rất khó điều chỉnh, bởi đó là nguyên nhân khách quan.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, tập trung hỗ trợ tối đa DN trong việc kê khai, thực hiện nộp thuế cũng như áp dụng hình thức kê khai thuế điện tử. Tính đến tháng 8/2015, đã có 98% tổng số DN thực hiện khai thuế qua internet và dự kiến đến 30/9 số DN nộp thuế điện tử sẽ đạt tỷ lệ 90%.