Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

Theo Oanh Vũ/thanhtravietnam.vn

Mặc dù tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, tỷ lệ vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khiêm tốn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng. Nguồn: internet
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng. Nguồn: internet

Còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn…

Có 8 nguyên nhân khiến tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn chưa cao. Một là, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua. Hai là, nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy. Ba là, thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV và qui định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV. Bốn là, bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh. Năm là, nợ xấu cần có thời gian để xử lý triệt để và nhanh hơn. Sáu là, thiếu các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, tư vấn, thông tin… mặc dù quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đi vào hoạt động nhưng chưa làm được gì nhiều. Bảy là, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển. Tám là, môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, còn có nguyên nhân đến từ các tổ chức tín dụng. Theo đó, một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các tổ chức tín dụng chưa có các sản phẩm-dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến tổ chức tín dụng chưa thể giải ngân.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa đến từ chính các DNNVV, đó là trình độ quản lý của các DNNVV còn yếu kém, công nghệ lạc hậu; trình độ lao động thấp; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế. Nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo vị thế, thương hiệu trên thị trường; chủ yếu thanh toán tiền mặt nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền. Đặc biệt, DNNVV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, sản phẩm – dịch vụ và các gói của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội…

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trước thực tế DNNVV chưa tiếp cận được vốn vay như kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, giải pháp tín dụng cho DNNVV không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng mà còn cần các giải pháp mang tính tổng thể với sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của nhiều Bộ ngành, địa phương và các giải pháp phát triển thị trường vốn.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tập trung thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tổ chức tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng và hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật để bảo đảm sự đồng bộ ngay sau khi Luật có hiệu lực.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) tiếp cận vốn tín dụng.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất các các lĩnh vực khác nhau để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.  

Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các sản phẩm mới như: các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay…