Đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình hội nhập TPP

PGS., TS. Nguyễn Đình Hiền

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên kinh tế Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng tăng tốc phát triển. Đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đã có những thỏa thuận, cam kết chung để các thành viên quốc gia thành viên TPP thực hiện.

ảnh minh họa: baomoi.com
ảnh minh họa: baomoi.com

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hội nhập TPP có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế đối với loại hình doanh nghiệp này ở nước ta. Bài viết đề cập đến thực trạng, đưa ra những giải pháp trọng tâm để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Quy định của TPP đối với doanh nghiệp nhà nước

Với Hiệp định TPP, vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được các thành viên quan tâm và đề cập từ những phiên đàm phán đầu tiên. Hiện nay, cả 12 nước thành viên TPP đều có các DNNN hoạt động cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực cần thiết khác.

Về cơ bản, các thành viên TPP đều thấy được lợi ích của việc thống nhất một khuôn khổ quy định có tính nguyên tắc đối với loại hình DNNN trong quá trình ký kết Hiệp định hội nhập TPP. Trong đó, mục tiêu chính của các thành viên TPP khi xây dựng bộ nguyên tắc mới về DNNN là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong khu vực thương mại tự do; đồng thời, các thành viên cũng thừa nhận sự đa dạng về lịch sử, chính trị và kinh tế, bởi tại một số nước thành viên khu vực DNNN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo cam kết của TPP, có một số quy định đối với DNNN như sau:

Thứ nhất, trừ trường hợp DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích, hoặc được Nhà nước chỉ định được quyền trên một thị trường nhất định, DNNN khác phải ra quyết định dựa trên “tính toán thương mại”. Nghĩa là, phải dựa trên các tiêu chí mang tính thương mại như: Giá cả, chất lượng, tiếp thị, vận tải… hoặc yếu tố khác tương tự như DN thuộc các thành phần kinh tế khác để ra quyết định kinh doanh.

Thứ hai, DNNN không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ do DN từ một thành viên TPP khác cung cấp. Khi Chính phủ giao hoặc ủy quyền cho DNNN thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ như: Quyền cấp hoặc thu hồi giấy phép, ấn định hạn ngạch, phê duyệt giao dịch thương mại, phí và lệ phí… thì DNNN đó phải tuân thủ cam kết của Chính phủ trong Hiệp định TPP.

Thứ ba, Chính phủ không được trực tiếp hay gián tiếp cung cấp cho DNNN các khoản “hỗ trợ phi thương mại” lớn tới mức gây tác động bất lợi đến lợi ích của một nước thành viên TPP khác. Trong quản lý điều hành, Nhà nước không được tạo ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa DNNN và DN khác thông qua các thành phần kinh tế khác. Điều này không có nghĩa là, cấm hoàn toàn mọi hình thức hỗ trợ của Chính phủ cho DNNN mà chỉ yêu cầu khi cần thiết có sự hỗ trợ cho DNNN, thì phải thực hiện theo cách thức phù hợp và không gây tác động tiêu cực đến lợi ích thương mại của các nước thành viên TPP.

Thứ tư, DNNN khi được chỉ định độc quyền không được trực tiếp hay gián tiếp lợi dụng vị trí, để gây ra hành vi hạn chế cạnh tranh trên một thị trường khác mà DN có tham gia kinh doanh và cạnh tranh với DN khác, gây tác động bất lợi đến một nước thành viên TPP khác.

Thứ năm, các nước thành viên phải cho phép tòa án quốc gia mình thụ lý và xử lý đối với những vụ kiện dân sự của DNNN nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước mình.

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình hội nhập TPP - Ảnh 1

Như vậy, những cam kết nêu trên đều xuất phát từ thực tế và lợi ích của DNNN ở các nước thành viên TPP. Nội dung cam kết đề cập đến nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh giữa các DN; đồng thời, tôn trọng tính đa dạng về lịch sử, chính trị của mỗi quốc gia thành viên TPP.

Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã giữ quyền bảo lưu các hình thức hỗ trợ cần thiết cho DNNN trong việc thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước về chương trình cổ phần hóa, tái cơ cấu khu vực DNNN với mục đích làm cho DNNN hoạt động tốt hơn theo khuôn khổ thị trường.

Đổi mới để đáp ứng cam kết hội nhập

Hiện nay, ở nước ta, khu vực DNNN trung ương có 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng có quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân như: Dầu khí, xăng dầu, điện, khoáng sản…

Các DNNN này có tổng tài sản trên 5 triệu tỷ đồng, hàng năm góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động. Thời gian qua, thực hiện cải cách, tái cấu trúc DNNN đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực ở Việt Nam nhằm đáp ứng đòi hỏi, cam kết từ hội nhập quốc tế.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, việc tái cơ cấu DNNN được triển khai thực hiện quyết liệt với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Các công việc được đẩy mạnh thực hiện là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, DNNN đã coi trọng hơn đến đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với DNNN được tăng cường và thể hiện tính hiệu quả hơn…

Có thể nói, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, DNNN đang trở thành lực lượng quan trọng, tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế. Không chỉ mở rộng sản xuất kinh doanh ở trong nước, nhiều DNNN đã mạnh dạn tiên phong mở rộng đầu tư kinh doanh ra thị trường nước ngoài tiềm năng và thu được hiệu quả kinh tế tương đối cao.

Qua đó, góp phần khẳng định vai trò quan trọng, đầu tàu của các DNNN trong cơ chế thị trường. Thống kê cho thấy, tính đến nay, đã có 2.075 dự án đầu tư ra nước ngoài của các DNNN với tổng giá trị đăng ký là 1.433.509 tỷ đồng, giải ngân được trên 658.000 tỷ đồng, tương đương 33 tỷ USD.

Tiêu biểu là các dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào trị giá 898 tỷ đồng; 39 dự án tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ở Nga, Venezuela; dự án trồng cây cao su tại Lào và Campuchia… Nhiều DNNN cũng đã chú ý mở rộng thị trường ra các châu lục, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở các nước thuộc Liên bang Nga, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, các nước thuộc khu vực châu Á như: Lào, Campuchia, Myanmar…

Một số dự án đầu tư đã được triển khai trong các lĩnh vực: Chế biến khoáng sản, khai thác dầu khí, chế biến cao su, gỗ, dịch vụ ngân hàng tín dụng… được đánh giá có hiệu quả tốt, thể hiện sự nhạy bén của DNNN trong cơ chế thị trường. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các DNNN cũng đã chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN...

Hội nhập quốc tế với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là trước ngưỡng cửa hội nhập TPP đã, đang và sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho DN Việt Nam nói chung, DNNN nói riêng trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mở ra các khu vực mậu dịch tự do rộng lớn. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần hoàn thiện thể chế, cải thiện tích cực môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của DNNN thời gian qua vẫn còn cho thấy không ít hạn chế, tồn tại như: Tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế ngày càng giảm; Tình hình tài chính của DNNN nhìn chung còn yếu kém, hiệu quả đầu tư còn thấp; DNNN có tỷ trọng lao động giảm nhanh…

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: DNNN còn chậm trong nhận thức về đổi mới và hội nhập quốc tế; còn nhiều hạn chế trong lựa chọn xây dựng chiến lược, mô hình, cơ chế chính sách; tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; các DNNN quá thiên về quy mô đầu tư, ít chú trọng chất lượng đầu tư. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm còn bất cập và yếu kém. DNNN đầu tư vào những ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc vào vốn vay, cổ phần hóa còn diễn ra chậm...

Một số giải pháp trọng tâm

Đổi mới DNNN trong tiến trình hội nhập TPP là một yêu cầu cấp bách hiện nay ở nước ta nhằm một mặt nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của DNNN, với tư cách là bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế chủ đạo; đồng thời, đảm bảo “tính toán thương mại” trong cam kết hội nhập TPP, thực hiện bình đẳng trong kinh doanh đối với các DN khác. Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập nói chung và thực hiện các cam kết của TPP nói riêng, đồng thời đổi mới DNNN đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với DNNN trong bối cảnh hội nhập TPP. Đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát theo hướng tách bạch về chức năng quản lý nhà nước và chức năng của chủ sở hữu đối với các DNNN.

Nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản, chính sách, trong đó chú trọng sự gắn kết với các quy định của TPP. Xây dựng khung pháp lý và quản lý, giám sát phù hợp với từng loại hình DN: DNNN, DN có phần vốn nhà nước, tập đoàn kinh tế, tập đoàn tài chính. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sắp xếp đổi mới DNNN theo hướng giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, xác định giá trị DN và thoái vốn nhà nước, để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn ngoài ngành, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại DN không cần nắm giữ…

Hai là, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN chú trọng thực chất và hiệu quả. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là TPP.

Những DNNN có lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc quyền tự nhiên phải được quản lý theo cơ chế phù hợp, đảm bảo điều kiện kinh doanh công bằng với các DN trong các khu vực kinh tế khác, phòng và tránh bị khởi kiện khi các cam kết TPP chính thức được thực thi; Tạo ra tính cạnh tranh với DN nước ngoài thông qua việc hình thành các DN đủ lớn và làm đầu tàu hỗ trợ cho các DNNVV. Về phương thức tái cấu trúc, cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc từng phần, trong đó tập trung vào tái cấu trúc tài chính, quản trị DN; Tái cấu trúc phải gắn với cổ phần hóa và tăng cường năng lực cạnh tranh, đảm bảo các nguyên tắc thị trường, tăng cường hiệu quả hoạt động của DN, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và ổn định kinh tế - xã hội.

Ba là, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của DNNN. Có thể nói, DNNN có lợi thế rất lớn về cạnh tranh như: Khả năng tiếp cận vốn, công nghệ, lao động…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số DNNN hoạt động không hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp, thua lỗ làm tăng gánh nặng lên ngân sách nhà nước. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong hội nhập TPP, Chính phủ cần xác định rõ hơn vai trò của DNNN trên các lĩnh vực kinh tế. Từ đó, tiếp tục cơ cấu lại những ngành nghề mà DNNN cần nắm giữ toàn bộ hay chỉ giữ cổ phần chi phối, những ngành nghề không cần thiết nắm giữ toàn bộ vốn, thì cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước…

Đồng thời, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNN cần phải đầu tư trang bị công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Đặc biệt là, tận dụng cơ hội hội nhập TPP để phát triển DNNN, tạo ra động lực thúc đẩy đối với các thành phần kinh tế khác.

Bốn là, tập trung huy động các nguồn lực xã hội thúc đẩy DNNN phát triển. Có biện pháp giải phóng các nguồn lực xã hội, thúc đẩy các DN tư nhân, nhất là các DNNVV phát triển nhanh, bền vững. Nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của DNNN còn lại thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP. Cụ thể, DNNN hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận, cạnh tranh được với DN trong và ngoài nước, DNNN phục vụ xã hội, dân sinh phải tạo ra sản phẩm, từng bước đảm bảo chất lượng.